Làng bóng Việt trong “cơn sốt” Facebook

27/10/2010 13:06 GMT+7 | Thế giới Sao

(TT&VH) - Trào lưu sử dụng mạng xã hội Facebook đang lan tỏa và ăn rễ sâu vào khắp chốn công sở, trường học… đã “tấn công” vào cả làng bóng Việt Nam với quy mô rộng lớn…

Internet giờ đây là cái kho vô tận thâu tóm cả thế giới chỉ trong vài cái click chuột và Facebook là một trong những công cụ điển hình giúp con người thực hiện điều đó. Nói một cách tổng quát, tính thu hút của Facebook là khả năng liên kết và chia sẻ với cộng đồng nhanh chóng và tích hợp cả khả năng giải trí trực tuyến.

Chính vì vậy kể từ khi chính thức ra đời vào năm 2006, mạng xã hội này đã trở thành một hiện tượng, và ngày nay hầu hết các nhân vật nổi tiếng trên thế giới đều có một trang riêng cho mình từ Barack Obama, Bill Gates, Lady Gaga… đến David Beckham, Cristiano Ronaldo…

“Tiên phong” Calisto

Tính trong làng bóng Việt, có lẽ người dùng Facebook sớm nhất phải kể đến HLV Calisto. Từ nhiều năm nay, nhà cầm quân này đã sử dụng Facebook để liên kết với bạn bè, gia đình ở Bồ Đào Nha hay nhiều nơi trên thế giới, bởi không như người Việt chỉ quen sử dụng Yahoo! 360°, người châu Âu đã gắn bó với Facebook từ lâu. Thế nên, chỉ đến khi trào lưu Facebook xâm nhập vào Việt Nam thì trang mạng xã hội của HLV Calisto mới được nhiều người biết đến rộng rãi. Hiện thời danh sách bạn bè của HLV Calisto đã có hơn 1.400 người và vẫn đang tăng lên nhanh chóng, trong số đó ngoài bạn bè, người thân, cánh phóng viên Việt Nam thì có không ít là những người hâm mộ bóng đá Việt Nam.


Facebook của HLV Calisto

Cũng giống như HLV Calisto, các cầu thủ ngoại như Lee Nguyễn hay Eduardo cũng đã sử dụng Facebook từ khá lâu. Trong khi đó, phần lớn các cầu thủ Việt Nam chỉ biết đến và sử dụng Facebook khi xuất hiện trào lưu sử dụng mạng xã hội này thay thế cho Yahoo! 360° bị đóng cửa.

Tuy nhiên, rất nhiều người trong số họ đã nghiên cứu rất nhanh, chịu khó chăm chút cho trang mạng của mình và gắn bó đến mức thường xuyên như Văn Quyến, Nguyễn Ngọc Anh, Đinh Thanh Trung hay Danh Ngọc. Cũng như đa số những người sử dụng Facebook khác, các cầu thủ chủ yếu sử dụng mạng xã hội này để giao lưu, chat và tìm hiểu thông tin về bạn bè chứ ít khi viết lách tâm sự như blog.

Cầu nối chuyển tải cảm xúc

Ngoài ra, Facebook còn là kênh liên lạc quan trọng giúp các cầu thủ trao đổi với những người hâm mộ nhanh chóng và tiện lợi. Chỉ cần lướt qua dòng trạng thái (status) là có thể biết được các cầu thủ đang nghĩ gì hay muốn nhắn nhủ điều gì. Điển hình như mới đây Văn Quyến đã để lại một tâm sự khá cảm động: “Đang khám chấn thương định kỳ tại bác sĩ ĐT (Hà Nội) và hòa cùng không khí tập luyện của ĐT. Nhớ trái bóng quá!”. Và ngay lập tức “thằng béo” đã nhận được hàng chục lời chia sẻ từ những người hâm mộ.

Hay đó chỉ là những tiếc nuối nho nhỏ của các tuyển thủ vì những ngày nghỉ giữa đợt tập trung quá ngắn ngủi như hậu vệ Trọng Nghĩa (XM.HP) đã viết: “Thế là đã hết đợt nghỉ, tối nay lại lên trại tập trung tiếp rồi…”, hay tiền vệ Quý Sửu (HA.GL) than thở: “Chỉ còn ít ngày nữa là tập trung trở lại rồi…” Nhưng có lẽ ý nghĩa hơn cả là những động thái kêu gọi mọi người ủng hộ đồng bào miền Trung vừa phải trải qua đợt lũ lụt lịch sử thông qua Facebook của Đinh Thanh Trung hay Minh Châu trong thời gian gần đây.

Cũng có khá nhiều trường hợp, các cầu thủ chỉ sử dụng Facebook như một phương tiện giải trí ; đặc biệt là để chơi game. Một tiết lộ từ giới cầu thủ cho hay, trò Farm Ville (một trò chơi cho phép người chơi gây dựng một nông trại ảo) được nhiều cầu thủ yêu thích và chơi nhiều nhất. Điển hình trong số này phải kể đến tiền vệ Trọng Hoàng của SLNA, cầu thủ lập Facebook với mục đích duy nhất là… game.

Những người nói không với Facebook

Dù vậy, cũng có các cầu thủ chỉ dành thời gian rất hạn chế cho Facebook như Ngọc Duy của Hà Nội T&T. “Sau khi Yahoo! 360° đóng cửa, tôi đã chuyển sang sử dụng Facebook ngay. Quả thật Facebook rất tiện lợi để liên kết với mọi người nhưng vì bận việc tập luyện và gia đình nên tôi cũng không có thời gian lên mạng nhiều. Do vậy, chỉ thỉnh thoảng tôi mới vào Facebook để cập nhật thông tin về bạn bè nhưng cũng không đưa thông tin nào lên đó cả.”, tiền vệ này thừa nhận.

Cũng không hiếm những trường hợp như Thành Lương hoàn toàn nói “không” với trang mạng xã hội này. Thành Lương bộc bạch: “Được bạn bè chỉ dẫn nên tôi cũng đã thử lập một trang Facebook nhưng quả thật là tôi không biết cách sử dụng và thấy cũng không hấp dẫn nên đã không động tới nữa. Nếu chỉ để liên lạc với bạn bè thì tôi thích sử dụng điện thoại hơn, vì đó là cách đến với nhau trực tiếp và tiện lợi nhất”.

Còn đối với những người hâm mộ bóng đá Việt Nam, Facebook là một nhịp cầu khá hoàn hảo để kết nối niềm đam mê, sở thích chung. Chính vì thế, trên Facebook có không biết những cơ man Hội những người hâm mộ một đội bóng hay một cầu thủ nào đó. Không chỉ vậy, với tính năng lập nhóm tiện lợi của mình, Facebook cũng thường xuyên trở thành diễn đàn cho những vấn đề thời sự rất nóng của làng bóng Việt thông qua những nhóm người dùng khá ngộ nghĩnh như: “Hội những người ủng hộ quyết định giải nghệ của Công Vinh” hay “Hội phản đối cách xử tội của Ban kỷ luật VFF”…

Xét cho cùng, dẫu cho các nhà xã hội học vẫn thường đưa ra những phán xét trái ngược nhau, trên thực tế, những “công cụ ảo” như Facebook lại đang giúp ích rất nhiều cho việc mở rộng thế giới thật. Cho dù để kết nối, giải trí hay chia sẻ thì làng bóng Việt vẫn đang gắn chặt với Facebook, hòa cùng trào lưu chung của những người sử dụng Internet tại Việt Nam.

Hiển Nam

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm