Thế giới mạng và… bà "Hậu khảo cổ"

25/12/2024 16:27 GMT+7 | Văn hoá

Sự đa dạng và sôi động của thế giới mạng đã đem lại cho tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cảm hứng viết tùy bút Thế giới mạng và tôi - cũng là tên tập sách của bà, phát hành năm 2014. Tùy bút này đã được trích đưa vào sách Ngữ văn 10, tập 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Nguyễn Thị Hậu thường được đồng nghiệp gọi là "Hậu khảo cổ"- biệt danh liên quan chuyên môn khảo cổ học của bà- là cái tên thường được bạn đọc nhiều lứa tuổi tìm kiếm trên các mạng xã hội, từ hồi Yahoo! 3600 đến Facebook sau này, vì những điều thú vị bà viết.

Bài tùy bút hơn 10 năm vẫn còn tính thời sự

* Điều gì đã khiến bà viết tùy bút "Thế giới mạng và tôi"?

- Từ trải nghiệm thực tế. Tôi tham gia mạng xã hội khá sớm, do nhu cầu tìm hiểu một "không gian" khác mà các con cái và sinh viên của tôi thường "tụ tập". Tham gia mạng, tôi có nhiều trải nghiệm thú vị, nhất là được gặp gỡ nhiều người quen biết cũng như chưa quen, "chứng kiến" sự có mặt và thái độ của họ ở những sự kiện khác nhau.

Tùy bút Thế giới mạng và tôi được nhiều người đồng cảm và chia sẻ.

Khi tập hợp các bài để in thành sách vào năm 2014, biên tập viên nhà xuất bản đã chọn tên bài này để làm tựa sách, vì "cuốn sách sẽ được nhiều người quan tâm hơn khi mạng xã hội đang gây ra những tranh luận trái chiều". Nhờ vậy bài viết cũng được biết đến nhiều hơn. Tuy bài viết đã rất lâu nhưng gần đây đã được đưa vào sách giáo khoa cho học sinh phổ thông. Nhân đây tôi xin cảm ơn nhóm biên soạn bộ sách này.

Thế giới mạng và… bà "Hậu khảo cổ" - Ảnh 1.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu

* Bà có nghĩ rằng ban biên soạn sách chọn bài này vào sách như một lời khuyên để giới trẻ sử dụng mạng một cách thông minh và hiệu quả hơn?

- Chắc người tuyển chọn cũng có ý đó. Tùy bút nêu một cách nhìn về việc cá nhân thể hiện trên mạng xã hội như thế nào, nhưng không phán xét, chê trách, hoặc ca ngợi, mà ghi nhận một cách khách quan. Qua đó có thể rút ra cách sử dụng mạng xã hội một cách chủ động và khôn khéo hơn, làm sao để có được nhiều năng lượng tích cực hơn.

Bởi vì mạng cũng giống như các thành tựu khoa học kỹ thuật khác, đều nhằm mang lại lợi ích cho con người, nếu biết sử dụng đúng cách, đúng mục đích.

Có lẽ đến nay bài viết vẫn có tính "thời sự" nên có sự đồng cảm của nhiều người, giới trẻ dễ chấp nhận.

Thế giới mạng và… bà "Hậu khảo cổ" - Ảnh 2.

Tập tùy bút "Thế giới mạng và tôi" (xuất bản năm 2014)

* Bà có bao giờ ngừng "chơi" mạng xã hội một tuần và nhận thấy thật ra chúng ảnh hưởng đến mình nhiều hơn mình nghĩ không?

- Thường xuyên chứ! Đó là những lúc tôi đi công tác những nơi không vào mạng được, những khoảng thời gian tôi phải tập trung hoàn thành công trình nghiên cứu, hoặc một việc gì đó…

Thật ra khi rời xa mạng, cái tôi thấy thiếu nhất là thông tin, những thông tin đa dạng, đa chiều, buộc mình phải suy nghĩ, chọn lọc, có khi còn phải tự phản biện, tranh luận.

Tuy nhiên không nên quá phụ thuộc vào mạng xã hội, vì mình còn những công việc khác nữa, cũng tránh "nhiều chuyện" khi có những việc mà mình không biết rõ ràng.

* Nhiều người than rằng, họ biết mạng xã hội khiến cho những người ở xa thì gần lại, nhưng lại đẩy những người ở gần, thân quyến ra xa nhau... Bà nghĩ gì về điều này?

- Đúng là tình trạng này khá phổ biến, nhất là ở các đô thị, khi mà hầu như ai cũng có phương tiện vào mạng thuận tiện mọi lúc mọi nơi. Nhưng quan trọng là mối quan hệ thực sự ở ngoài như thế nào: Nếu ngoài đời, cha mẹ, con cái, người trong gia đình, bạn bè… ít nói chuyện với nhau, hoặc không quan tâm đến nhau, giữa các thế hệ có khoảng cách vì không hiểu nhau… thì mạng xã hội càng làm cho những điều đó nặng nề hơn. Và ngược lại, bạn bè, người trong gia đình thân thiện, các thế hệ gần nhau hơn, thì mạng xã hội có thể giúp cho họ hiểu biết thêm về người thân.

Thế giới mạng và… bà "Hậu khảo cổ" - Ảnh 3.

Tùy bút "Thế giới mạng và tôi" trong "Ngữ văn 10" tập 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Viết là cách thể thiện trách nhiệm, tình cảm

* Bà có thể chia sẻ về niềm vui đến với văn chương của mình để cho ra đời những cuốn tùy bút, tản văn, truyện 100 chữ và cả thơ..., bên cạnh những công trình về khảo cổ là chuyên môn chính?

- Tôi viết như là thói quen thể hiện suy nghĩ bằng chữ. Ngày nào cũng viết1-2 trang theo thói quen. Rồi có thêm nhiều bạn bè, nhất là bạn bè trong giới cầm bút (nhà báo, nhà văn…) nên càng hay đọc của họ, từ đó cũng gợi ý nhiều chuyện để viết.

Còn viết kiểu gì (tản văn, tùy bút, truyện 100 chữ, thơ…) thì tùy lúc đó viết thế nào cho hợp với điều mình nghĩ mà thôi. Sau này cũng viết nhiều bài báo do yêu cầu của công việc, lại học bạn bè cách viết sao cho phù hợp… Nhưng tôi thích viết truyện 100 chữ, vì nó làm cho mình sử dụng ngôn ngữ chính xác và phong phú hơn.

Thế giới mạng và… bà "Hậu khảo cổ" - Ảnh 4.

* Là một nhà khoa học và một nhà giáo, điều này có lẽ đã giúp bà chuyển tải những điều mình muốn nói một cách giản dị, dễ hiểu và mạch lạc trong những trang văn?

- Có lẽ vậy. Cách diễn đạt khoa học có lợi thế là ngắn gọn, rõ ràng, đôi khi khá hàn lâm. Nhưng cách viết đời thường cũng buộc tôi viết giản dị và nhiều cảm xúc hơn, chứ không thể khô khan và quá chặt chẽ như bài nghiên cứu khoa học.

* Bà đã có nhiều tản văn, tùy bút ngậm ngùi cho những giá trị văn hóa đã bị mất, những di sản bị lãng quên, thậm chí bị xóa bỏ và cả khi môi trường bị tàn phá... Đó có phải là cách bà bày tỏ tình cảm của mình và là cách một trí thức phải lên tiếng?

- Tôi nghĩ rằng đó là trách nhiệm của mỗi người, nhất là người làm nghề nghiên cứu, giảng dạy, bảo tồn di sản văn hóa. Tôi cố gắng thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, sao cho phù hợp từng lúc, từng nơi. Đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình cảm đối với nơi mình từng sống, đang sống, từng qua, những nơi chốn lưu giữ bao giá trị văn hóa của các cộng đồng, của từng con người cụ thể.

Viết về cảm xúc ấy, tôi gặp được sự đồng cảm của nhiều người, vì trong ai cũng có sẵn những suy nghĩ như vậy. Qua đó sẽ có nhiều tiếng nói và hành xử ủng hộ việc bảo tồn di sản văn hóa nhiều hơn.

"Những cuốn sách tạm gọi là văn học của tôi cũng ra đời từ những cơ duyên, chứ hầu như không có kế hoạch gì trước" - TS Nguyễn Thị Hậu

"Luôn cần có hiểu biết mới"

* Nguyễn Thị Hậu trong những đợt khai quật và trong những trang văn giống, hoặc khác nhau như thế nào?

- Có lẽ vẫn là tôi thôi, nghiêm túc làm việc, nhưng luôn vui vẻ với mọi người. Ở nơi khai quật hoặc đi công tác thì phải phù hợp công việc, tôi khá dễ tính, "bụi đời", làm việc giống như các đồng nghiệp khác, kể cả đồng nghiệp nam.

À, có một học trò tình cờ biên tập một cuốn sách của tôi, đã nói là: Em không nhận ra cô trên những trang sách này, kiểu như không nghĩ tôi có thể "sến" như vậy. Còn một anh đồng nghiệp đọc những bài "gọi là thơ" của tôi thì nhận xét: Trông cô thế mà nữ tính, đàn bà quá nhỉ!

Thế giới mạng và… bà "Hậu khảo cổ" - Ảnh 6.

* Bà đã về hưu khoảng 10 năm mà vẫn miệt mài làm việc, đi lại liên tục trong và ngoài nước... Điều gì khiến bà giữ được năng lượng tốt như vậy?

- Tính tôi vốn năng động, lại được rèn luyện qua thời bao cấp vất vả, nên khó mà "ngồi im". Mặt khác, để có thể làm tốt công việc thì luôn cần có hiểu biết mới, điều đó tôi học được từ nhiều bạn trẻ và từ thực tiễn. Có năng lượng mới cũng từ đó.

* Bà có đang dự tính sẽ xuất bản tiếp những cuốn tùy bút, tản văn trong thời gian gần không?

- Tùy duyên thôi, vì tôi không phải là người viết văn chuyên nghiệp. Những cuốn sách tạm gọi là văn học của tôi cũng ra đời từ những cơ duyên, chứ hầu như không có kế hoạch gì trước, ngay cả cuốn đầu tiên Đi và tìm trong đấtin năm 2008.

Còn sách chuyên môn về khảo cổ học thì khác, được xuất bản từ việc biên tập lại các công trình khoa học với mục đích phổ biến kiến thức cho cộng đồng.

Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu

Sinh năm 1958 tại Hà Nội. Quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Hiện sống tại TP.HCM.

Bà là Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM. Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.

Năm 2014, bà nghỉ hưu, nhưng vẫn tham gia giảng dạy tại Trường Đại học KHXH&NV - Đại học quốc gia TP.HCM, đồng thời tiếp tục công việc khảo cổ, bảo tồn di sản văn hóa, thỉnh giảng...

Bên cạnh một số công trình như Khảo cổ học bình dân Nam bộ, Đô thị Sài Gòn - TP.HCM: Khảo cổ học và bảo tồn di sản…, bà còn viết rất nhiều bài báo chuyên ngành khảo cổ, di sản, văn hóa…

Bà đã có nhiều tựa sách văn học được xuất bản, chủ yếu là tản văn, tùy bút, tạp bút như: Buổi trưa trong quán cà phê, Thế giới mạng và tôi, Nghĩ ngợi đường xa, Cách nhau chỉ một giấc mơ, Sài Gòn bao giờ cũng thế, Mỗi ngày ta sống, Thương những miền qua… Đặc biệt là 2 tập truyện 100 chữ: 101 truyện 100 chữNhững mảnh vỡ.

Lam Hạnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm