Câu chuyện nhân ngày 20/11: Nghề giáo hay 'dịch vụ giáo dục'?

20/11/2015 09:11 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Lịch sử phát triển, cũng như đặc điểm văn hóa Việt Nam, luôn dành cho người giáo viên một vị trí trang trọng và cao quý trong đời sống xã hội. Thế nhưng, trong dòng chảy của kinh tế thị trường, sự mặc định ấy dường như cũng bắt đầu gặp những lực cản, khi học sinh (và phụ huynh) nhìn câu chuyện từ cặp mắt của… “người tiêu dùng”.

Vắn tắt, cách nhìn ấy hướng tới sự sòng phẳng. Theo đó, thầy giáo đơn thuần là phía cung cấp… dịch vụ giáo dục cho người tiêu dùng là học sinh. Và, tất nhiên, nền tảng của mối quan hệ là các ràng buộc về kinh tế.

Ở đó, bên cạnh những yếu tố về phép lịch sự hoặc sự hợp tác từ phía học sinh trong môi trường giáo dục, sự mặc định về vị trí xã hội của người thầy giáo rõ ràng cũng đã có những thay đổi khá nhiều…

Dù đúng, dù sai, cách nghĩ đang có xu hướng ngày càng phổ biến này vẫn cần được trao đổi và phân tích.

TS Tùng Lâm (Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng): Thầy ra thầy, trò ra trò là cốt lõi của vấn đề

Từ lâu, chúng ta mặc định tâm thế học sinh luôn phải coi “thầy cô là cha là mẹ”. Học sinh không được cãi lại thầy cô dù có thế nào đi nữa. Nhìn ở góc độ này, “đạo học” theo chuẩn xưa rõ ràng không phải là một cách giáo dục tốt. Thay vì phục tùng, chúng ta đang hướng về việc gợi mở nhiều những tương tác để học sinh có tư duy phản biện và kỹ năng tranh biện.


TS Tùng Lâm

Đôi khi, sự cởi mở này kết hợp với bối cảnh cơ chế thị trường bên ngoài khiến một số học sinh “quá đà” bỏ hoàn toàn những tư tưởng cũ. Các em lập luận đơn giản, xã hội cơ chế thị trường tức là có người mua - người bán. Giáo dục cũng là một ngành dịch vụ mà ở đó, thầy cô là người cung cấp dịch vụ còn học sinh là khách hàng sử dụng dịch vụ. Tức là, thay vì ở địa vị phải kính trọng thầy cô, một số em coi mình là “thượng đế”.

Tôi không bàn sâu về những xung đột trong quan điểm đạo học xưa với những giá trị đương thời. Tôi nghĩ, điều quan trọng hơn là chúng ta cùng xác định tâm thế nhìn nhận vấn đề. Theo tôi, khi đối diện với những thay đổi trong thái độ của học sinh trong hệ thống giáo dục phản biện và cơ chế thị trường là chúng ta (giáo viên và học sinh) hãy ứng xử với nhau như những con người.

Tức là, tôi không cần biết học sinh của mình đến với mình với tâm thế của học sinh hướng về thầy hay “khách hàng” sử dụng dịch vụ giáo dục. Tôi chỉ luôn ghi nhớ việc của mình là dạy học và tôi làm hết chức phận của mình để dạy dỗ học sinh.

Còn học sinh, tôi nghĩ các em cũng không cần quá chú trọng rằng thầy là người “ban ơn”, “người lái đò” hay chỉ là một người cung cấp dịch vụ. Các em làm tốt việc học của mình, ứng xử với thầy cô như những người trẻ ứng xử với người lớn tuổi hơn mình là đủ.

Thầy ra thầy, trò ra trò thì dù học sinh có ở tâm thế nào, chúng ta vẫn luôn tìm được điểm chung là sự học. Và, việc thầy - trò cùng “chung sống” trước bất cứ biến thiên nào của xã hội cũng là một trong những giá trị của sự học.

Nhà báo Hà Việt Anh (Thư ký tòa soạn tạp chí Mẹ và bé): Hãy cảm thông để không “thần thánh hóa”

Dù ở góc độ một phụ huynh học sinh hay một nhà báo theo dõi mảng giáo dục, tôi đều đưa ra một câu trả lời ngắn gọn: VN có phát triển thế nào, chuyện tôn sư trọng đạo, cũng như tâm lý tôn sư trọng đạo, vẫn sẽ được giữ nguyên.

Vấn đề mà Thể thao & Văn hóa Cuối tuần đưa ra là điều có thật ở đâu đó với một số cá nhân. Thế nhưng, để thay đổi hẳn cách nghĩ của xã hội, đó là điều không nên và không thể.


Nhà báo Hà Việt Anh

Ở Việt Nam, khái niệm “người thầy” rất rộng và gần như không có sự phụ thuộc vào tuổi tác. Và không phải, cứ rời khỏi giảng đường đại học, là chúng ta sẽ không còn trở thành học trò với những người thầy mới của mình.

Bởi, trong cuộc sống, mỗi cá nhân chắc chắn đều có nhu cầu học hỏi kỹ năng, kiến thức từ những người có chuyên môn khác. Và không phải bao giờ, việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng đều có thể diễn ra theo quan hệ bán - mua. Nhiều khi, người ta chỉ có thể đáp lại sự truyền đạt, chia sẻ ấy bằng tấm lòng biết ơn và trân trọng, với danh xưng “thầy” dành cho họ.

Chúng ta cũng không nên nghĩ rằng, những mặc định về sự cao quý, kính trọng mà xã hội dành cho người thầy là “xa xỉ” trong điều kiện kinh tế thị trường. Bởi, ở một xã hội đang phát triển như Việt Nam, sức ép và sự kỳ vọng mà phụ huynh dành cho những giáo viên đang là vô cùng lớn.

Sức ép ấy, cộng với những bất cập đang tồn tại trong ngành giáo dục, nhiều khi lại khiến người thầy giáo trở thành nạn nhân đầu tiên và trực tiếp, trong một xã hội vốn rất sẵn sự phán xét.

Sự sòng phẳng trong xã hội hiện đại không xấu. Nhưng, chúng ta nên sòng phẳng ở một góc độ khác: cố gắng đồng cảm, chia sẻ với thầy cô giáo, bởi họ cũng là những cá nhân với cuộc sống riêng như chúng ta, cũng có những phút vui buồn hờn giận, cũng có những vấn đề khó xử của mình.

Có được sự cảm thông ấy, chúng ta sẽ không đặt người giáo viên vào vị trí được thần thánh hóa, và như vậy dù cho phải đối mặt với cách đặt vấn đề “cung cấp dịch vụ” trong giáo dục chúng ta cũng không bao giờ mất đi sự kính trọng dành cho họ - những người thầy.

Sinh viên Lan Hương (ĐH Ngoại thương Hà Nội): Thầy cô không bao giờ là người cung cấp dịch vụ đơn thuần

Tôi đã từng chứng kiến một vài trường hợp học sinh tưng tửng và mang thái độ “thượng đế” hành xử với thầy cô giáo. Cá nhân tôi không ủng hộ tư duy này. Vì giáo viên, nếu xét trên phương diện “người cung cấp dịch vụ” thì thầy cô chỉ cần hoàn thành việc dạy học với đủ giáo trình và thời lượng là hết nhiệm vụ.

Nhưng các thầy cô ngoài việc dạy những kiến thức trong sách vở thì luôn luôn cố gắng truyền tải những kiến thức xã hội, cả kỹ năng và tình cảm cho học sinh.Tôi nghĩ rằng nếu là một người làm dịch vụ đơn thuần vì lợi tức như suy nghĩ hiện nay của nhiều học sinh thì việc gì thầy cô phải mất thời gian, tâm sức đến vậy?


Sinh viên Lan Hương

Một người làm giáo dục có tâm muốn tạo ra những thế hệ không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn tốt về đạo đức và có nhận thức tiến bộ đúng đắn. Vì những gì thầy cô làm đã vượt quá những bổn phận trong phần “dịch vụ giáo dục” nên tôi nghĩ, thế hệ mình cần có trách nhiệm tôn trọng thầy cô đúng với những gì thầy cô đã hết lòng dành cho mình.

Còn về suy nghĩ mình trả tiền cho dịch vụ giáo dục, theo tôi, sinh viên học sinh chỉ nên suy nghĩ như thế để làm động lực cho bản thân chứ không nên lấy suy nghĩ đó để xử sự với thầy cô.

Cụ thể, khi nghĩ tới chuyện gia đình mình phải trả tiền cho chi phí giáo dục, thì sinh viên cần cố học hỏi, nghiên cứu để thâu nạp kiến thức và kỹ năng một cách tối ưu nhất cho số tiền gia đình bỏ ra. Đó mới là cách hành xử đúng đắn với đồng tiền thay vì khinh khỉnh như những kẻ trên tiền.

Sơn Tùng - Mỹ Mỹ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm