21/08/2021 00:00 GMT+7
(lienminhbng.org) - Khi TP.HCM được thông báo tiếp tục giãn cách đến 15/9, người lao động ùn ùn kéo về quê một cách tự phát vì lo sợ không cầm cự thêm được nữa. Lúc này cùng với "ATM gạo" có từ trước đó, "ATM việc làm", "ATM nhà trọ" ra đời để hỗ trợ người dân gặp khó khăn.
Chứng kiến cảnh hàng trăm người dắt díu nhau trên những chiếc xe gắn máy để rời khỏi Sài Gòn, không biết bao người rơi nước mắt vì xót xa. Trên chiếc xe máy là những gương mặt khắc khoải vì thất nghiệp, nhưng lại có những ánh mắt hồn nhiên của trẻ em theo cha mẹ tìm đường về quê.
“ATM việc làm” và “ATM nhà trọ” giúp người lao động yên tâm ở lại TP.HCM
Cộng đồng mạng đã gọi đây là tình thế mắc kẹt của những người lao động ở TP.HCM trong Chỉ thị 16. Nhưng ngay sau đó Trung tâm Công tác Xã Hội Thanh Thiếu Niên (trực thuộc Trung Ương Hội Liên Hiệp Thanh niên Việt Nam) dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát động chương trình hỗ trợ việc làm, nhà trọ cho người khó khăn. Chương trình “ATM việc làm cộng đồng” và “ATM phòng trọ cộng đồng” ra đời nhằm chia sẻ phần nào gánh nặng lo toan của người dân.
"ATM việc làm cộng đồng" và "ATM phòng trọ cộng đồng" là cầu nối nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị doanh nghiệp và nhu cầu tìm việc làm của người lao động. Và kết nối người dân cần tìm nơi ở, chỗ trọ tới những địa chỉ nhà trọ cộng đồng trong thời điểm này.
Giám đốc trung tâm - ông Nguyễn Thanh Hân cho biết những ngày qua, nhiều người dân nhập cư đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM lâm vào cảnh "đi không được, ở không xong". Giải pháp hỗ trợ hữu hiệu là bảo đảm cho người lao động có việc làm, có nơi ở trong lúc này.
Ông chia sẻ: "Người lao động về quê vì không có việc làm, không có tiền trang trải chi phí sinh hoạt, thuê nhà trọ. Trong khi đó, có nhiều gia đình hảo tâm sẵn sàng hỗ trợ tạm thời cho những người gặp khó khăn, không có chỗ ở. ATM nhà trọ sẽ kết nối, giới thiệu những người cần chỗ ở với những người có nhà trọ cộng đồng".
"ATM nhà trọ cộng đồng" và "ATM việc làm cộng đồng" hoàn toàn miễn phí, mục đích góp phần chung tay cùng TP.HCM san sẻ khó khăn, hỗ trợ cho bà con yếu thế. Từ đó, giúp ổn định đời sống của người dân, duy trì sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp để cùng nhau vượt 1 tháng thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16.
“ATM gạo” được nhân rộng cứu đói người nghèo
Vào ngày 2/6, chiếc máy ATM gạo đầu tiên trong đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đã có mặt tại khu phố 1, phường Thạnh Lộc, quận 12, để phát gạo cho bà con đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Ngay sau đó là một “ATM gạo” tiếp theo đặt tại Khu huấn luyện Quân sự quận Tân Phú, phường Tân Quý, quận Tân Phú để giúp đỡ người dân khó khăn.
Chiếc máy này do anh Hoàng Tuấn Anh - CEO Công ty PHGLock (quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) tận dụng máy móc có sẵn của công ty chế tạo. Máy hoạt động như cây ATM, chỉ cần nhấn nút, gạo sẽ tự động tuôn ra, mỗi lần được 1,5kg gạo, dành cho 2-3 người ăn trong khoảng 1 tuần.
Ông Hoàng Tuấn Anh chia sẻ: “Trước bối cảnh hàng triệu người lâm cảnh khó khăn, thất nghiệp vì dịch bệnh kéo dài, được sự ủng hộ của các cơ quan, ban ngành và toàn thể cộng đồng, Ban Tổ chức “ATM gạo” hy vọng sẽ huy động được thêm vài trăm tấn gạo phục vụ người dân vượt qua đại dịch Covid-19”.
Vì mục đích hỗ trợ người lao động nghèo, khó khăn do dịch Covid-19, chỉ một thời gian ngắn sau khi “ATM gạo” đầu tiên ra đời, mô hình này đã được nhanh chóng lan tỏa khắp TP.
Chiếc máy “ATM gạo” tiếp theo được đặt tại trụ sở UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Máy phát gạo tiếp tục hành trình lan tỏa yêu thương đến người nghèo tại quận Thủ Đức. Giờ đây người nghèo quận này không lo thiếu gạo.
Ông Tuấn Anh muốn đảm bảo giữa mỗi "ATM gạo" có khoảng cách xa nhau để tiện cho việc bà con nghèo khắp nơi trên TP đến nhận gạo, tránh tình trạng tập trung đông người tại một chỗ.
Với mong muốn “ATM gạo” đến được với nhiều người hơn, kể cả những khu phố, con hẻm nhỏ, đồng thời giảm bớt tụ tập, xếp hàng, ông Hoàng Tuấn Anh cũng đã cải tiến “đứa con” của mình từ “ATM gạo” cố định thành lưu động (đặt chiếc máy “ATM gạo” này trên xe bán tải). Ông cùng những người đồng hành của mình sẽ lái xe đến từng khu phố, con hẻm để phát gạo cho người dân khó khăn giữa thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Ông cũng tiết lộ hiện tại mỗi điểm "ATM gạo" đã phát trên 5 tấn gạo/ngày, phục vụ gần 10.000 người dân nghèo. Trong thời gian tới, ông sẽ hướng đến 1 triệu dân đang gặp khó khăn được nhận gạo.
Ngoài các cây “ATM gạo” trên, có thêm 1 “ATM gạo” khác được đặt tại khuôn viên trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM. Đây là hoạt động chung tay góp sức từ cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên, phụ huynh của trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP và các nhà hảo tâm.
Ông Tuấn Anh chia sẻ sẵn sàng tặng và chuyển giao công nghệ cho các cho các quận huyện khác ở TP hoặc các tỉnh, thành khác nếu mạnh thường quân có mong muốn lắp đặt các hệ thống tương tự nhằm chia sẻ khó khăn với người nghèo.
Trước đó, kể từ khi lần đầu xuất hiện ở TP.HCM vào ngày 7/4/2020 (thời điểm giãn cách xã hội lần đầu), ông Hoàng Tuấn Anh đã triển khai 100 cây “ATM gạo”, đặt ở nhiều tỉnh, thành Việt Nam và cả nước ngoài như Campuchia, Myanmar, Đông Timor… Thông qua các cây “ATM gạo” này, ông Hoàng Tuấn Anh đã huy động hơn 3.000 tấn gạo giúp đỡ người dân khó khăn.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
An Nhiên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất