14/10/2020 06:41 GMT+7
(lienminhbng.org) - “Thứ nhất phạm phòng, thứ nhì lòng lợn”. Có lẽ nhiều người Việt đều đã nghe câu tục ngữ này. Đặc biệt là những người vừa mới kết hôn hay đang trong giai đoạn mặn nồng của tuổi yêu đương thì phải "thuộc nằm lòng" vì đây là một lời khuyên liên quan tới một vấn đề vừa tế nhị, vừa hệ trọng.
Nguyễn Đức Dương (Từ điển tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) giải nghĩa câu này như sau: "Phạm phòng và lòng lợn là 2 trong số các mối nguy đáng sợ bậc nhất đối với mọi người đàn ông đang yếu về thể lực". Cắt nghĩa như vậy rõ ràng chưa ổn.
"Phạm phòng 犯房" (từ Hán Việt) là một động từ, chỉ hiện tượng "đàn ông bị ngất khi đang giao hợp hoặc bị ốm nặng sau đó" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2017). Như vậy, “phạm phòng” là một từ liên quan tới quan hệ tình dục.
Từ điển mở Wikipedia giải thích rõ hơn: "Phạm phòng hay còn gọi là thượng mã phong (tiếng Hán: 馬上風 - mã thượng phong - có một số nơi người ta gọi là "trúng phong", "trúng phòng") là một hiện tượng có thể gây đột tử hoặc để lại di chứng ở con người khi sinh hoạt tình dục ở một số điều kiện nhất định. Đông y gọi là chứng tẩu dương. Nếu chứng tẩu dương xuất hiện khi đang giao hợp gọi là thượng mã phong, nếu xuất hiện sau khi đã giao hợp xong gọi là hạ mã phong".
Biểu hiện cụ thể là, trong quá trình giao hợp, sau khi xuất tinh, người đàn ông đột nhiên biến sắc, mặt trắng bệch, hơi thở ngắn và gấp, da lạnh, tay chân co giật và sau đó ngất xỉu. Phạm phòng hay xảy ra trong những trường hợp: Các cặp vợ chồng mới cưới, những người đi xa vợ (hay bạn gái) lâu ngày gặp lại, tình trạng cơ thể yếu, hay uống quá nhiều bia rượu, thần kinh quá căng thẳng, ham muốn tình dục quá mức trước khi quan hệ.
Y văn thế giới đã thống kê, hiện tượng phạm phòng chủ yếu xảy ra ở đàn ông (phụ nữ cũng có nhưng cực kỳ hiếm hoi). Hậu quả của sự cố này rất khó lường. Xấu nhất là đột tử (nếu không biết cách xử lý). Còn không cũng sẽ để lại di chứng nặng nề. Người bị chứng thượng mã phong sức khỏe sau đó sẽ bị giảm sút nghiêm trọng, ốm yếu dài ngày đến mức "đuổi ruồi không bay".
Sách vở còn chỉ dẫn chi tiết (cho các cô gái) là cần phải làm gì trong trường hợp rủi ro bất ngờ lại quá tế nhị này. Nhưng chỉ cần nghe qua cũng đã thấy phạm phòng đáng sợ thật. Và như vậy, qua Từ điển của Nguyễn Đức Dương (vừa dẫn ở trên) thì có 2 vấn đề chưa đáp ứng được: 1. Chưa giải thích rõ hiện tượng "phạm phòng" (rủi ro trong quan hệ tình dục trong một số hoàn cảnh bất thường). 2. Cũng chưa nói rõ tại sao "đàn ông yếu về thể lực" ăn lòng lợn không tốt. Thực tế, lòng lợn là một món ăn cổ truyền, vẫn được coi là "quốc hồn quốc túy" của người Việt, có thể cần kiêng kị với một số trường hợp, nhưng nói "chung chung" đàn ông yếu tuyệt đối không được ăn (vì nguy hiểm) e chưa thực sự thuyết phục.
Có người lại giải thích câu này là: "Chết quá sướng trên bụng vợ, sau đó mới là được ăn lòng lợn ngon miệng, dẫu chết cũng sướng". Giải thích như vậy hơi tối nghĩa và mang tính suy diễn chủ quan.
Lại có người cho rằng, mọi người đàn ông (mới kết hôn hay còn đang tuổi sinh hoạt tình dục) cần thận trọng. Nếu đã bị phạm phòng (kéo theo là suy nhược cơ thể) lúc đó sức khỏe quá yếu phải tuyệt đối kiêng món lòng lợn, vì ăn uống như thế sẽ tiếp tục làm cho tình trạng sức khỏe trầm trọng hơn.
Còn theo GS Nguyễn Xuân Kính (nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Dân gian) thì câu này phải hiểu là: "Đối với mọi cặp vợ chồng, có 2 trường hợp cần đặc biệt lưu tâm, có thể nguy hiểm đến tính mạng là: 1. Đàn ông bị phạm phòng (không biết cách sơ cứu và sau đó không cẩn thận giữ gìn); 2. Đàn bà sau khi sinh lại ăn món lòng lợn (ngon thì ngon thật nhưng lại gây bất lợi lớn đối với sức khỏe)". Ông còn kể một câu chuyện lưu truyền trong dân gian. Một phụ nữ Hà thành xưa, sau khi đẻ, muốn quyên sinh mà chưa biết cách nào "nhẹ nhàng mà đơn giản". Bà liền sai con sen, mỗi ngày ra phố mua cho bà một đĩa lòng lợn. Bà cứ thế ăn đều đều cho đến một ngày, chứng sản hậu nặng tới mức bà đã ốm nặng và qua đời.
Tuy nhiên, cách giải thích này cũng chưa thật thuyết phục. Không biết là có ai có thể cung cấp thêm luận cứ để đưa ra một "đáp án" khả dĩ nhất cho câu tục ngữ này. Nếu không thì món "lòng lợn cổ truyền" vẫn bị quy cho là tác nhân nguy hiểm đối với cuộc sống con người. Thật là oan uổng lắm thay!
Tội nghiệp lòng lợn tiết canh
Chỉ vì tục ngữ mà thành oan gia...
PGS-TS PHẠM VĂN TÌNH
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất