Góc kỹ thuật: M.U và những cơn lốc ở hai cánh

11/12/2012 07:40 GMT+7

(lienminhbng.org) - Với sự trở lại của Antonio Valencia, Sir Alex Ferguson đã chuyển đội bóng của ông lại với phong cách phòng ngự phản công giúp họ đánh bại Chelsea.

Valencia trở lại ấn tượng sau chấn thương - Ảnh Getty

Trong một thời kỳ mà xoay tua đội hình là việc hết sức phổ biến, hoàn toàn tự nhiên khi một HLV của đội đặt mục tiêu vô địch thay đổi các cầu thủ của mình trong những trận khác nhau, nhưng các quyết định nhân sự của Ferguson chưa bao giờ gây ra nhiều sự phàn nàn như thế từ chính các CĐV áo đỏ. Quá thường xuyên trong mùa này, M.U để thủng lưới trước và buộc phải lội ngược dòng với những nhân tố từ ghế dự bị. Tức là Ferguson phải làm tốt hơn với đội hình xuất phát.

Ở Etihad, chiến lược gia người Scotland đã làm đúng. Ông quay về với 11 cầu thủ đã đá chính trước Chelsea hồi tháng 10, nhờ vào sự bình phục sớm hơn dự kiến của Valencia. Nhiều người hẳn còn nhớ kịch bản ở Stamford Bridge, khi M.U giành chiến thắng nhờ một bàn khá may mắn lẫn những quyết định khó hiểu của trọng tài, nhưng suốt trận, họ cũng đã thể hiện những pha phản công hết sức sắc sảo. Chelsea dưới thời Roberto Di Matteo thường có khuynh hướng tràn ngập khu vực giữa sân bằng những tiền vệ thượng thặng về kỹ thuật và rất giỏi cầm bóng. Phương án của Ferguson, do đó, là khai thác hai cánh, bằng tốc độ, đặc biệt là bên cánh phải.

Manchester City là một thử thách tương tự. Họ có Samir Nasri và David Silva xuất phát trong sơ đồ giới thiệu trước trận ở hai cánh, nhưng bất cứ ai cũng có thể nhận ra rằng cả hai là những người có xu hướng bó vào trung lộ, thậm chí là những tiền vệ dẫn dắt lối chơi, chứ không phải những người đá cánh chuyên nghiệp. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà cả 2 bàn đầu tiên của M.U đều đến từ những tình huống phản công. Đầu tiên là pha phối hợp một chạm tốc độ giữa Ashley Young và Robin van Persie, rồi sau đó là màn chồng cánh mẫu mực của Valencia và Rafael da Silva tạo ra cơ hội cho Wayne Rooney. Thống kê cho thấy 57% các đường chuyền của M.U là xuống cánh phải, so với 25% bên cánh trái. Một số liệu nói lên nhiều điều.

Thậm chí, bàn thứ hai của Rooney là một phiên bản của bàn thắng mà van Persie ghi được tại Stamford Bridge, và toàn trận đấu là một kịch bản tái diễn: 2 bàn dẫn trước trong hiệp 1, chệch choạc và bị gỡ lại 2-2, trước bàn ấn định tỉ số có phần may mắn vào cuối trận. Công bằng mà nói, trong 15 phút đầu, đội chủ nhà đã chơi rất hay và M.U gặp khó khăn với hàng thủ chậm chạp khi cả Jonny Evans và Rio Ferdinand đều tỏ ra quá nặng nề trước Sergio Aguero và Mario Balotelli.

Nhưng bàn mở tỉ số thay đổi tất cả. Quá khôn ngoan, Ferguson không dừng lại mà ra lệnh cho các cầu thủ tiếp tục gây sức ép liên tục. Bàn thứ hai của Rooney là kết quả của chiến lược khôn ngoan đó. Thật ra, M.U đã chơi phòng ngự tốt hơn hẳn sau khi dẫn trước và đội chủ nhà chỉ có 2 bàn gỡ trong những tình huống không phải là điển hình.

Thống kê cho thấy tại Etihad, M.U có tỉ lệ đường chuyền thành công và tỉ lệ giữ bóng thấp nhất tính từ đầu mùa tới giờ. Tuy nhiên, đó là điều tự nhiên khi dẫn trước từ sớm và chơi phản công. Đội bóng áo đỏ chắc chắn sẽ không sử dụng chiến thuật này trước những đối thủ yếu hơn ở Premier League, nhưng Ferguson có vẻ đã tìm ra một bí quyết riêng cho các trận cầu lớn, trước một đối thủ ngang tầm trên sân khách.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm