12/10/2019 09:16 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Qua khảo sát thực địa tại khu vực danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng trong những ngày qua, phóng viên Văn Hóa nhận thấy công tác quản lý, bảo vệ di sản hùng vĩ này còn rất nhiều vấn đề, trong đó đáng chú nhất là việc xây dựng, cải tạo những công trình, nhà dân nằm ngay trong vùng lõi của danh thắng chưa được các cấp chính quyền quan tâm, xử lý...
Một điểm dừng chân khác ở đèo Mã Pì Lèng, cách nhà nghỉ Panorama khoảng 3km và là điểm giữa, được xem điểm cao nhất của đèo cũng xuất hiện “trạm nghỉ” nằm ngay trong vùng lõi danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng.
Còn nhiều “Panorama Mã Pì Lèng”
Trong khung cảnh tuyệt đẹp “sơn thủy hữu tình” của khu vực đèo Mã Pì Lèng đã “nhoi” lên một ngôi nhà để làm điểm dừng chân không mấy hài hòa, thậm chí còn được chuyên gia đánh giá là “kiến trúc chẳng có gì ăn nhập gì với cảnh quan xung quanh”. Vị chuyên gia này còn nói, không biết cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi đây quản lý như thế nào và có quy hoạch hay chưa mà để người dân, doanh nghiệp dựng lên những điểm dừng dân như thế. Nó vừa gây tức mắt, vừa vi phạm danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng. Theo đó, bên ngoài điểm dừng chân, ngoài một ban công nhô ra để du khách vãn cảnh và chụp ảnh được xây dựng và trang trí hình răng cưa thì phần chính là ngôi nhà rộng khoảng hơn 50m2 có phần mái che được cho là “làm theo truyền thống của đồng bào dân tộc”. Kiến trúc kiểu “răng cưa” cũng được áp dụng cho một ban công ở phía dưới căn nhà khoảng hơn 10m để du khách ngắm cảnh và chụp ảnh.
Khi được hỏi hiện nay ai quản lý điểm dừng chân này, một thanh niên đang làm việc trong ngôi nhà trả lời, “điểm dừng có tên gọi Trung tâm thông tin du lịch và dịch vụ thuộc Hợp tác xã du lịch Cao nguyên xanh”. Điều đáng nói là, quả đồi nhỏ trước điểm dừng chân được cải tạo, trang trí thành điểm vãn cảnh, chụp ảnh với cái tên khá mỹ miều “Sky Garden”, tạm dịch “vườn trong mây”. Hỏi kỹ ra mới biết, “khu vườn này” là của một người trông coi điểm dừng chân tự ý xây dựng và khai thác. Bên cạnh điểm dừng chân này là vài hàng quán tạm bợ của người dân bán nước uống và vài sản vật địa phương, cùng với kiến trúc “không giống ai” của căn nhà thuộc điểm dừng chân đã khiến địa điểm này trở thành hạt sạn trong khung cảnh hùng vĩ của danh thắng. Được biết, điểm dừng chân này hoạt động từ lâu cùng với dãy quán hàng của người dân, nhưng gần như nókhông được quan tâm đúng mức.
Cùng đi với chúng tôi đến quan sát điểm dừng chân này, một chuyên gia về bảo tồn cùng đoàn đã nhận xét, “lẽ ra những điểm dừng này phải là một trong những điểm nhấn đặc sắc của danh thắng quốc gia khiến cho khách du lịch không chỉ thưởng ngoạn sự hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây mà còn nhớ mãi vẻ đẹp từ kiến trúc của công trình. Nhưng tiếc thay, cả điểm dừng trong vùng lõi của danh thắng quốc gia và Panorama lại chưa làm được điều đó”.
Nhận thức chưa đúng mực hay là thiếu trách nhiệm?
Cách điểm dừng chân trên đèo Mã Pì Lèng đầy tai tiếng trong thời gian qua chỉ vài trăm mét và nằm trọn trong vùng lõi của danh thắng là thôn Mã Pì Lèng thuộc xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc. Ở đây cũng có nhiều căn nhà của người dân được xây dựng tự phát, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới vẻ đẹp của danh thắng. Ngay cạnh đường trên đèo, một số nhà dân đã “lao” cọc bê tông cắm xuống sườn núi, cải tạo nhà họ thành những quán hàng nhỏ để phục vụ khách vãng lai. Có nhà còn sơn tường màu sáng nổi bật khiến căn nhà trở thành một hình khối kỳ dị, trông như một tảng đá bám vào mặt đường rất mất mỹ quan. Hỏi một người dân thì họ bảo nhà họ họ xây, họ cải tạo, có thấy ai đến nhắc nhở hoặc tư vấn gì đâu?
Chúng tôi đưa những chuyện này để hỏi bà Nguyễn Thị Chanh, Trưởng phòng VHTT huyện Mèo Vạc thì nhận được trả lời: “Người dân bản địa làm nhà sao chúng tôi phải kiểm tra. Anh cần gì thì đi hỏi cơ quan chuyên môn, liên quan đến lĩnh vực xây dựng là Sở Xây dựng, còn di sản danh thắng quốc gia là do tỉnh quản lý…”. Để nắm rõ hơn trong công tác quản lý danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, nhưng ông này không bắt máy.
Chiều 9.10, phóng viên Văn Hóa đến trụ sở UBND tỉnh Hà Giang với mong muốn được gặp ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh để được trao đổi trực tiếp về công tác quản lý di sản sau khi Nhà nước công nhận danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng. Sau khi xuất trình giấy tờ, đề đạt nguyện vọng và nêu vấn đề cần trao đổi với cán bộ Văn phòng UBND tỉnh, chúng tôi đã kiên nhẫn chờ đợi ông Quý kết thúc một cuộc họp để xin ý kiến. Nhưng ông Quý đã từ chối gặp phóng viên với lý do... tiếp tục họp. Ông Quý chỉ nói rằng, phóng viên nên tìm gặp Giám đốc Sở Xây dựng và Sở VHTTDL Hà Giang để nắm thêm thông tin.
Qua khảo sát vùng danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng rồi lắng nghe ý kiến một số người dân và cán bộ quản lý văn hóa địa phương, chúng tôi nhận thấy, khu vực bảo vệ I, khu vực bảo vệ II và vùng đệm của danh thắng này chưa được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng quan tâm. Chính vì lẽ đó, bên cạnh công trình xây dựng không phép gây sự chú ý đặc biệt của dư luận báo chí trong thời gian qua thì cũng đã xuất hiện nhiều công trình, nhà dân dựng lên trong khu vực bảo vệ danh thắng cũng không được chính quyền, cơ quan chức năng can thiệp kịp thời. Nói cách khác, hiện trong khu vực bảo vệ danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng xuất hiện không ít công trình không phép, trái phép, chưa được cơ quan chức năng, lãnh đạo huyện Mèo Vạc quan tâm xử lý.
Trao đổi với chúng tôi về những vấn đề vừa đề cập ở trên, một cán bộ văn hoá lâu năm của tỉnh Hà Giang tâm sự: “Không phải chỉ xử lý công trình Panorama Mã Pì Lèng là xong đâu. Vấn đề là nhận thức chưa đúng mức của lãnh đạo các cấp đối với di sản quốc gia này. Nếu cứ để danh thắng trong tình trạng “cha chung không ai khóc” như thế thì giải quyết xong Panorama sẽ lại có một Panorama khác. Vì thế cần quy trách nhiệm rõ ràng và xử lý minh bạch, triệt để những sai phạm đã xảy ra, từ đó tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đến người dân để họ hiểu, danh thắng là tài sản của chính họ. Có như vậy mới có thể bảo tồn và khai thác một cách hiệu quả, lâu dài danh thắng nổi tiếng Mã Pì Lèng…”.
Trao đổi với Văn Hóa vào sáng qua 10.10 về những công trình xuất hiện ngay trong vùng lõi danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng mà phóng viên phản ánh, ông Lâm Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang cho biết, theo phân cấp thì UBND huyện Mèo Vạc thực hiện quyền quản lý nhà nước đối với di tích, danh thắng trên địa bàn địa phương. Như vậy, huyện Mèo Vạc phải chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, bảo tồn, khai thác… danh thắng trên địa bàn. Theo lãnh đạo huyện Mèo Vạc, huyện cũng muốn thu hút các nguồn đầu tư nhưng chưa lường hết những hệ quả phía sau việc đầu tư. |
Đề xuất phá dỡ nhà hàng 7 tầng trái phép ở Mã Pì Lèng Nhà hàng xây trái phép trên đèo Mã Pì Lèng bị đề xuất phá dỡ 7 tầng nhô ra sông Nho Quế, phần còn lại được chỉnh trang làm nơi dừng chân cho khách du lịch. Các nội dung tháo dỡ được yêu cầu hoàn thành trước 15.11.2019. Đó là nội dung văn bản báo cáo được Sở Xây dựng Hà Giang gửi UBND tỉnh về kết quả kiểm tra công trình xây dựng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng. Theo đó, ngày 8.10, Sở Xây dựng đã họp với Sở VHTTDL, Sở GTVT, Sở KH&ĐT, Sở TN&MT và UBND huyện Mèo Vạc để bàn nội dung tham mưu cho UBND tỉnh hướng giải quyết. Hoàng Ngân |
Theo Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất