Công Vinh trải lòng về những bước ngoặt của cuộc đời

13/12/2016 08:34 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Lê Công Vinh tuyên bố giải nghệ để lại nhiều sự tiếc nuối trong lòng người hâm mộ và khoảng trống lớn tại ĐT Việt Nam. Hơn 20 năm gắn bó với nghiệp quần đùi áo số là hàng trăm những kỷ niệm, có những thứ là bước ngoặt trong cuộc đời anh.

Khoảng thời gian khó khăn nhất?

Chấn thương đứt dây chằng đầu gối năm 2010 và hai tháng đầu tập luyện tại CLB Leixoes năm 2009 được coi là khoảng thời gian khó khăn nhất của tiền đạo người Nghệ An.

Công Vinh giãi bày: “Đứt dây chằng đầu gối trong thể thao là một sự tồi tệ. Khi ấy cuộc sống từ màu hồng chuyển sang màu đen. Vinh mất tất cả, nhiều người quay lưng với Vinh. Sau đó tôi sang Bồ Đào Nha chữa trị và may mắn được gặp bác sĩ tốt nhất của đất nước.  

4 tháng tập luyện và ăn ở bên ấy, tháng đầu Vinh được vợ chăm lo nấu cơm cho mình, nhưng 3 tháng sau thì phải ở một mình. Tự đến trung tâm tập phục hồi chức năng và về nhà tự nấu cơm. Có khi phải ăn hamburger, Pizza. Sáng tập chiều đi bơi, chu trình lặp đi lặp lại.


Trong những ngày chữa trị, cắn răng ăn kiêng vì ăn nhiều mỡ, thịt thì béo lên. Mình phải ăn salad nhiều, kiêng kỵ nhiều thứ, đó là một điều cực kỳ kinh khủng. Với sự nỗ lực của bản thân, tin vào sự trở lại của thể thao đỉnh cao và sự tin yêu của những người thân bên cạnh thì tôi đã vượt qua. Trong thể thao, ý chí và niềm tin đặc biệt là chuyên môn rất quan trọng”.


2 tháng đầu tại CLB Leixoes của Bồ Đào Nha là một trong những khoảng thời gian khó khăn nhất của Công Vinh. Ảnh: Abola.

Trong khi đó 2 tháng đầu ở Leixoes được Công Vinh miêu tả bằng 2 từ “phũ phàng”. “Tháng 8/2009 tôi sang Leixoes của Bồ Đào Nha. Tôi hỏi Cristiano, cựu hậu vệ của Hà Nội T&T và từng đá ở Benfica: “Tôi sang đấy có vấn đề gì không? Có theo được không?”. Cậu ấy nói xã giao rằng “cậu có thể theo được”. Tôi khi ấy nghĩ mình có thể làm mọi thứ. Thế nhưng sạu khi bước chân sang Leixoes có một sự thật phũ phàng là những người châu Á, người da màu sẽ không được đón nhận ở các nước châu Âu.

Tôi sang đấy 2 tháng, tôi không được chuyền một quả bóng nào cả. Tôi chỉ tập một mình, không ai nói chuyện với tôi. Buổi đầu tiên tôi đến tập họ nhìn tôi với ánh mắt một cầu thủ nhỏ bé của Đông Nam Á không biết sang đây làm gì?”, anh nói.  

Công Vinh cho rằng vượt qua những ngày tháng ấy chỉ có nhờ sự chăm chỉ của bàn thân: “Đa phần cầu thủ ở đó là Argentina và Brazil. Họ cùng chung ngôn ngữ với người Bồ Đào Nha. Gần như 2 tháng đầu họ không tiếp xúc, gần như không có sự tiếp xúc. Thế nhưn mình tập luyện miệt mài thì dần dần họ tạo điều kiện cho mình, chuyền bóng cho và giúp đỡ mình. Thật sự là 2 tháng đầu tôi bị hụt hẫng và muốn từ bỏ”.

Bước ngoặt quan trọng nhất thay đổi con người Công Vinh?

Tiền đạo số 1 trong lịch sử bóng đá Việt Nam không ngần ngại nhắc đến cuộc hôn nhân giữa anh và ca sĩ Thủy Tiên là bước ngoặt lớn thay đổi cuộc đời anh. “Sau khi Vinh biết Tiên, yêu Tiên, đó là bước ngoặt thay đổi cách ăn nói, nhìn nhận vấn đề, thay đổi rất nhiều thứ ở bản thân Vinh”, anh nói.   

“Tiên là một người thông minh và bản lĩnh. Thua một trận bóng Vinh không muốn làm gì cả còn Tiên làm đủ mọi thứ để mình vui. Hai vợ chồng luôn bàn bạc với nhau về mọi vấn đề, khi cãi nhau thì có nhưng vợ luôn là người thắng. Với Vinh sinh ra là phụ nữ là một sự thiệt thòi, mình cần nâng niu, trân trọng họ”.

Vì lẽ đó, Công Vinh sẵn sàng bảo vệ vợ của mình bằng mọi giá: “Trong cuộc sống, Vinh luôn dành tình yêu nhiều nhất cho Tiên. Vinh nghĩ rằng khi dành tình yêu lớn cho nhau, khi họ bị tổn thương mình muốn xù lông lên bảo vệ họ.

Mình không làm điều gì sai nhưng người đời cứ nói. Đôi khi muốn đấm tay đôi với họ. Chúng tôi là những người hiểu công việc của nhau, tôn trọng nhau, muốn đi đến hết cuộc đời. Khi người mình yêu bị tổn thương thì phải dành sự bao bọc và tình yêu lớn hơn nữa dành cho họ”.

Ai là người đá cặp ăn ý nhất với Công Vinh?

“Tôi đá với nhiều người từ anh Văn Quyến năm 2005. 1 năm trước, đá với anh Bảo Khanh và Huỳnh Đức. Năm 2006, 2007 đá với Phan Thanh Bình. Năm 2008 đá với Việt Thắng. Tôi thi đấu ăn ý nhất khi đá với  anh Văn Quyến và Việt Thắng. Văn Quyến với tôi có sự đồng điệu, cùng quê hương, cùng đá cặp ở SLNA. Việt Thắng là tiền đạo cắm có lẽ là hiện tại Việt Nam đang còn thiếu, làm tường tốt, đá đơn giản nhưng hiệu quả”.


Công Vinh rất thích đá cặp với tiền đạo Việt Thắng (trái) hoặc đàn anh Văn Quyến.

Lê Công Vinh: Những giọt nước mắt nhạt nhòa

Lê Công Vinh: Những giọt nước mắt nhạt nhòa

Nếu phải chỉ ra cái tên buồn nhất trên sân Mỹ Đình trong ngày ĐT Việt Nam thất bại trước Indonesia thì chắc chắn đó là đội trưởng Lê Công Vinh.


Vị trí nào trên sân là sướng nhất?

Công Vinh khẳng định đó là vị trí tiền đạo của anh. “Làm tiền đạo là sướng nhất, khi sai số ít ai nhớ nhưng khi ghi bàn sẽ trở thành người hùng. Hậu vệ là những người khó khăn nhất. Trong bóng đá, hậu vệ, thủ môn, tiền đạo như tay với chân. Vị trí nào cũng quan trọng cả, không có ai là quan trọng nhất.

Tôi nghĩ rằng mỗi cầu thủ sinh ra dành cho một vị trí. Nhiều người thường đá tiền đạo thì khán giả nhớ đến hơn. Cầu thủ nào tôi cũng tôn trọng, những người cùng thời và sau này đều tài năng”, anh nói.

Và không có sự hối tiếc

20 năm gắn bó với bóng đá đến thời điểm này, Lê Công Vinh đã thẳng thắn thừa nhận không hối tiếc vì bất kỳ quyết định nào.

Với các đồng đội, “tôi là một người bạn, một người anh, một người em tôi đã làm trọn. Tôi không có gì hối tiếc cả. Tôi có quan điểm, tôi sống và làm việc cho chính tôi. Tôi làm hết khả năng tôi ngẩng cao đầu rời vị trí đó. Tôi không hối tiếc”, Công Vinh chia sẻ. 


Những giọt nước mắt của Công Vinh trong lần cuối cùng khoác áo đội tuyển Việt Nam.

Với người thân trong gia đình, “người đàn ông thường là trụ cột của gia đình. Khi anh ta phải xa nhà thường xuyên thì đó là thiệt thòi. Mình không có mặt ở nhà là có lỗi với gia đình. Nghề bóng đá này gia đình vui khi mình thắng, khi thua mình áp lực một, họ áp lực 10.

Vợ tôi đôi khi bị căng thẳng, muốn tôi nghỉ sớm vì áp lực quá lớn. Bố mẹ mất ăn mất ngủ, hàng xóm sang nói này nọ làm họ cảm thấy áp lực. Thế nhưng, quan trọng hơn, bố mẹ tôi ra đường chưa bao giờ bị ai than phiền về đạo đức của mình. Tôi như vậy là làm tròn phận làm con, làm chồng”.

Hiếu Lương (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm