16/07/2011 14:22 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Nguyễn Quân - Phan Cẩm Thượng, hai cái tên nổi bật nhất trong “làng” nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam hiện tại. Cùng trong thời gian qua, hai ông lần lượt cho ra hai cuốn nghiên cứu: Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20 (Nguyễn Quân) và Văn minh vật chất người Việt (Phan Cẩm Thượng) - thêm đóng góp lớn lao cho nền nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam. Ngoài những bài viết giới thiệu tác phẩm của nhau, cả hai đều rất tiết chế khi nhắc đến bạn (thầy/ trò) mình ngoài đời. Lần đầu tiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Quân bày tỏ suy nghĩ về học trò Phan Cẩm Thượng...
“Tôi đánh giá cậu bằng bảy người”
* Niềm tự hào của ông phải chăng là học trò của mình - nhà nghiên cứu/ phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng?
- Với tư cách thầy giáo cũ và đồng nghiệp đều đúng như vậy. Anh Thượng là người giỏi trước khi học tôi. Tôi không rõ anh đã học được gì ở mình nhưng tôi tự hào về nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng bởi những điều khác tôi, hơn tôi của anh ấy. Hợp tác làm việc với anh cũng vui và thuận tiện.
Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân
* Trong quá trình làm việc, ông nhận thấy điều gì ở học trò của mình?
- Phan Cẩm Thượng có tư duy lịch sử tốt, có Hán văn và Hán học rất cần cho nghiên cứu Mỹ thuật cổ và văn hóa nói chung, có sự cần mẫn, kỳ khu trong thao tác cụ thể. Phương pháp nghiên cứu của anh cũng mạch lạc, sắc bén và độc đáo. Thượng có một văn phong đặc sắc đủ để diễn ngôn những gì mình muốn diễn ngôn, đọc biết ngay và dễ thích. Phan Cẩm Thượng cũng là một họa sĩ có phong cách riêng. Khi Nguyễn Hải giới thiệu tôi với Từ Chi và bảo tôi ngồi cạnh ông trên chiếu rượu. Ông Chi hỏi: Ông này là ông nào? Nguyễn Hải đáp: Nó ngồi lệch chiếu của ông đấy! Khi tôi giới thiệu Phan Cẩm Thượng với Thái Bá Vân có ý “gửi gắm” thì ông Vân cười gật gù bảo: Ông ấy “xong” rồi! nghĩa là đã “thành” chả cần giúp đỡ gì nữa. Nghiêm túc thì chả ai dạy ai được điều gì, chỉ có ta tự biết phải học ở người khác cái gì mà thôi.
* Ông có thể kể về kỷ niệm thầy trò của hai ông?
- Có nhiều kỷ niệm đẹp thí dụ như là các chuyến lang thang thực địa, đo tượng, chụp ảnh... ở các làng Bắc bộ. Một lần bị tôi thúc làm tư liệu cho cuốn Mỹ thuật của người Việt, anh Thượng bảo: Thầy nhớ là Thi Nại Am viết Thủy hử (hay Tào Tuyết Cần viết Hồng lâu mộng tôi không nhớ rõ) ông ấy có bảy anh học trò “loong toong”. Tôi đáp: Tôi đánh giá cậu bằng bảy người chứ sao lại là một thôi, đâu được!
Cách làm việc của Thượng khác của tôi
* Để nghiên cứu và cho ra mắt các cuốn Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại (NXB Văn hóa 1982); Ghi chú về nghệ thuật (NXB Văn hóa 1990, NXB Trẻ 2008); Tiếng nói của hình và sắc (NXB Văn hóa 1986); Con mắt nhìn cái đẹp (NXB Mỹ thuật 2004), Mỹ thuật của người Việt (1989), Mỹ thuật ở làng (1991) khi làm riêng và cả làm chung với ông Phan Cẩm Thượng, ông đã mất bao nhiêu thời gian cho từng cuốn?
- Cuốn Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại tôi viết khoảng 3 năm. Ghi chú về nghệ thuật thì chuẩn bị khoảng 5 năm nhưng chấp bút thì chỉ khoảng 6 đến 7 tháng. Hai cuốn Tiếng nói của hình và sắc và Con mắt nhìn cái đẹp mỗi cuốn cũng mất vài năm vì vấn đề rộng cho cả một môn học mà lại phải trình bày gọn, dễ hiểu, minh họa và ghi chú sao cho người đọc, người học thích thú và dễ nhớ. Riêng hai cuốn làm chung với ông Phan Cẩm Thượng là Mỹ thuật của người Việt và Mỹ thuật ở Làng thì tôi đỡ vất vả hơn vì chỉ viết phần nghiên cứu, bình luận, nêu các luận điểm còn phần tư liệu và tóm tắt (Mỹ thuật ở Làng) đã có Phan Cẩm Thượng lo.
Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân và Phan Cẩm Thượng (phải)
trong một buổi tọa đàm tại TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn
Tôi nghĩ cách làm việc của Phan Cẩm Thượng sau này khác cách của tôi. Nhìn vào “thành phẩm” của anh ấy thì thấy chúng phải là kết quả của những phương pháp làm việc khác. Khi làm chung hai cuốn kể trên, Phan Cẩm Thượng còn là sinh viên, mới ra trường nên cũng dễ hợp tác. Vả lại phân công hẳn phần tư liệu cho anh ấy “toàn quyền” thì cũng không có vướng mắc gì. Được cái Phan Cẩm Thượng rất nhanh chóng nhận ra các quan điểm và cách lập luận của tôi nên đáp ứng rất tốt. Anh ấy còn bổ sung làm giảm bớt thói “cẩu thả”, dễ xuê xoa của tôi khi dẫn chứng tư liệu và khảo tả di tích.
* Quá trình tác nghiệp của hai ông diễn ra như thế nào?
- Đầu tiên là có một dự cảm mơ hồ, có tính phát hiện. Thí dụ như khi về quê chơi, đi thăm chùa, thăm đình xem miếu mấy làng nhỏ... đầu tôi bảng lảng ý tưởng về thứ văn hóa đặc biệt ở các làng Việt Nam mà các cụ như Phan Kế Bính, Toan Ánh, Ngô Tất Tố... chưa nói tới. Hà Trí Hiếu bảo: “Anh nên viết một cái gì về làng”. Rồi một dự án hình thành đó là Mỹ thuật ở Làng như là hiện thân và phần khung của văn hóa Làng (không phải phong tục, tập quán, ca diễn hay văn học dân gian như các cụ tiền nhân đã trình bày).
Hoặc khi làm cuốn Mỹ thuật của người Việt, Phan Cẩm Thượng nói: Sao thầy không gọi luôn là Mỹ thuật Việt Nam? Tôi bảo không được vì Mỹ thuật Việt Nam có phần Mỹ thuật Chăm rất to, lớn, đẹp mà tôi chưa “kham nổi”. Hoặc với Ghi chú về nghệ thuật thì chỉ là những suy nghĩ chìm đắm triền miên về các vấn đề trừu tượng siêu hình nhất. Như các đám mây cứ tụ rồi tan, rồi dần dần sũng nước và chuẩn bị thành một cơn mưa. Sau đó là “bản vẽ thiết kế” tức quy hoạch và kết cấu công trình, mường tượng nội dung tỷ lệ các phần. Sau đó thì làm tư liệu và viết cụ thể, song song với nhau vừa viết vừa thay đổi bổ sung cứ liệu và ngược lại.
Tôi viết nhiều nhất vào giờ Tý (dịch khuyên nghĩ gì nên nghĩ vào giờ Tý - làm gì nên khởi sự vào giờ Dần) và thường rất ngẫu hứng như vẽ hay chơi thể thao. Tôi chơi với từng chữ, “mân mê” các chữ như trẻ con chơi bi. Có nhiều anh biên tập cho rằng tôi viết ẩu, chữ nghĩa “lung tung quá” nhưng cũng có người thích văn phong ấy. GS Hoàng Ngọc Hiến cho rằng phải có văn phong riêng mới thành nhà nghiên cứu/ phê bình được, và thích cách viết ấy của tôi; còn nhà thơ Lê Đạt thì chê ẩu. Cuối cùng chỉnh sửa bản thảo là việc mệt nhất. Có thể phải hy sinh, thay đổi những thứ mình từng khoái nhất khi viết để đảm bảo tính toàn vẹn chung. Chữa lỗi chính tả cũng là một cực hình. Trong khi sửa các minh họa thì lại là thú vui. Minh họa và chú thích minh họa là một phần quan trọng bậc nhất của các sách mỹ thuật. Tôi chưa thể thỏa mãn với phần này trong các sách của mình. Nhìn chung thì sách mỹ thuật Việt Nam ta còn quá yếu, sơ khai về mặt này. Một phần tại các tác giả, phần còn lại tại BTV và NXB chưa có nghiệp vụ này.
Nhận ra học trò giỏi là “khoảnh khắc hạnh phúc”...
* Ông nghĩ sao khi các bộ sách do ông và ông Thượng soạn vẫn là những bộ sách quan trọng để giảng dạy và nghiên cứu ở các trường nghệ thuật?
- Tất nhiên hai cuốn viết chung với Phan Cẩm Thượng về mỹ thuật Việt Nam cổ được dùng tham khảo và giảng dạy Lịch sử mỹ thuật vì loại sách này quá hiếm ở ta. Tôi nghĩ chúng tôi có thể tự hào về điều đó. Cuốn Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại của tôi cũng là duy nhất về nghệ thuật giai đoạn cách mạng, hiện thực XHCN nên cũng dùng để tham khảo, giảng dạy và làm luận văn. Ghi chú về nghệ thuật khó đọc hơn và là một cuốn lý thuyết thuần túy được nhiều nhà nghiên cứu cũng như các sinh viên ham học thuộc nhiều ngành sử dụng. Một anh bạn bán sách cũ tặng tôi một bản Ghi chú về nghệ thuật mà hầu như trang nào người đọc cũng gạch chân và “ghi chú” bên lề xanh lét, đỏ choét, be bét... Chứng tỏ người đọc đó đã nghiền ngẫm từng câu, từng ý của tác giả.
Tác phẩm của Nguyễn Quân và Phan Cẩm Thượng
Tại một cuộc giới thiệu cuốn sách về các danh họa trong sưu tập của Trần Hậu Tuấn tại TP.HCM, có một thính giả đã cao niên, từ Cà Mau hay Tiền Giang gì đó, có lẽ ổng cũng hơi bốc hơi men đứng lên vái tôi ba vái và bảo: Không có cuốn Ghi chú về nghệ thuật tôi được đọc từ 20 năm nay thì tôi không thể biết tại sao Dostoievski lại hay như thế!... Anh Tuấn bảo: Vái thế là anh tổn thọ ba năm đấy nhé. Hay mới đây có cô sinh viên ĐH Văn hóa gặp xin chụp ảnh chung và khoe: Lớp cháu có cả một seminar (hội thảo) về chương đầu của cuốn Ghi chú về nghệ thuật. Bọn cháu rất thích còn thầy cháu bảo đó là một cuốn đáng đọc nhất ở ta...
Đó là những cái hạnh phúc của một tác giả. Hai cuốn này được photocopy nhiều nhất và tôi rất biết ơn các bạn đọc của mình. Tiếng nói của hình và sắc, Con mắt nhìn cái đẹp cũng là loại sách công cụ dùng cho giảng viên và sinh viên mỹ thuật, kiến trúc, design. Bản thân tôi cũng có dạy một học phần Mỹ thuật học theo hai sách này ở Đại học nghệ thuật Huế của TS Phan Thanh Bình. Anh Bình cũng là bạn học cùng lớp với Phan Cẩm Thượng chuyên nghiên cứu về Mỹ thuật Huế. Nói chung ai viết sách, nghiên cứu cũng mong sản phẩm của mình hữu dụng, thân thiết với nhiều người, nhiều thế hệ. Sức sống của chúng nằm ở chỗ trong một lúc này hay lúc khác mỗi người dùng một cách, một phần, thích một khía cạnh này khía cạnh kia và họ thấy cần phải “phản biện” điều gì đó. Tất nhiên công trình được dùng “hàn lâm”, để giảng dạy, tham khảo trong đào tạo cũng có giá trị lâu dài của chúng.
* Ngoài Phan Cẩm Thượng, ông có học trò nào để kỳ vọng sẽ tiếp nối con đường nghiên cứu của mình không?
- Tôi dạy ở Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ 1978 đến 1984, trọn vẹn được 3 - 4 khóa, cũng là những khóa có nhiều sinh viên tốt nhất. Ngoài anh Thượng, anh Bình, còn nhiều người khác làm việc ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Tôi nghĩ ông Tardier là nhà sư phạm mỹ thuật thành công nhất vì cụ có hàng loạt học trò giỏi hơn mình. Tôi tự hào về những người coi tôi là thầy, song đó không phải công lao của tôi, tôi không vơ vào mà chỉ rất tự hào về họ như tự hào ta có Nguyễn Phan Chánh hay Nguyễn Sáng vậy. Thầy giáo nhận ra học trò giỏi là “khoảnh khắc hạnh phúc” của người đi dạy, cũng như bật cái quẹt. Rồi cái bật lửa nó tự cháy chứ mình có “liên quan” gì! Một anh sinh viên tại lễ tốt nghiệp cảm ơn: Đã may mắn được học thầy. Tôi đùa: Thầy giỏi thì cả trường biết. Cậu giỏi thì bây giờ mọi người mới biết. Tôi phải cảm ơn cậu nhiều hơn chứ.
* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ chân tình này.
Việt Quỳnh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất