5 lý do Mỹ cần phải tấn công Syria

29/08/2013 16:18 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Cùng với những động thái khẳng định chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học, nước Mỹ đang tiến gần hơn đến một cuộc can thiệp quân sự vào Syria mà không có đường lùi.

Binh sĩ thuộc lực lượng nổi dậy phòng thủ tại một khu vực ở Aleppo

Nước Mỹ những năm qua luôn là một cường quốc trên thế giới không chỉ ở tiềm lực quân sự mà còn cả về phương diện kinh tế. Những cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan hay Libya chưa thể làm cho những quốc gia này trở nên ổn định và phát triển nhưng chắc chắn rằng nguồn lợi về dầu mỏ, về vị trí địa lý mà Mỹ có được không phải là nhỏ.

Tuyên bố của Tổng thống Obama khẳng định chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học tạo nên một mối lo mà Mỹ sẽ không thể ngủ yên trừ khi Mỹ và phương Tây có những biện pháp trừng trị thích đáng với chính quyền Tổng thống Assad.

Dưới đây là 5 lý do Mỹ cần phải can thiệp quân sự vào Syria:

1.Thế giới đang dõi theo hành động của nước Mỹ

Một khi Tổng thống Barack Obama nói rằng việc Syria sử dụng vũ khí hóa học là "ranh giới đỏ" cùng với đó là lời khẳng định chính phủ Syria có sử dụng vũ khí hóa học, những người đứng đầu các quốc gia khác đang dõi theo liệu Mỹ có trừng trị Syria hay không. Nếu như không có hành động nào cụ thể được Mỹ đưa ra cũng đồng nghĩa với việc lời cảnh báo của Tổng thống Obama trở nên vô giá trị.

Các quốc gia như Iran hay Triều Tiên chắc chắn sẽ có những động thái mạnh mẽ về một chương trình vũ khí hạt nhân mà hai quốc gia này luôn luôn theo đuổi. Điều đó sẽ không chỉ gây mất an ninh trong khu vực mà còn có thể ảnh hưởng đến toàn thế giới.

2. Vũ khí hóa học có thể sẽ được sử dụng nhiều hơn trong tương lai

Những gì xảy ra ở Damascus đang được các thanh sát viên LHQ điều tra nhưng những dấu hiệu của việc sử dụng khí gas hay thậm chí là khí độc sarin khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương là khó có thể che dấu.

Khung cảnh đổ nát tại thành phố Aleppo

Sự việc xảy ra ở Syria có thể sẽ là sự khởi đầu cho một chu kỳ bất ổn và vũ khí hóa học được sử dụng như một biện pháp thay thế cho bom nguyên tử. So với vũ khí nguyên tử, chất độc hóa học dễ sử dụng hơn và gây hậu quá cũng không hề thua kém.

Các nhà độc tài trên thế giới sẽ chuyển hướng sang tích trữ vũ khí hóa học như một biện pháp đề phòng mỗi khi có xung đột xảy đến như trường hợp ở Syria. Thậm chí các nhóm khủng bố cực đoan như Al-Qaeda cũng sẽ bắt đầu nghiên cứu để sử dụng vũ khí hóa học.

3. Nội chiến ở Syria ngày càng trở nên phức tạp, Mỹ không còn có nhiều lựa chọn

Hai năm trước Mỹ đứng ngoài sân chơi ở Syria với những lời yêu cầu Tổng thống Assad nên rời cương vị lãnh đạo đất nước. Một năm sau đó ông Obama cảnh báo về một "ranh giới đỏ" nhưng cho đến nay tình hình nội chiến tại Syria vẫn không cho thấy hồi kết.

Thậm chí nó đang trở nên phức tạp hơn bởi đã có những dấu hiệu lực lượng nổi dậy bắt tay với các nhóm Hồi giáo thuộc tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Al-Qaeda đã từ lâu muốn lật đổ chế độ của chính phủ Syria để tạo nên một nhà nước Hồi giáo cực đoan.

Nếu Mỹ không sớm can thiệp vào Syria có thể mục tiêu lật đổ Tổng thống Assad sẽ không thể thực hiện hoặc nếu Assad bị lật đổ, một mối nguy khác mang tên Al-Qaeda sẽ hiện diện tại Syria. Tình hình phức tạp tại Syria kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cấp dầu thô cho các đối tác trên thế giới. Nền kinh tế thế giới vốn đã trì trệ bởi những khủng hoảng sẽ ngày càng khó tìm được lối thoát hơn.

4. Không hành động quyết liệt sẽ tạo cơ hội để nhóm Syria, Lebanon, Iran trở nên thắng thế trong khu vực.

Cuộc nội chiến tại Syria đã không chỉ đơn thuần là cuộc xung đột giữa chính phủ Syria và lực lượng nổi dậy. Tổ chức có ảnh hưởng lớn ở Lebanon là Hezbollah cùng Iran đã công khai hỗ trợ hoặc gửi các chiến binh tới chiến đấu cùng quân đội chính phủ. Nếu như không có sự giúp đỡ của Mỹ và các đồng minh, lực lượng nổi dậy ở Syria hay thậm chí là Al-Qaeda sẽ bị đánh đuổi khỏi quốc gia này.

Những người thiệt mạng trong vụ tấn công hóa học gần Damascus

Không những thất bại trong việc cấm vận, kìm hãm Iran, nếu để nhóm liên minh tại khu vực Trung Đông ngày càng lớn mạnh sẽ là một mối nguy không chỉ với Mỹ mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ với những quốc gia thân Mỹ trong khu vực.

5. Ngọn lửa hận thù sẽ là cơ hội tạo nên sự chia rẽ sâu sắc tại Trung Đông

Cuộc nội chiến ở Syria mà xa hơn nữa trên toàn khu vực Trung Đông là mối mâu thuẫn sắc tộc sâu sắc giữa những nhóm người Sunni, người Shiite, Allawites, nhóm người theo đạo Kitô và người Kurd.

Những cuộc xung đột này vẫn ngấm ngầm ngay ở Afghanistan, Iraq nơi mà Mỹ đã tạm thời duy trì một quốc gia thân Mỹ ở Trung Đông mà nếu Mỹ không thể chấm dứt nội chiến tại Syria thì trong tương lai những cuộc xung đột khác sẽ phức tạp ngoài khả năng mà Mỹ và các đồng minh có thể giải quyết.

Việc Washington can thiệp quân sự vào Iraq, Afghanistan rồi Libya như một hệ quả tất yếu mà Mỹ sẽ không thể đứng nhìn ở Syria nếu không muốn tất cả những công sức gây dựng tầm ảnh hưởng ở Trung Đông 10 năm nay sẽ trở về con số không.

Nguyễn Hồng Đăng
Theo CNN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm