24/03/2014 08:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Vừa qua, tại Bảo tàng TP.HCM, Sở VH,TT&DL TP.HCM đã tổ chức chương trình Họp mặt nghệ nhân đờn ca tài tử và trao đổi giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, trong buổi họp mặt khá nhiều ý kiến nêu lên bức xúc về “nỗi buồn” của nghệ nhân dân gian trong đó có nghệ nhân đờn ca tài tử.
1. Thực tế, không phải đợi đến khi đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh là Di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại (12/2013) thì đờn ca tài tử mới được quan tâm. Nhưng những năm qua, vấn đề bảo tồn và phát huy “đặc sản” này vẫn là niềm trăn trở của giới lãnh đạo văn hóa cũng như nỗi chạnh lòng của những người trót đeo mang nghiệp tài tử.
Là “di sản” đầu tiên của Nam Bộ được vinh danh ở tầm thế giới nhưng trên hết với người phương Nam đờn ca tài tử từ lâu đã là “máu thịt” của họ. Trong không gian văn hóa trải rộng khắp 21 tỉnh thành của đờn ca tài tử thì TP.HCM được xem là điểm hội tụ với đa dạng các hoạt động cũng như thu hút được giới tài tử khắp nơi.
Theo kết quả khảo sát từ năm 2010 cho đến nay, trên địa bàn TP.HCM có đến hơn 118 câu lạc bộ đờn ca tài tử với hơn 1.000 tài tử ca và khoảng 1.000 tài tử đờn. TP.HCM cũng chiếm ưu thế hơn hẳn các địa phương khác khi có đến… 8 nghệ nhân dân gian được công nhận là: Lâm Văn Xiếu, Bạch Huệ (đã mất), Ba Tu, Út Tỵ, Lê Khắc Tùng, Lê Hoàng Tấn, Tấn Nhì, Nguyễn Thế Viên. Thế nhưng nhiều năm qua, đã có không ít lời phàn nàn lẫn thắc mắc về một thành phố lớn và “giàu” nhất nước như TP.HCM lại không thể có được đãi ngộ xứng đáng cho những nghệ nhân dân gian - “báu vật sống” của văn hóa dân tộc.
“Tôi thực sự rất bức xúc chế độ chính sách đối với nghệ nhân dân gian hiện nay. Ở nước ngoài có chế độ đến cuối đời cho những nghệ nhân được công nhận. Trong khi ở mình, ngay lễ công nhận di sản được tổ chức hoành tráng thì lại bỏ bao thư cho mỗi nghệ nhân là… 200.000 đồng. Một việc phải nói là hết sức kỳ quặc! Mà nhìn lại, nghệ nhân mình có mấy người đâu, cũng “gần đất xa trời” cả rồi…”, PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Phó Giám đốc Nhạc viện TP.HCM) thẳng thắn.
2. Rõ ràng, với tiềm lực kinh tế của mình, TP.HCM không thiếu tiền đề “nuôi” vài nghệ nhân dân gian. Tuy nhiên vướng mắc không nằm ở vấn đề “tiền” mà ở cơ chế, quy định. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL TP.HCM, cho biết: “Theo Luật thi đua khen thưởng năm 2003 thì trong các danh hiệu vinh dự của Nhà nước có công nhận nghệ nhân dân gian nhưng sau khi luật có hiệu lực thì Bộ Công thương, Bộ Tài chính lại không có bất kỳ thông tri nào hướng dẫn thi hành luật. Sau 10 năm, đến năm 2013 thì luật đã sửa đổi rồi. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam không biết làm cách gì để vinh danh nghệ nhân. Không được Nhà nước công nhận thì không có chế độ gì hết. Thực tình chế độ chính sách đối với TP.HCM không là gì cả nhưng các nghệ nhân phải được sự vinh danh của Nhà nước. Nếu có trách thì trách nhiệm thuộc về những người làm luật quá chậm!”…
Theo nghệ nhân dân gian Hoàng Tấn, thay vì trông đợi vào những chuyển biến của cơ chế thì nên chăng giới tài tử hãy chủ động lập một quỹ “khuyến đờn ca tài tử” là nguồn để hỗ trợ cho những người gặp khó khăn hoặc khuyến khích tài năng trẻ. Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL TP.HCM, tán đồng ý kiến và chia sẻ cảm xúc đau xót cũng như “bất lực” trước việc không thể chăm lo xứng đáng cho những người đã gắn bó cả đời cho nghệ thuật dân tộc.
Sự vinh danh của UNESCO cũng là cơ hội để đờn ca tài tử được quan tâm đúng mực hơn và hiện tại TP.HCM nói riêng, các tỉnh thành phía Nam nói chung đang đẩy mạnh những chương trình thiết thực để giữ gìn và phát huy nghệ thuật này. Ông Nguyễn Văn Minh khẳng định: “Chúng tôi sẽ làm hết sức để những nghệ nhân được làm hồ sơ công nhận danh hiệu đợt này nhằm được vinh danh vào ngày 2/9/2014 tới. Nếu không thì phải đợi đến năm 2019 và sẽ lại có người… ra đi!”…
Ninh Lộc
Thể thao và Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất