'Tấm Cám: Chuyện chưa kể': Tuyệt phẩm của phim giải trí Việt

19/08/2016 12:54 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Nhờ chọn thể loại giả tưởng mà Tấm Cám: Chuyện chưa kể (ĐD: Ngô Thanh Vân) xóa nhòa được ranh giới thể loại, để từ đó làm nên một tuyệt phẩm giải trí của phim Việt. Rất tiếc hệ thống CGV đã không chấp nhận tỷ lệ ăn chia 50/50, nên từ chối chiếu phim này, làm Ngô Thanh Vân nước mắt giàn giụa ngay trong chiều ra mắt phim (17/8) tại BHD Thảo Điền, TP.HCM.

Kể từ thành công nhất định về chất lượng và thất bại về doanh thu của Thiên mệnh anh hùng (ĐD: Victor Vũ) hồi đầu năm 2012, từ đó đến nay Việt Nam chưa có phim cổ trang nào nên hình nên dáng, chứ đừng nói hoàn chỉnh về thể loại, chất lượng. So sánh này cũng được đối chiếu với cả các phim được đầu tư khá bài bản khác như Khát vọng Thăng Long (2010), Mỹ nhân kế (2013), Lửa Phật (2013), Mỹ nhân (2015)…

Một phim cổ trang hoàn chỉnh

Chính bối cảnh đầy bất trắc và âu lo đó, việc Ngô Thanh Vân rậm rịch với Tấm Cám: Chuyện chưa kể đã làm nhiều người chia sẻ lo lắng, đôi khi ngờ vực. Câu hỏi liệu Việt Nam có nên tiếp tục làm phim cổ trang luôn được đặt ra, dù nhiều người đã tự trả lời là không nên làm.

Khi các teaser và trailer lần lượt xuất hiện, nhiều người đã bất ngờ vì nó hé lộ cho thấy đây là phim ra dáng cổ trang, được đầu tư nghiêm túc. Nhưng nhiều người cũng chưa tin, vì nghĩ rằng “mấy cái ngắn ngắn đó” có thể đánh lừa mình. Chỉ khi bước ra khỏi rạp, sau 100 phút phim, chắc chắn nhiều người xem sẽ thấy rằng “mấy cái ngắn ngắn” chẳng thấm vào đâu, bởi phim hoành tráng, hợp lý và hoàn chỉnh hơn rất nhiều.


Không quá lời khi gọi “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” là một tuyệt phẩm của Việt Nam

Hoàn chỉnh vì phim chỉ lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám để kể “chuyện chưa kể”, nên việc lệ thuộc hoặc không lệ thuộc vào tứ truyện gốc (vốn quá rõ ràng, quen thuộc) đã không thành áp lực. Phần chuyện chưa kể này lý giải, cắt nghĩa câu chuyện gốc theo một tuyến truyện khác, nên hoàn toàn có thể nói Ngô Thanh Vân và ê-kíp đã viết mới truyện cổ tích Tấm Cám một cách hợp lý.

Nó hoàn chỉnh vì đã chọn thể loại giả tưởng, nên xóa nhòa được ranh giới giữa phim cổ trang, cổ tích, lịch sử… Chính tinh thần giả tưởng đã hợp lý hóa những khía cạnh bất hợp lý, nếu có, như bối cảnh thời đại, quan cảnh kiến trúc, phục trang, đối thoại, ứng xử…

Phim cũng cân đối giữa nguyên mẫu cổ tích với phần viết thêm; cân đối giữa bối cảnh quay với kỹ xảo và hiệu ứng 3D; cân đối giữa diễn xuất với hình ảnh, âm thanh. Phần âm nhạc của Đức Trí và phần lời ca của Lê Cát Trọng Lý càng tôn vinh sự cân đối, hài hòa kia, làm cho phim càng lôi cuốn hơn.

Nếu so sánh về chi tiết, có thể Tấm Cám: Chuyện chưa kể không có những phân đoạn, trường đoạn xuất sắc nhưThiên mệnh anh hùng, Mỹ nhân kế, Lửa Phật…, nhưng về tổng thể thì hài hòa, hợp lý hơn rất nhiều.

Ngô Thanh Vân cho biết, nếu chỉ tính giai đoạn bấm máy thì có hơn 160 con người góp sức vào phim, còn tính luôn hậu kỳ thì có hơn 500 người. Họ đã có 2 tháng ở phim trường và 16 tháng làm hậu kỳ, kỹ xảo, hiệu ứng 3D… Đặc biệt, đây là một đoàn phim “thuần Việt”, vì gần như không có một nhân tố, thành tố nước ngoài nào tham dự vào sản xuất, hậu kỳ, chỉ có mỗi Aaron Toronto trong vai trò đồng tác giả kịch bản.  

Đây sẽ là cột mốc rất đáng nhớ của phim chiếu rạp, với mục đích hướng tới đông đảo người xem và khích lệ niềm tin vào phim Việt.

“Hiệp sĩ” Ngô Thanh Vân

Nếu có thể phong tặng danh hiệu hiệp sĩ sáng tạo thì Ngô Thanh Vân xứng đáng cho điều đó. Không phải bởi nữ nghệ sĩ này đã làm ra một phim quá hay, mà bởi ý chí và sự nghiêm túc trong cách thức làm phim, nên dù có kinh phí khá hạn hẹp (khoảng 20 tỷ đồng), nhưng mọi người đã nhận về một tác phẩm quá mức tưởng tượng.

Mọi so sánh về việc làm phim đều khập khiễng, nhất là trong bối cảnh làm phim còn rất non yếu và GDP còn quá thấp như Việt Nam. Giả dụ Tấm Cám: Chuyện chưa kể mà được một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia… làm thì kinh phí sẽ cao hơn rất nhiều lần. Hoặc nếu không phải nhóm của Ngô Thanh Vân, với các quyết tâm và hy sinh, mà được các nhóm như Huyền sử thiên đô (2011), Lý Công Uẩn: Đường tới thành Thăng Long… làm thì kinh phí cũng đội lên kinh khủng, mà chưa chắc đã hoàn chỉnh được như vậy.

Còn nhiều khía cạnh khác để khen ngợi Tấm Cám: Chuyện chưa kể, nhưng cách hay nhất để phim Việt và những người làm phim Việt thêm tự tin, hãy mua một vé ủng hộ. Bởi sau gần một tháng thương lượng, đến cận ngày thì CGV lắc đầu không chiếu, dù phim rất tốt. Đây không chỉ là sự thiệt thòi cho nhóm Ngô Thanh Vân, mà còn cho thấy các phim thuần Việt đang chịu nhiều lép vế.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm