02/09/2021 10:46 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h ngày 2/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 219.264.262 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.545.646 ca tử vong.
Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 196.006.329 người. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 659.927 ca tử vong trong tổng số 40.330.712 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 439.559 ca tử vong trong số 32.856.863 ca. Brazil đứng thứ 3 với 581.228 ca tử vong trong số 20.804.215 ca.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 601 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 311 người và Bosnia-Herzegovina với 299 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,4 triệu ca tử vong trong hơn 43,2 triệu ca. Tiếp đến là châu Âu, có hơn 63,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,2 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận hơn 1 triệu ca tử vong trong hơn 70,3 triệu ca. Bắc Mỹ có hơn 998.100 ca tử vong trong hơn 48,3 triệu ca. Châu Phi ghi nhận hơn 197.300 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 2.100 người.
Nhật Bản đã phát hiện hai ca đầu tiên nhiễm biến thể Mu – một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào danh sách “biến thể đáng quan tâm”. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho biết trong quá trình giải trình gene của các mẫu bệnh phẩm đã được thu thập trước đó, giới chức y tế Nhật Bản đã phát hiện một phụ nữ từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đến sân bay Narita vào cuối tháng 6 và một phụ nữ khác từ Vương quốc Anh đến sân bay Haneda vào đầu tháng 7 đều nhiễm phải biến thể Mu.
WHO đã đưa biến thể Mu vào danh sách “biến thể đáng quan tâm” bởi biến thể này có các đột biến có khả năng vô hiệu hóa tác dụng của vaccine. Biến thể Mu được phát hiện lần đầu tiên ở Colombia vào tháng 1/2021. Cho đến nay, biến thể này đã được xác nhận ở ít nhất 39 quốc gia, trong đó có các quốc gia ở Nam Mỹ và châu Âu.
Số liệu chính thức ngày 1/9 cho thấy Anh ghi nhận 207 ca tử vong liên quan COVID-19 trong ngày, mức cao nhất kể từ mốc 231 ca tử vong được ghi nhận trong ngày 9/3 năm nay. Tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Anh hiện là 132.742 người. Con số này chỉ bao gồm những người tử vong trong vòng 28 ngày sau khi có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong ngày 1/9, Anh cũng ghi nhận thêm 35.693 ca nhiễm, trong bối cảnh lãnh đạo ngành giáo dục bày tỏ lo ngại về tác động của số ca nhiễm COVID-19 tăng cao đối với các học sinh quay trở lại trường ở xứ England và xứ Wales.
Tuy nhiên, truyền thông Anh đưa tin các cố vấn khoa học và y khoa của chính phủ nước này từ chối đề xuất tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em vì lo ngại ảnh hưởng đến chiến dịch tiêm mũi tăng cường. Các chuyên gia thuộc Ủy ban Chung về vaccine và tiêm chủng (JCVI) dự kiến sẽ đưa ra đề xuất về khả năng Chính phủ Anh triển khai tiêm vaccine cho trẻ em trong độ tuổi từ 12 - 15 như một số nước khác. Hơn 88% dân số trên 16 tuổi tại Anh đã được tiêm mũi vaccine thứ nhất trong khi gần 79% đã tiêm cả hai liều.
Ai Cập đang lên kế hoạch sản xuất 1 tỷ liều vaccine Sinovac của Trung Quốc mỗi năm, đồng thời đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất vaccine ngừa COVID-19 lớn nhất tại châu Phi và Trung Đông. Theo thỏa thuận được ký kết giữa Công ty Sinh phẩm và vaccine Ai Cập (VACSERA) và Công ty Dược sinh học Sinovac của Trung Quốc, một nhà máy tại Cairo sẽ sản xuất hơn 200 triệu liều vaccine Sinovac mỗi năm nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước.
Ngoài ra, một nhà máy thứ hai sẽ sản xuất 3 triệu liều/ngày, tương đương 1 tỷ liều mỗi năm, với mục tiêu xuất khẩu loại vaccine ngừa COVID-19 này sang các nước châu Phi. Dự án này được kỳ vọng sẽ đưa Ai Cập trở thành nhà sản xuất vaccine lớn nhất tại khu vực Trung Đông và châu Phi. Ai Cập, với dân số hơn 100 triệu người, tính đến nay đã ghi nhận hơn 288.000 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 16.700 trường hợp tử vong. Khoảng 7,5 triệu người Ai Cập đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.
Ontario - tỉnh đông dân nhất của Canada - đã thông báo kế hoạch triển khai hệ thống hộ chiếu vaccine, theo đó yêu cầu người dân xuất trình bằng chứng đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 trước khi vào phòng tập thể thao, rạp hát, nhà hàng ở không gian trong nhà, các trung tâm tổ chức tiệc cưới, hội trường.... Để được coi là đã tiêm chủng đầy đủ, người dân phải tiêm liều thứ hai của vaccine phòng COVID-19 trước đó 2 tuần. Kế hoạch này - có hiệu lực từ ngày 22/9 - ban đầu sẽ sử dụng chứng nhận tiêm chủng do chính phủ cấp (bản in giấy hoặc bản gửi qua email) và người dân cần xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh.
Các quy tắc mới sẽ không áp dụng với các nhà hàng ngoài trời, các cửa hàng bán lẻ cũng như nơi thờ cúng. Hệ thống này cũng miễn trừ với những trường hợp bị dị ứng với vaccine, những người không thể tiêm vaccine do có rủi ro về sức khỏe và trẻ em dưới 12 tuổi. Mức phạt đối với hành vi không tuân thủ quy định về hộ chiếu vaccine tại Ontario là 750 CAD (594 USD) đối với cá nhân và lên tới 1.000 CAD (792 USD) hoặc hơn đối với doanh nghiệp.
Trong khi đó, hệ thống hộ chiếu vaccine của tỉnh Quebec (Canada) có hiệu lực vào ngày 1/9 sẽ cho phép người dân sử dụng bản chứng nhận tiêm chủng in giấy, hoặc file PDF kỹ thuật số, hoặc một ứng dụng điện thoại thông minh hiển thị mã QR. Người dùng cũng sẽ phải xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh. Theo Bộ Y tế Canada, hiện hơn 82% người dân Canada trên 12 tuổi đã được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19 và trên 74% đã hoàn thành tiêm chủng.
Ngày 1/9, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne đã kêu gọi các nước trên thế giới có dư thừa vaccine ngừa COVID-19 và đang có kế hoạch tiêm liều tăng cường cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ nhanh chóng chia sẻ với châu Mỹ, khu vực chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch toàn cầu này. Người đứng đầu tổ chức y tế khu vực nhấn mạnh châu Mỹ cần có thêm 540 triệu liều vaccine để các quốc gia trong khu vực có thể đảm bảo tiêm chủng cho 60% dân số của họ. Bà Etienne cho biết hiện 75% dân số Mỹ Latinh và Caribe vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Theo quan chức này, việc tiêm chủng tại châu Mỹ cũng đang trong tình trạng bất cân xứng. Hơn 60% dân số tại Canada, Chile và Uruguay đã được tiêm đủ 2 liều vaccine, trong khi hơn 30% các nước trong khu vực vẫn phải đang “vật lộn” để tiêm chủng cho 20% dân số của mình.
Ngoài ra, tỷ lệ tiêm chủng tại một số quốc gia vùng Caribe và Nam Mỹ vẫn trong mức thấp, trong khi tỷ lệ tại Trung Mỹ vẫn ở mức 1 con số như trường hợp Guatemala, Honduras và Nicaragua, đó là chưa kể đến Haiti và Venezuela, nơi có hệ thống y tế mong manh và những thách thức chính trị đang khiến việc tiêm chủng bị trì hoãn.
Liên quan vấn đề này, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) khẳng định việc tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19 là không cần thiết, ngoại trừ trường hợp sử dụng cho những người không được bảo vệ đầy đủ sau 2 mũi tiêm trước đó, chẳng hạn như những người bị suy giảm khả năng miễn dịch.
Theo ECDC, tất cả các loại vaccine được phê chuẩn ở Liên minh châu Âu (EU) hiện cung cấp khả năng bảo vệ đầy đủ chống lại các triệu chứng nghiêm trọng và nhập viện do COVID-19. Tuy nhiên, để đạt được cùng mức độ bảo vệ với hai liều thông thường (hoặc một liều với vaccine của Johnson & Johnson), những người bị rối loạn miễn dịch sẽ cần được tiêm mũi vaccine thứ ba.
ECDC đã để ngỏ rằng trong thời gian tới, họ có thể đề nghị tiêm mũi thứ ba cho những người già yếu. Theo số liệu mới nhất của hãng tin Reuters, cho tới nay tại EU đã ghi nhận ít nhất 55.340.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 1.353.000 ca tử vong vì COVID-19.
Thanh Phương/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất