19/07/2014 07:31 GMT+7 | Di sản
(lienminhbng.org) - “Chuyện tu bổ không đúng cách thức, quy trình, nhà thầu phải làm tờ trình gửi lên Sở VH,TT&DL để các chuyên viên của Sở kiểm tra. Sau khi kiểm tra, nếu chúng tôi đánh giá nhà thầu đủ năng lực, họ mới có quyền khắc phục và tiếp tục làm. Bằng không dứt khoát phải dừng“.
Đó là phát biểu của ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội về sự vụ “thảm họa” trùng tu tại di tích quốc gia chùa Sổ (Thanh Oai), Hà Nội.
Quyết liệt để tạo tiền lệ tốt
Ông Trương Minh Tiến cho hay: “Chúng tôi yêu cầu tạm dừng thi công để các bên chấn chỉnh lại công tác quản lý dự án, công tác thi công cho đúng quy trình tu bổ theo nghị định 70 và thông tư 18. Nếu năng lực nhà thầu không đảm bảo, chúng tôi sẽ ra văn bản yêu cầu chủ đầu tư và huyện thay nhà thầu khác. Thậm chí, BQL Dự án thay mặt huyện làm chủ đầu tư nếu không có năng lực, chúng tôi cũng sẵn sàng kiến nghị thay. Chúng tôi muốn giải quyết thấu đáo vụ việc để tạo tiền lệ tốt, không để các đơn vị làm bậy với di tích“.
Khi phóng viên nêu những thắc mắc về việc phải chăng phân cấp quản lý di tích có thể là nguyên nhân dẫn đến những “thảm họa” trùng tu? Ông Trương Minh Tiến cho biết: Phân cấp quản lý là một chủ trương đúng. Bởi Hà Nội có 6.000 di tích, trong đó có nhiều di tích có giá trị, và lâu đời. Lâu đời ắt dẫn đến xuống cấp. Điều này đòi hỏi những trách nhiệm ở tuyến cơ sở thường xuyên bám địa bàn. Song đúng là vấn đề phân cấp quản lý dẫn tới những mâu thuẫn giữa năng lực của những người ở cơ sở và việc bảo tồn di tích cổ, quý. Cụ thể, nhiều nơi, họ không có cán bộ chuyên môn. Cũng vì vậy nên những hiện tượng như đình Quang Húc, chùa Sổ diễn ra.
“Sở VH,TT&DL có những khóa tập huấn để hướng dẫn cho các quận, huyện cách thức bảo vệ, tu bổ, phát huy giá trị di tích” - ông Tiến nói tiếp - “Thêm nữa, Sở phải thường xuyên kiểm tra di sản và các công trình trùng tu, tôn tạo. Đó là một trong những biện pháp Sở đang cải thiện những khiếm khuyết từ cơ sở. Việc phân cấp này cần có quá trình để hoàn thiện”.
Các phương án chống bão
Trước khả năng ảnh hưởng của cơn bão số 2 sẽ tác động trực tiếp tới công trình với nhiều cấu kiện cổ, quý vừa hạ giải, chưa kịp dựng nhà bao che, ông Trương Minh Tiến chia sẻ: Đợt bão này, đối với các di tích trong địa bàn thành phố, Sở đã yêu cầu UBND các quận, huyện phải chuẩn bị các phương án chống mưa bão, bảo quản di sản ở địa phương.
“Còn chùa Sổ, chúng tôi đã yêu cầu tạm dừng thi công song cũng yêu cầu địa phương chuẩn bị các biện pháp chống bão”- ông Tiến nói tiếp - “Toàn bộ hiện vật sau hạ giải đã được di chuyển vào kho để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, các cấu kiện bên ngoài nằm chơi vơi chúng tôi cũng yêu cầu tháo nốt, song phải đảm bảo quy trình để chuyển vào địa điểm bảo quản. Đồng thời, do nhà bao che chưa làm kịp, đơn vị thi công phải tìm các phương án phủ công trình để mưa xuống vẫn an toàn các cấu kiện bên trong.
Thể thao& Văn hóa sẽ tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất