PGS Nguyễn Văn Huy: Làm tốt, bảo tàng công nghiệp sẽ 'đẻ trứng vàng'

03/08/2016 19:56 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Là chuyên gia đầu ngành về bảo tàng, từng có kinh nghiệm tới một số bảo tàng công nghiệp trên thế giới, PGS Nguyễn Văn Huy có cuộc trao đổi với Thể thao & Văn hóa Cuối tuần về mô hình này.

Ông nói:

- Mô hình bảo tàng công nghiệp khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ và Anh. Phần lớn trong số này đều được hình thành trên cơ sở giữ nguyên một phần kết cấu của các khu công nghiệp cũ. Có những bảo tàng công nghiệp gắn với một ngành nghề và cũng có những cái gắn với lịch sử nền công nghiệp của toàn bộ thành phố, sau khi họ tập trung các tư liệu, hiện vật, hình ảnh... từ các nhà máy khác nhau về cùng một nơi.

Thậm chí, liên quan tới khu công nghiệp, tại Anh có bảo tàng chỉ để trưng bày những ngôi nhà ở dành cho công nhân trong suốt lịch sử đô thị. Tại đó, người xem sẽ lần lượt được tìm hiểu về điều kiện sống của người lao động kể từ cách bố trí bàn ghế, gia cụ cho tới bếp núc, giường nằm...trong những giai đoạn nối tiếp nhau kể từ cuối thế kỷ XIX tới hiện nay. Cũng tại Anh, có những bảo tàng chuyên trưng bày về cuộc sống của người nhập cư làm việc trong các khu công nghiệp.


PGS Nguyễn Văn Huy

Nghĩa là, tùy thuộc những gì từng hiện hữu trong lịch sử, sẽ có rất nhiều cách để khai thác nội dung tại các bảo tàng công nghiệp trên thế giới. Đa phần trong số đó đều hút một lượng người tham quan không nhỏ. Họ có thể là những du khách ghé thăm thành phố, hoặc là những công dân tại chỗ muốn tìm hiểu về cuộc sống của lớp cha ông mình.

* Với trường hợp Dệt Nam định, ông có thể đưa ra một mô hình BTCN để so sánh không?

- Tôi nghĩ tới Bảo tàng dệt tại Liverpool, Anh. Thành phố này từng là một trong những cái nôi của ngành dệt trên thế giới. Tại đó, không chỉ tìm hiểu về công nghiệp dệt, du khách còn được biết về phong trào đấu tranh đòi quyền lợi của công nhân địa phương trong lịch sử, về những thay đổi trong điều kiện sống của họ, và cả về câu chuyện Karl Marx từng nghiên cứu đời sống công nhân ở đây để viết Tư bản luận.

Tất nhiên, nhà máy Dệt Nam Định của chúng ta có nhiều điểm khác biệt. Nhưng, câu chuyện diễn ra quanh nó cũng vô cùng hay.Đó cũng là một trong những nhà máy cơ khí đầu tiên của Việt Nam, là nơi để hình thành giai cấp công nhân cho Nam Định và cho cả nước, là nơi chứng kiến những thay đổi trong kĩ thuật dệt từ cuối thế kỉ XIX, qua thời Xã hội Chủ nghĩa cho tới hiện tại.

Câu hỏi ở đây là chúng ta phải làm sao để tổ chức một bảo tàng cho đủ hấp dẫn. Nếu chỉ trưng bày tư liệu quanh một số cột mốc lịch sử, đưa ra cho người xem một số máy móc và vật liệu cũ... thì đó lại là cách tư duy vừa cũ,vừa sáo mòn của rất nhiều bảo tàng bây giờ.


Ống khói của nhà máy gạch Đại La cũ được bảo tồn tại khách sạn Horison ( nay là khách sạn Pullman)

* Vậy, cá nhân ông có gợi ý gì không?

- Mọi chuyện phải hình thành trên cơ sở nghiên cứu thực tế. Nhưng nhìn chung, bảo tàng công nghiệp nào cũng vậy, muốn có sức sống thì những gì trưng bày phải là duyên cớ để dẫn dắt người xem tới những câu chuyện về xã hội, về cuộc sống và số phận của những con người trong các giai đoạn lịch sử khác nhau.

Chỉ riêng chuyện những người công nhân lớp đầu tại đây có nguồn gốc từ đâu, sau này trở thành công dân tại thành Nam như thế nào, con em của họ phát triển thành công nhân, hoặc trưởng thành và trở thành những trí thức, thậm chí là những lãnh đạo cao cấp của Việt Nam... đã đủ làm chất liệu cho rất nhiều câu chuyện mà chúng ta cần khai thác.

Rồi, còn hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện về  Nhà máy có thời lập kỷ lục lớn nhất Đông Dương, về  hàng ngàn hecta ruộng lúa chuyển sang trồng bông ở những vùng lân cận, về sự thay đổi cách sống của hàng ngàn gia đình với những guồng sợi tại các làng nhận làm nghề gia công cho nhà máy. Những thông tin ấy cần được nghiên cứu đầy đủ để tư liệu hóa và đưa vào bảo tàng.

* Hiện tại, vấn đề đang đặt ra với Dệt Nam Định, cũng như nhà máy Ba Son, là phần diện tích được dành ra làm bảo tàng. Chúng ta đều hiểu một thực tế: giới nghiên cứu thì luôn muốn có một diện tích thật rộng, trong khi nhà đầu tư thì ngần ngại bởi ảnh hưởng tới quy mô của khu đô thị...

- Để trả lời được câu hỏi này, chúng ta phải có nghiên cứu thực tế về quy mô, lịch sử hay số tư liệu còn lưu giữ. Một ví dụ đơn giản: nếu Dệt Nam Định còn giữ được đầy đủ những cỗ máy từ thời Pháp thì việc tổ chức sẽ phải khác với việc nhà máy chỉ còn những cỗ máy trong 50 năm trở lại đây.

Bảo tàng công nghiệp - 'gà đẻ trứng vàng': Những 'nhà máy' của ký ức

Bảo tàng công nghiệp - 'gà đẻ trứng vàng': Những 'nhà máy' của ký ức

Đó là câu chuyện của nhà máy dệt Nam Định, nhà máy kẽm Quảng Yên... Rồi trước đó là câu chuyện của cảng Ba Son, của nhà máy rượu Hà Nội cùng hàng chục khu công nghiệp cũ tại các đô thị trên cả nước.

Và xin được chia sẻ thêm: nếu được chuẩn bị tốt và có chiến lược đầu tư, truyền thông hợp lý, bảo tàng công nghiệp hoàn toàn có thể trở thành con gà đẻ trứng vàng, thu hút khách du lịch và các hoạt động dịch vụ quanh nó. Có nghĩa, ngoài bảo tàng, những công trình liền kề nó cũng hưởng lợi đầu tiên nếu khai thác kinh doanh.

Do vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, việc thuyết phục nhà đầu tư "nhường" lại một phần diện tích phù hợp để làm bảo tàng công nghiệp là khả thi.

Thậm chí, trong trường hợp không thể xây Bảo tàng, việc giữ lại một bức tường, một quảng trường nhỏ, một kho hàng cũ...và cải tạo lại thành điểm nhấn kiến trúc trong khu đô thị mới cũng là điều có lợi về lâu dài. Trường hợp bảo tồn ống khói của nhà máy gạch Đại La cũ khi xây khách sạn Horison là ví dụ.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm