Bán đại trà xăng Ethanol - Tiếp tục chờ: Lợi thế và e ngại?

31/10/2008 13:09 GMT+7 | Thế giới

Sau hơn 1 tháng bị “đình bán đại trà” (tính từ 20/9/2008), số xăng Ethanol E5 bán cho 50 chiếc taxi thử nghiệm đã lên tới hơn 50.000 lít. Dự kiến, sau 3 tháng kể từ thời điểm thử nghiệm, Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí sẽ công bố lộ trình bán loại xăng này rộng rãi trong hệ thống của mình.
 
>> Sử dụng xăng Ethanol: lợi hay hại?
>> Đình chỉ việc bán xăng pha ethanol trên thị trường
 
Ai sẽ hưởng lợi nếu sử dụng xăng Ethanol E5? Điều gì là “gút thắt” trong việc bán đại trà nếu thật sự Ethanol E5 có lợi? Cần thêm những định chế gì để nhiên liệu sinh học này có thể “cất cánh” tại Việt Nam?
 
Cồn Ethanol từ lâu đã được sử dụng tại các nước phát triển như một loại nhiên liệu độc lập, hoặc như một phụ gia pha thêm vào xăng để làm tăng chỉ số Octane và giảm lượng khí thải CO2. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, Việt Nam vẫn thường xuất sắn lát và mía cho các quốc gia khác sản xuất Ethanol.

Tuy nhiên, việc xây dựng nhà máy sản xuất cồn Ethanol và bán rộng rãi loại xăng Ethanol E5 tại Việt Nam lại không phải là điều đơn giản. Không ngạc nhiên khi chỉ sau 5 ngày được ra mắt tại 2 cây xăng ở Thái Thịnh và Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) hồi trung tuần tháng 9 vừa qua, loại xăng pha cồn sinh học này bị dừng bán đại trà.

Tận dụng đất cằn, tiết kiệm ngoại tệ

Xe chạy bằng xăng pha cồn Ethanol có thể giảm lượng khí thải CO2 - đó là điều chắc chắn. Ông Vũ Thanh Hà, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí khẳng định: Nếu chỉ dùng cồn Ethanol để pha vào xăng với tỷ lệ 10%, thì CO2 đã giảm được 35 - 40%. Những ai quan tâm tới thỏa ước về giảm khí thải trên thế giới sẽ đánh giá được số tiền khổng lồ thu về nhờ "bán" lượng CO2 đã không thải ra đó.

Việt Nam đã có "kinh nghiệm" trong việc bán dầu thô đi và nhập xăng về. Khoản chênh lệch từ sản phẩm thô sang sản phẩm tinh là rất lớn. Tương tự như vậy với Ethanol, nhiều vùng đất cằn cỗi ở Việt Nam chỉ hợp với cây mía, cây sắn; các nước phát triển mua mía, sắn của nông dân Việt Nam và sản xuất ra cồn sinh học, pha chế ra xăng. Việt Nam nhập xăng về, tất nhiên là đắt hơn bán hàng ngàn tấn sắn. "Phần lãi chính là công nghệ chế biến từ sản phẩm thô sang sản phẩm tinh" – ông Vũ Thanh Hà khẳng định.

Theo ông Hà, chính vì những lý do trên mà chỉ trong vòng 6 - 7 tháng, một nhà máy trị giá 80 triệu đô la có thể khởi công một cách "thần tốc" tại Việt Nam, để chế biến sản phẩm sắn, mía thành cồn Ethanol. "Mua sản phẩm thô của bà con rồi chế biến thành sản phẩm tinh để bán thì có nhiều cái lợi. Thứ nhất, mở lối thoát cho cây mía, cây sắn, giúp bà con nông dân tiêu thụ một cách chủ động nông sản. Thứ 2, Nhà nước bớt đi phần ngoại tệ bỏ ra nhập khẩu xăng. Dùng ngoại tệ đó đầu tư lại cho dân bằng các công trình phúc lợi sẽ đem lại nhiều hiệu quả".

Nhà máy chế biến xăng ethanol ở Ấn Độ

Thêm vào đó, việc chủ động sản xuất nguyên liệu sinh học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong an ninh năng lượng, khi mà nguồn nguyên- nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt trên quy mô thế giới. Trong khi đó, theo GS Nguyễn Đức Phú, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Động cơ đốt trong (ĐH Bách khoa Hà Nội), thì Việt Nam hiện có 44 nhà máy đường và hàng năm có khoảng 1,2 triệu tấn đường phải tìm nguồn tiêu thụ. Hiện có khoảng 500.000 tấn rỉ đường đang "chết ứ". Nếu sử dụng công nghệ lên men để sản xuất Ethanol thì không những xóa được cảnh "mía đắng" do giá rẻ, mà nước ta còn có thể xuất khẩu cồn sinh học.

Và điều không thể phủ nhận chính là ích lợi với môi trường. GS Nguyễn Đức Phú phân tích: Thông thường, để đốt 1 kg xăng mất 14,6 kg không khí sạch. Trong khi xăng Ethanol khi đốt 1 kg chỉ cần 8,05 kg không khí. Xăng pha Ethanol E5 cháy triệt để cácbon, ít tạo ra CO2 nên khí thải sạch hơn.

Lợi ích với người sử dụng cũng nhìn thấy khá rõ. Ông Đỗ Quốc Bình (Chủ tịch Hội Taxi Hà Nội) khẳng định: Nếu được phép, sẽ có khoảng 7.000 xe taxi đăng ký sử dụng Ethanol E5. Ở Mỹ, dầu Diesel cũng trộn 20% cồn Ethanol. Họ nói là dùng rất tốt, cho dù nhiên liệu này không rẻ bao nhiêu nhưng làm cho động cơ khói ít. "Sau 1 tháng sử dụng xăng này, chúng tôi cũng thấy động cơ êm hơn, không ồn. Chúng tôi đối chứng 2 xe mới, trong đó một xe sử dụng A92, chiếc còn lại là Ethamol E5 để xem xe chạy có ì hay không, xem tốc độ tăng tốc như thế nào? Kết quả: Tại thời điểm tăng tốc, 2 xe đều đạt được độ tăng tốc hõn 80km/12s. Ðánh giá chung, các thông số sử dụng Ethanol tốt hơn so với A92", ông Bình cho biết.

Nhiều vấn đề nan giải
 
Trở ngại đầu tiên và lớn nhất của việc pha Ethanol vào xăng chính là ở chỗ Ethanol được sản xuất từ nguyên liệu mía - sắn; mà việc này có thể đe dọa tới an ninh lương thực toàn cầu nói chung và trong nước nói riêng. Tại Việt Nam, nhiên liệu sinh học được sản xuất từ sắn và phụ phẩm mía đường - thoạt nghe có vẻ "xa xỉ". Thêm vào đó, trên quy mô toàn thế giới, đã đủ căn cứ để lo ngại rằng trào lưu sản xuất nhiên liệu sinh học nói chung đang khiến diện tích trồng các loại cây phục vụ cho ngành công nghiệp này tăng lên. Trong khi "trời không sinh đất" thêm, thì đương nhiên diện tích trồng các cây lương thực khác sẽ ngày càng thu hẹp, đe dọa an ninh lương thực.
Đâu là mặt trái của nhiên liệu sinh học đối với động cơ?

Sự e ngại này chưa có điều kiên kiểm chứng tại Việt Nam, thì mối quan tâm khác đến từ chính người sử dụng: Đâu là mặt trái của nhiên liệu sinh học đối với động cơ? Chính ông Vũ Thanh Hà, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học cũng thừa nhận: Điểm khác biệt duy nhất của Ethanol E5 so với các loại xăng khác là tính chất hấp thụ nước trong không khí nếu để yên lắng trong một thời gian dài. Do đó, nếu bơm xăng đầy mà ít sử dụng thì nước trong không khí sẽ hấp thụ vào xăng, gây hại cho động cơ.

Ông Lê Cảnh Hòa, Trưởng Ban kỹ thuật tiêu chuẩn - Tổng cục Đo lường chất lượng cũng băn khoăn: Nếu pha 5% Ethanol vào xăng A92 (là xăng đã rất tinh khiết) thì không có gì phải e ngại. Tuy nhiên, Việt Nam nằm trong khu vực có độ ẩm lớn - điểm khác biệt cơ bản so với nhiều nước đã sử dụng đại trà và thành công loại xăng này - nên việc bảo quản, pha chế, sử dụng vẫn đang để ngỏ. Thêm vào đó, Ethanol, Methanol nặng hơn xãng nên không bảo quản lâu được. TS Lê Anh Tuấn (ĐH Bách khoa) đặt câu hỏi: Xăng để lâu trong bình có thể phân tầng không? Xăng háo nước thì liệu các bề mặt chi tiết của động cơ có hút nước không, có làm ô xi hóa bề mặt?

Và TS Phạm Bích San (GĐ Văn phòng tý vấn, phản biện và giám định xã hội - Liên hiệp Các hội KH và KT Việt Nam) nêu băn khoăn: Ai sẽ là người kiểm chứng tỷ lệ pha Ethanol vào xăng tại các cây xăng khác nhau? Cơ quan quản lý liệu có đủ sức giám sát các biểu hiện gian lận thương mại của các điểm bán xăng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng?


Khi nào có khung tiêu chuẩn?

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội kể về chuyến khảo sát tại Canađa: Ở cây xăng có 3 ô: Ô chứa xăng thông thường, ô pha 5% Ethanol, ô pha 10% Ethanol. Người tiêu dùng được tự do lựa chọn. Điều đó đặt ra câu hỏi: Làm sao để người dân Việt Nam biết được tỷ lệ xăng pha nào là cần thiết đối với động cơ của họ? Người tiêu dùng phải biết trị số octane như thế nào?

Đại diện Hiệp hội Sản xuất ô tô Việt Nam, ông Hoàng Anh Tuấn băn khoăn: Sản xuất ô tô cũng như sản xuất nhiên liệu phải đồng hành, để tiết kiệm quá trình thử nghiệm, đưa ra một chuẩn thống nhất vì quyền lợi khách hàng. "Khi chúng tôi giới thiệu xe trên thị trường, chúng tôi phải xem chất lượng nhiên liệu để chế tạo động cơ tương ứng. Chúng tôi quan tâm đến hàm lượng lưu huỳnh ở E5, nếu lưu huỳnh cao sẽ làm hỏng bộ khí thải của xe. Chúng ta đã có tiêu chuẩn xăng pha chì, Ethanol 100% nhưng chúng ta chưa có tiêu chuẩn pha như thế nào thành E5. Do đó, có thể mỗi nhà sản xuất pha một công thức khác nhau nên chất lượng khác nhau".

Chính vì những lo ngại đó mà Toyota Việt Nam - công ty sản xuất ô tô lớn - bày tỏ sự hoang mang: Không có tiêu chuẩn, không biết chất lượng xăng như thế nào thì khi khách hàng hỏi, nhà sản xuất xe biết trả lời ra sao? Do đó, Toyota kiến nghị: Phải đảm bảo về chất lượng thì họ mới khuyến cáo khách hàng mua xe sử dụng xăng Ethanol. Nếu bán E5 rộng rãi thì phải có sự kiểm tra chặt chẽ từ Nhà nước!

TS Lê Anh Tuấn (Trưởng Phòng Thí nghiệm Động Cơ đốt trong, ĐH Bách khoa) cũng cho biết: Sau khi thử nghiệm và nghiên cứu, có rất nhiều ưu điểm của Ethanol E5 được chỉ ra. Vấn đề hiện nay là bộ tiêu chuẩn về E5, E10 ở VN chưa có. Có tiêu chuẩn về cồn nhưng vẫn "ngại" vì cách thức pha trộn cồn, cách thức tồn chứa, bảo quản thế nào cho động cơ vẫn còn bỏ ngỏ.

Trả lời câu hỏi khi nào ban hành quy chuẩn nhiên liệu sinh học nói chung và Ethanol E5 nói riêng, ông Vũ Thanh Hà (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học) cho biết: Bộ tiêu chuẩn cơ sở của xăng Ethanol đã được xây dựng và báo cáo cấp trên từ đầu tháng 9. Tuy nhiên, để có thể bán rộng rãi Ethanol thì cần tiêu chuẩn cấp quốc gia, do Bộ Khoa học - Công nghệ (KH - CN) ban hành. Còn hiện tại, tiêu chuẩn về nhiên liệu sinh học đang chuẩn bị trình Bộ KH- CN. Vì vậy, trong thời gian trước mắt, người tiêu dùng, nhà sản xuất và kinh doanh sẽ vấn... tiếp tục chờ sự xuất hiện của xăng Ethanol E5 trên thị trường. 

Bà Hoàng Thị Tính (Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng):
 
Tiêu chuẩn và quy chuẩn cho E5 đã có, nhưng...
 
Việt Nam có luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Với lĩnh vực xăng dầu, cần áp dụng luật gắt gao vì liên quan tới môi trường và sức khỏe người dân. Về nhiên liệu sinh học: Chúng tôi xây dựng 2 tiêu chuẩn là B100 và nhiên liệu Ethanol biến tính để pha vào xăng, ban hành năm 2007. Đây là cơ sở để xây dựng quy chuẩn về nhiên liệu sinh học. Các tiêu chuẩn này đang ở giai đoạn cuối, sắp trình Bộ KHCN ban hành. Chậm là bởi còn... có nhiều ý kiến.
 
E5 chính là 5% của Ethanol 100 pha với 95% xăng A92. Về mặt tiêu chuẩn và quy chuẩn thì nó có đầy đủ. Tuy nhiên, Tập đoàn Dầu khí chưa công bố tiêu chuẩn cơ sở của sản phẩm. Nếu cần làm tiêu chuẩn quốc gia cho E5, chúng tôi cũng sẵn sàng. Còn một vấn đề cần lưu tâm: E5 ngoài chất lượng còn có vấn đề về thời gian bảo quản, cách pha chế. Tập đoàn Dầu khí phải có nghiên cứu, đánh giá để đưa ra sản phẩm và tiêu chuẩn chuẩn nhất!

Theo Tin Tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm