Không HLV, Djokovic phải làm gì để trở lại đỉnh cao?

09/05/2017 06:30 GMT+7 | Tennis

(lienminhbng.org) - Novak Djokovic đã gây ra một cơn sốc cho làng banh nỉ thế giới hôm thứ Sáu vừa qua bằng việc thông báo chia tay vị HLV lâu năm Marian Vajda. Ngoài ra, anh cũng ngừng làm việc với HLV thể lực Gebhard Phil Gritsch và bác sĩ vật lý trị liệu Mijan Amanovic. Bây giờ, anh sẽ phải làm gì để trở lại? Bắt đầu từ Madrid Masters...

Bữa tiệc nào cũng đến hồi chia ly

Đồng loạt “sa thải” những người “cận vệ” thân tín của mình, mục đích của Djokovic tất nhiên là để thay đổi tình hình hiện tại, lấy lại phong độ và vị thế của một cựu số 1 thế giới. Nhưng điều này sẽ đưa anh tới đâu, thành công hay càng sa sút hơn? Không ai rõ, dù bản thân Djokovic đã viết lên trang web cá nhân của mình rằng: “Tôi muốn tìm lại vinh quang lần nữa”.

Chỉ mới chưa đầy 1 năm trước, Djokovic vẫn đang trên đỉnh thế giới và những người hâm mộ anh thì chắc mẩm rằng họ đang được sống trong kỷ nguyên của tay vợt vĩ đại nhất mọi thời đại. Tại thời điểm đó, tay vợt người Serbia vừa vô địch 5 trong số 6 giải Grand Slam gần nhất, hoàn thành bộ sưu tập cả 4 danh hiệu cao quý này sau khi lên ngôi ở Roland Garros. Ở tuổi 30, Djokovic có trong tay 12 danh hiệu Grand Slam và không cho thấy dấu hiệu dừng lại. Con số 17 của Roger Federer có vẻ như trong tầm ngắm.

Thế rồi, một cách không thể lí giải nổi, Djokovic bỗng dưng trượt dần. Tất nhiên là anh vẫn chiến thắng, nhưng những danh hiệu bắt đầu ít dần. Nole thua trước Sam Querrey ở vòng 3 Wimbledon và sau khi vô địch tại Toronto thì anh lại để thua Juan Martin del Potro tại Thế vận hội mùa Hè ở Rio de Janeiro. Tới US Open, Djokovic vào tới chung kết nhờ 2 đối thủ xin rút lui và một chiến thắng dễ dàng nhưng phải chịu gác vợt trước Stan Wawrinka ở bậc thang cuối cùng. Tiếp sau đó, Nole thua ở Thượng Hải và Paris để rồi mất ngôi số 1 thế giới vào tay Andy Murray.

Novak Djokovic sa thải toàn bộ ban huấn luyện là do 'hoang mang'?

Novak Djokovic sa thải toàn bộ ban huấn luyện là do 'hoang mang'?

Khi một tay vợt sa thải toàn bộ đội ngũ HLV, hoặc anh ta quá tự tin về việc một mình đối phó với những khó khăn trước mắt, hoặc quá thất vọng đến nỗi phải dùng đến liệu pháp sốc. Novak Djokovic có lẽ rơi vào trường hợp thứ hai.

Mất tinh thần là mất hết

Từng thừa nhận rằng mình mất đi tinh thần quyết chiến, mất đi động lực thi đấu, Djokovic vẫn đang miệt mài trong bài toán tìm kiếm đường trở lại. Những tin đồn về đời sống cá nhân vẫn ở ngoài kia nhưng chẳng ai trong chúng ta thực sự biết những gì Djokovic phải trải qua trừ chính anh ấy.

Hợp đồng 3 năm của Djokovic với huấn luyện viên Boris Becker cũng đã dừng lại, mang lại một năm 2016 đã bắt đầu ở một mức cao tuyệt vời và kết thúc ở mức thấp đáng sợ và không rõ ràng.

Bắt đầu mùa giải 2017 với tư cách tay vợt số 2 thế giới, Djokovic xuất hiện trở lại với phong độ có vẻ như tốt hơn. Anh giành danh hiệu ở Doha - chức vô địch thứ 2 kể từ khi vô địch Roland Garros năm ngoái. Nhưng sau giải đấu đó, Djokovic lại thể hiện trạng thái của nửa cuối năm 2016 bằng việc chấn thương ở vòng 2 Australian Open, để thua Denis Istomin hạng 117 thế giới còn Federer thì lập nên kỳ tích khi giành Grand Slam thứ 17 trong sự nghiệp. Liệu người hâm mộ có còn nhớ một Djokovic có thể liên tiếp vô địch các giải đấu lớn để “đe dọa” con số 16 trước đó của Federer? Kể từ Australian Open cho đến đầu tháng 5 này, Djokovic hết thua Nick Kyrgios tới 2 lần rồi lại thua David Goffin ở Monte Carlo. Có lẽ đó là giọt nước tràn ly giải thích cho những quyết định thay đổi nhân sự bất ngờ của Djoker.

Djokovic gọi đây là “chương mới trong cuộc đời” anh. Hy vọng nó mới theo nghĩa tích cực bởi ở Djokovic mới 30 tuổi, vẫn còn rất nhiều thời gian để chinh phục những đỉnh cao khác.

Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm