UNESCO đề nghị giải trình về Hoàng Thành Thăng Long

30/07/2014 09:39 GMT+7 | Di sản

(lienminhbng.org) - Công văn mới nhất từ trụ sở UNESCO tại Paris đã yêu cầu phía Việt Nam giải trình những thông tin liên quan tới vụ xâm phạm Hoàng Thành Thăng Long mà dư luận vừa nêu ra.

Ngày 25/7, công văn số CLT/HER/WHC/APA/164 đã được ông Kishore Rao, giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới thuộc UNESCO, gửi tới Ủy ban Quốc gia UNESCO VN, Đại sứ thường trực VN về vấn đề UNESCO và Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội. Theo đó, cơ quan chuyên môn này đã nhận được các thông tin từ Hà Nội về sự việc đang diễn ra tại HTTL có "tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng mạnh tới tính xác thực và giá trị toàn cầu của di sản".

Nhắc tới trách nhiệm quản lý di sản, công văn trên cũng đề nghị các cơ quan có trách nhiệm của VN khẩn trương xác minh và cung cấp báo cáo chi tiết về sự việc này. Đây có thể coi là yêu cầu chính thức từ UNESCO, khi từ năm 1992, Trung tâm Di sản thế giới luôn là cơ quan chuyên môn có trách nhiệm điều phối toàn bộ mọi vấn đề liên quan tới hệ thống danh hiệu này.


Việc xử lý các hố khảo cổ ngập nước cần được khẩn trương tiến hành tại Hoàng thành Thăng Long

Trước đó, cũng trong ngày 25/7, Ủy ban Quốc gia UNESCO VN cũng đã có văn bản gửi tới các cơ quan liên quan với nội dung khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời sớm kiểm tra và khắc phục sự việc đang xảy ra tại HTTL. Đặc biệt, theo văn bản này, rất có khả năng UNESCO sẽ sớm cử đoàn chuyên gia quốc tế sang thẩm định và đưa ra khuyến nghị cảnh báo về trường hợp HTTL tại kì họp quốc tế vào tháng 7/2015 tới. Trong trường hợp xảy ra, đây là sự việc ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của VN trước UNESCO, cũng như trước Ủy ban Di sản Thế giới mà chúng ta đang là thành viên.

Trên lý thuyết, khi nhận khuyến nghị về nguy cơ không được bảo tồn nguyên vẹn, các DSTG thường sẽ mất một thời gian khá dài để vừa khắc phục thực tế, vừa chờ UNESCO xem xét kết quả và rút lại lời cảnh báo này. Cụ thể, tại VN, Cố đô Huế  và vịnh Hạ Long là 2 di sản từng bị đưa vào trường hợp này trong các năm 2009 và 2011. Tới năm 2013, cố đô Huế mới được UNESCO đưa khỏi bản danh sách nhận khuyến nghị, trong khi vịnh Hạ Long vẫn chưa thực hiện được điều này.

PGS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học VN cho biết:  rõ ràng đây là một sự việc đáng lo ngại. Tuy nhiên, cần hiểu rõ, việc UNESCO gửi yêu cầu giải trình này chưa đồng nghĩa với việc họ sẽ đưa HTTL vào danh sách các DSTG bị khuyến nghị trong năm tới. Thậm chí, ở một chừng mực nào đó, có thể coi thông tin "báo động" trên là cơ hội để chúng ta khắc phục sự cố và rút ra những bài học cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn HTTL, cũng như các di sản khác.

Bởi vậy, hơn bao giờ hết, tôi rất mong những bên liên quan trong sự việc này cùng ngồi lại với nhau để thảo luận và khẩn trương đưa ra những giải pháp vừa có tính cấp thiết, vừa có tính lâu dài nhằm bảo tồn di sản này. Đó là điều duy nhất chúng ta có thể làm trong bối cảnh hiện nay. Nếu việc khắc phục sự cố được triển khai với một thái độ nghiêm túc, khoa học và thật sự cầu thị, tôi tin UNESCO sẽ đánh giá cao  những nỗ lực và thiện chí của VN để từ đó thông cảm với chúng ta”.

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm