Tới sáng 22/4, thế giới có thêm gần 7.000 ca tử vong vì Covid-19, người mắc bệnh vượt mốc 2,5 triệu

22/04/2020 07:30 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Trong vòng 24h qua, tính tới 6h sáng 22/4, thế giới đã ghi nhận thêm 71.988 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và 6.837 ca tử vong mới. Tổng số ca mắc bệnh COVID-19 toàn cầu vượt ngưỡng 2.500.000 người và trên 177.000 ca tử vong. Các nước đang thể hiện xu thế trái chiều đối với việc dỡ bỏ phong tỏa và nới lỏng giãn cách xã hội.

 WHO: Cần chú trọng giải pháp ứng phó với COVID-19 sau khi nới lỏng các hạn chế

WHO: Cần chú trọng giải pháp ứng phó với COVID-19 sau khi nới lỏng các hạn chế

Việc nới lỏng các biện pháp hạn chế được triển khai để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 không có nghĩa đại dịch đã kết thúc mà đây là sự khởi đầu của giai đoạn tiếp theo. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra nhận định trên tại cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Y tế nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 22/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 2.552.491 trường hợp, trong đó có 177.234 người tử vong.

Đến nay, đại dịch đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Các nước cũng ghi nhận 687.645 bệnh nhân COVID được điều trị khỏi bệnh, trong khi vẫn còn tới 57.254 người đang trong tình trạng nguy kịch và 1.685.255 đang phải điều trị tích cực.

Trong vòng 24h qua, Mỹ và Anh là hai quốc gia ghi nhận nhiều trường hợp tử vong nhất thế giới (lần lượt 2.660 và 828 ca). Số người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 tại châu Âu đã vượt quá 107.853, song châu lục này tiếp tục xu thế “hạ nhiệt” diễn biến dịch bệnh, số ca tử vong tại các điểm nóng như Italy, Tây Ban Nha hay Pháp tiếp đà giảm nhẹ những ngày qua.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng lặng tại London, Anh khi lệnh giãn cách xã hội được áp đặt nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 15/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Về tổng thể, Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới với 815.491 ca nhiễm và 45.174 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Tây Ban Nha với 204.178 ca nhiễm và 21.282 ca tử vong, Italy với 181.228 ca nhiễm và 24.114 ca tử vong, Pháp với 155.383 ca nhiễm và 20.265 ca tử vong và Đức với 147.593 ca nhiễm và 4.869 ca tử vong.

Một số quốc gia bắt đầu xem xét kế hoạch nới lỏng từng bước các biện pháp hạn chế được áp đặt trước đó nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan.

Tại Mỹ, “tâm dịch” New York trong vòng 1 ngày qua ghi nhận thêm 481 ca tử vong, tăng 3 ca so với mức tăng của ngày hôm trước, nâng tổng số ca tử vong của bang lên 14.828 người. Đó là số ca tử vong thấp nhất do dịch COVID-19 kể từ đầu tháng 4 đến nay ở bang này và tình hình tương tự cũng được ghi nhận tại 2 bang lân cận là New Jersey và Connecticut. Số ca tử vong tại bang New York đã giảm trong 5 ngày liên tục, với 478 ca được ghi nhận trong 24h qua, nâng tổng số ca tử vong tại bang này lên 14.347 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 6/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, trên bình diện liên bang, Mỹ đã chứng kiến ngày thứ 20 liên tiếp nước này ghi nhận có trên 1.500 ca tử vong mỗi ngày. Trong vòng 24h qua, Mỹ đã chứng kiến 2.660 người thiệt mạng và đây là một trong những ngày tang thương nhất của nước Mỹ kể từ khi dịch bệnh bùng phát tới nay.

Thống đốc bang New York, Andrew Cuomo cho rằng chỉ có xét nghiệm diện rộng mới có thể giúp bang New York nới lỏng được các lệnh hạn chế đang áp dụng hiện nay và mở cửa lại các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, hiện New York chưa thể tiến hành xét nghiệm rộng rãi bởi thiếu một số chất phản ứng cần có trong các bộ xét nghiệm và thống đốc Cuomo hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ nguồn cung chất này từ chính quyền liên bang.

Theo kết quả cuộc trưng cầu ý dân do trường Chính sách và Sức khỏe cộng đồng thuộc hệ thống đại học của thành phố New York tiến hành cuối tuần qua và công bố ngày 21/4, có 51% người dân New York muốn mở lại các hoạt động kinh tế vào cuối tháng 4 hoặc tháng 5, trong khi 49% người dân mong muốn đợi đến đầu tháng 6.

Cùng ngày, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật liên quan tới gói hỗ trợ trị giá hơn 480 tỷ USD nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ bị tổn thương do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 .

Trong gói hỗ trợ dành cho Chương trình bảo vệ tiền lương của Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ, 125 tỷ USD sẽ được gửi dành riêng cho các doanh nghiệp không gửi ngân hàng, những doanh nghiệp thiểu số, doanh nghiệp ở vùng nông thôn và cho tất cả các doanh nghiệp gia đình nhỏ cần sự giúp đỡ.

Thỏa thuận cũng bao gồm 25 tỷ USD dành cho xét nghiệm với 11 tỷ USD được chuyển cho các tiểu bang. Số tiền còn lại sẽ được trao cho các đơn vị khác, bao gồm các cơ quan liên bang, để đầu tư vào các công nghệ mới đầy triển vọng và phân phối cho các phòng thí nghiệm.

Tại Anh, Bộ Y tế Anh cho biết trong 1 ngày qua nước này đã ghi nhận thêm 828 ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên thành 17.337 người, tính tới 16h ngày 20/4 (giờ GMT, tức 23h giờ Hà Nội). Tổng số ca mắc COVID-19 tại Anh tính tới 6h sáng 22/4 (giờ GMT) đã lên tới 129.044 người.

Anh là quốc gia có số người tử vong vì dịch COVID-19 nhiều nhất châu Âu trong vòng 24h qua.

Ngày 21/4, Quốc hội Anh nhóm họp trở lại sau kỳ nghỉ Lễ Phục sinh kéo dài do các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Các nghị sỹ tham gia phiên họp được khuyến khích tham gia bằng hình thức trực tuyến.

Hiện Anh vẫn đang áp dụng phong tỏa toàn quốc, khuyến cáo người dân ở nhà, nhưng các nghị sỹ vẫn quyết định mở cửa Quốc hội trở lại. Các quy định giãn cách xã hội yêu cầu mọi người dân giữ khoảng cách tối thiểu 2m, đồng nghĩa sẽ chỉ có 50 trong tổng số 650 nghị sỹ được có mặt tại Hạ viện trong cùng một thời điểm. Do đó, các nghị sỹ được khuyến khích tham gia phiên họp thông qua ứng dụng họp trực tuyến Zoom.

Ngày 21/4, Người phát ngôn Bộ Tài chính Anh cho biết các doanh nghiệp nhỏ tại nước này đã nhận được 6,1 tỷ bảng Anh (7,5 tỷ USD) trong tổng số tiền 12 tỷ bảng Anh (14,7 tỷ USD) của quỹ hỗ trợ khẩn cấp giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19.

Ước tính cho đến nay, khoảng 500.000 công ty đã nhận được hỗ trợ. Kế hoạch này là một phần trong loạt biện pháp mà Chính phủ Anh công bố vào tháng trước nhằm giảm bớt tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế.

Cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết Thủ tướng Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí quốc tế cần phải phối hợp ứng phó với đại dịch COVID-19, bao gồm cả việc thông qua Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Tại Italy, số số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết trong ngày 21/4, nước này ghi nhận thêm 2.729 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 183.957 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong đã tăng lên 24.648 người (tăng 534 ca). Số ca hồi phục tăng lên 51.600 người (tăng 2.723 ca).

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Milan, Italy ngày 18/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong đó, tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 trong ngày là 107.709, giảm 528 bệnh nhân so với mức 108.237 trong ngày 20/4. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Italy ghi nhận số bệnh nhân mắc COVID-19 giảm, sau khi nước này lần đầu tiên ghi nhận số bệnh nhân giảm trong ngày 20/4. Bên cạnh đó, số ca phải điều trị tích cực cũng tiếp tục giảm 104 ca xuống còn 2.471 bệnh nhân.

Trên tài khoản mạng xã hội Facebook ngày 21/4, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết trước cuối tuần này, Rome sẽ công bố các kế hoạch từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa bắt đầu từ ngày 4/5 tới. Ông viết: "Tôi ước có thể nói rằng: hãy mở cửa trở lại mọi thứ. Ngay lập tức. Chúng ta bắt đầu từ sáng ngày mai (22/4)...Song sẽ là vô trách nhiệm khi đưa ra quyết định này. Điều này sẽ khiến tỷ lệ lây nhiễm đi lên theo cách không thể kiểm soát và sẽ phá hủy mọi nỗ lực mà chúng ta đã thực hiện cho tới nay". Ông nhấn mạnh việc nới lỏng các biện pháp hạn chế phải được thực hiện trên cơ sở một kế hoạch quốc gia mở cửa trở lại nền kinh tế, trong đó có tính tới các đặc điểm vùng miền.

Cùng ngày, Bộ Y tế Đan Mạch cũng cho biết nước này sẽ cho phép việc tụ tập công cộng lên tới 500 người từ ngày 10/5, tăng so với mức giới hạn 10 người trước đó. Quy định mới sẽ có hiệu lực đến ngày 1/9/2020.

Về phần mình, Pháp thông báo cấm tất cả các chuyến bay khởi hành từ bên ngoài khu vực Schengen.

Ở Đức, theo số liệu được Viện Robert Koch (RKI) công bố ngày 21/4, số ca mắc COVID-19 tại Đức đã tăng 1.785 ca lên 143.457 ca, đánh dấu mức giảm nhẹ số ca nhiễm sau 2 ngày giảm liên tiếp.

Chú thích ảnh
Lễ hội bia Oktoberfest được tổ chức ở Munich, Đức năm ngoái (ảnh trên) và công tác chuẩn bị cho lễ hội ngày 16/9/2016 (ảnh dưới), trước khi có quyết định hủy bỏ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo RKI, tính riêng trong ngày 20/4, Đức đã ghi nhận thêm 1.755 ca mắc, trong khi số ca tử vong do dịch bệnh này tăng 194 ca lên 4.598 ca.

Giới chức bang Bayern đã chính thức quyết định hủy Lễ hội bia tháng 10 (Oktoberfest), lễ hội bia truyền thống lớn nhất thế giới ở Đức, để phòng ngừa các nguy cơ từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Sau nhiều tuần áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, từ ngày 20/4/2020, Đức bắt đầu nới lỏng một số hạn chế để dần đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Cụ thể, cho phép mở lại các cửa hàng có diện tích không quá 800 m2, ngoại trừ các cửa hàng bán ô tô, xe đạp và nhà sách được phép mở cửa mà không phải xét đến diện tích (quy định này mỗi bang sẽ có những điều chỉnh khác nhau về diện tích và thời điểm được mở cửa trở lại). Thứ hai, một số trường học bắt đầu mở cửa trở lại, bắt đầu với những lớp phải thi tốt nghiệp hoặc chuyển cấp. Thứ ba, tiếp tục hạn chế ra đường; cấm gặp gỡ, tiếp xúc trên hai người ở nơi công cộng (trừ những người là thành viên gia đình) và giữ khoảng cách từng người tối thiểu 1,5m – quy định này sẽ được kéo dài tới ngày 3/5.

Trước diễn biến dịch phức tạp, tiếp tục có thêm nhiều bang ở Đức quy định đeo khẩu trang bắt buộc khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và vào các cửa hàng. Trước đó, Chính phủ liên bang và các bang đã nhất trí ra "khuyến cáo khẩn thiết" việc đeo khẩu trang, dù không quy định bắt buộc, song một số bang và thành phố đã luật hóa quy định này.

Tại Nga, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Nga cho biết tính đến trưa 21/4, nước này ghi nhận thêm 5.642 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 trong vòng 24 giờ qua tại 78 chủ thể liên bang, đưa tổng số mắc COVID-19 lên 52.763 trường hợp tại toàn bộ 85 chủ thể liên bang, tăng 12% so với ngày trước đó.

Chú thích ảnh
 Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 12/4/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong vòng 24 giờ qua đã có thêm 51 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại nước này lên 456. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 427 trường hợp hồi phục, đưa tổng số người bình phục lên 3.873.

Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số người nhiễm virus trong 1 ngày nhiều nhất với 3.083 trường hợp, đưa tổng số ca nhiễm ở thủ đô lên 29.433 người. Trong vòng 24 giờ qua, tại thủ đô Moskva có 29 người tử vong do mắc COVID-19, đưa tổng số người tử vong lên 233, và 219 người khỏi bệnh, đưa tổng số bệnh nhân bình phục lên 2.057. Các địa phương khác có số người nhiễm virus corona cao trong ngày gồm tỉnh Moskva - 718 trường hợp, thàn

Cũng trong ngày 21/4, Bộ Y tế Ukraine thông báo tính đến 9h sáng cùng ngày, nước này đã ghi nhận thêm 415 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 6.125 trường hợp. Tổng cộng đã có 161 người tử vong do mắc COVID-19 ở Ukraine, trong khi 367 người nhiễm đã bình phục.

Theo số liệu của Bộ Y tế Tây Ban Nha cho thấy, nước này đã chứng kiến sự tăng nhẹ về số ca tử vong do dịch COVID-19 khi ghi nhận 430 bệnh nhân tử vong trong 24 giờ đồng hồ qua.

Tính tới sáng 22/4, có 21.282 người tử vong ở Tây Ban Nga vì đại dịch COVID-19, qua đó biến nước này thành quốc gia nhiều người thiệt mạng vì đại dịch thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Italy.

Trong ngày, Tây Ban Nha cũng ghi nhận thêm 3.968 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 204.178 người. Tuy nhiên, về tổng thể, xu thế dịch đang thuyên giảm tại quốc gia nằm trên bán đảo Iberia này trong 1 tuần trở lại đây.

Tại Bồ Đào Nha, Văn phòng Thị trưởng thành phố Lisbon, Bồ Đào Nha, cho biết 138 trong tổng số 180 người tị nạn đang cư trú tại một nhà trọ ở thủ đô Lisbon đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo truyền thông Bồ Đào Nha, các trường hợp trên đều đang được cách ly.

Hiện nước này có 21.379 trường hợp COVID-19 và 762 ca tử vong.

Ngày 21/4, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz thông báo sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vào ngày 15/5 tới, qua đó cho phép các nhà hàng, quán cà phê mở cửa và các dịch vụ tôn giáo được nối lại hoạt động.

Cách đây một tuần, Áo đã bắt đầu nới lỏng một số biện pháp, khi cho phép các trung tâm cây trồng, các cửa hàng có diện tích dưới 400m2 được phép mở lại. Các trung tâm mua sắm, cửa hàng lớn hơn và hiệu cắt tóc sẽ được mở cửa từ ngày 1/5 tới.

Tính tới sáng 22/4, Áo đã ghi nhận 14.873 trường hợp mắc COVID-19 và 491 ca tử vong.

Quốc gia nằm trên lục địa Á-Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, trong 24h qua chứng kiến dịch bệnh COVID-19 leo thang nhanh. Nước này ghi nhận 119 ca tử vong mới, nâng tổng số người thiệt mạng lên 2.259. Hết ngày 21/4, Thổ Nhĩ Kỳ có tổng cộng 95.591 người mắc COVID-19, tăng 4.611 ca so với một ngày trước đó.

Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ban bố lệnh phong tỏa trong 4 ngày. Tổng thống Erdogan cho biết lệnh phong tỏa trên sẽ được triển khai tại 31 tỉnh kể từ 0h ngày 23/4 đến 24h ngày 26/4, do trong khoảng thời gian này có sự kiện Ngày Chủ quyền quốc gia và Ngày Trẻ em 23/4.

Dịch bệnh cũng tiếp tục diễn biến phức tạp tại khu vực châu Mỹ. Tại Nam Mỹ, tổng số ca tử vong đã lên tới 4.300, trong khi số người mắc COVID-19 tăng lên 90.964 trường hợp.

Ở Argentina, chính phủ nước này xác nhận sẽ mở rộng gói hỗ trợ kinh tế lên tới 850 tỷ peso (khoảng 13 tỷ USD), nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tới 6h sáng 22/4, Argentina ghi nhận 3.031 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 147 trường hợp tử vong, tăng 5 ca so với một ngày trước.

Trong khi đó, Chính phủ Chile cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ khẩn cấp các gia đình nghèo. Biện pháp này dự kiến sẽ kéo dài trong 3 tháng và số tiền mỗi hộ gia đình nhận được sẽ phụ thuộc vào quy mô và tình hình kinh tế của họ.

Tại Peru, chính phủ tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện biện pháp giãn cách xã hội sau khi tình trạng khẩn cấp quốc gia được ban bố kết thúc vào ngày 26/4 tới.

Tại châu Á, đại dịch COVID-19 tiếp tục xu thế hạ nhiệt. Trong ngày 21/4, Nhật Bản có 25 ca tử vong mới, ngày có số người tử vong cao nhất ở nước này. Như vậy, Nhật Bản đã có tổng cộng 276 ca tử vong, trong đó có 13 người trên du thuyền Diamond Princess đang neo tại cảng Yokohama giáp thủ đô Tokyo.

Các số liệu thống kê chính thức của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho thấy tỷ lệ tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này là 1,6% và những người ở trong độ tuổi 40 và 50 chiếm tới 1/3 trong tổng số những người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại Hàn Quốc, Hàn Quốc ngày thứ hai ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở mức dưới 10 người, với tỷ lệ khỏi bệnh đạt trên 75%.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc ngày 3/4/2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Số liệu thống kê của Cơ quan Quản lý và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) công bố sáng 21/4 cho biết tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này tăng thêm 9 ca lên 10.683 ca. Số ca tử vong tăng thêm 1 ca lên 237 ca. Cũng theo KCDC, đã có thêm 99 bệnh nhân COVID-19 ở Hàn Quốc hồi phục hoàn toàn, nâng tổng số ca được chữa khỏi lên 8.213 ca.

Cơ quan công tố Hàn Quốc ngày 21/4 cho biết đã truy tố 10 người vi phạm quy định tự cách ly. Ngoài ra, cơ quan công tố và cảnh sát cũng đang điều tra hai người đàn ông đang bị tạm giam với các cáo buộc vi phạm tương tự.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, chính quyền Đặc khu Hong Kong tuyên bố sẽ kéo dài các biện pháp hạn chế xã hội thêm 14 ngày để đối phó với dịch COVID-19.

Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc ngày 21/4 thông báo, tính đến ngày 20/4, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 11 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, ít hơn so với 12 ca của một ngày trước đó, và không ghi nhận thêm ca tử vong nào. Tới sáng 22/4, Trung Quốc có tổng cộng 82.758 ca COVID-19 và 4.632 ca tử vong.

Hết ngày 19/4, khu vực Đông Nam Á đã có tổng cộng 31.843 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.705 trường hợp mới mắc bệnh. Virus SARS-CoV-2 cũng đã khiến 1.210 người dân ở khu vực này thiệt mạng, tăng 39 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 8.204 trường hợp.

Trong vòng 24h qua, Singapore tiếp tục có số ca mắc COVID-19 mới nhiều nhất khu vực trong ngày thứ 9 liên tiếp (1.111 người), tiếp tục là nước thành viên ASEAN có nhiều ca COVID-19 nhất. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại Singapore với số ca nhiễm mới tiếp tục trên 1.000 ca mỗi ngày, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện cách ly xã hội thêm 4 tuần, tới ngày 1/6, mặc dù thời hạn cách ly xã hội còn 2 tuần nữa mới chấm dứt.

Tại châu Phi, Bộ Y tế Ai Cập ngày 20/4 xác nhận có thêm 189 ca nhiễm mới và 11 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 3.333 ca và 250 ca. Đây là ngày ghi nhận các ca mắc bệnh COVID-19 cao kỷ lục tại Ai Cập.

Tại Nam Phi, Bộ Y tế cho biết đã có 3.300 ca nhiễm tại nước này sau khi ghi nhận thêm 142 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Đây cũng là ngày có số ca nhiễm mới cao thứ 3 kể từ khi Nam Phi thông báo trường hợp đầu tiên vào ngày 5/3.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã công bố gói hỗ trợ tài chính trị giá 500 tỷ Rand (tương đương 26 tỷ USD) nhằm giúp giảm thiểu thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế cũng như đời sống người dân tại quốc gia phát triển nhất châu Phi.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 21/4/2020 cảnh báo rằng bất kỳ quyết định dỡ bỏ tình trạng phong tỏa vốn được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, phải thực hiện dần dần và nếu những hạn chế được dỡ bỏ quá sớm sẽ dẫn tới làn sóng tái bùng phát dịch bệnh.

Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, ông Takeshi Kasai nhận định những biện pháp phong tỏa đang chứng minh hiệu quả và người dân phải sẵn sàng thích nghi một lối sống mới để xã hội tiếp tục hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang được kiểm soát.

Theo Báo Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm