Vài chuyện chệch choạc tiếng Việt

06/08/2014 07:50 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Lâu lâu lại thấy cần nói về chuyện dùng tiếng Việt ra sao, của người thời nay, nhất là của giới trẻ, và về những chệch choạc cần báo động...

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng nhiều nhà báo trẻ mắc bệnh máy móc trong tư duy ngôn ngữ nên việc dùng sai từ xảy ra tràn lan. Thể thao & Văn hóa giới thiệu bài viết của ông về vấn đề này.

Đâu đâu cũng "đến từ"...

Chừng giữa năm ngoái, trên báo Văn Nghệ của Hội nhà văn VN có một bài dài phê phán quyết liệt xu hướng lạm dụng từ “đến từ”. Có vẻ như giới nhà báo trẻ hiện nay rất dễ mắc bệnh máy móc trong tư duy ngôn ngữ: cứ một từ, một thuật ngữ nào đó được ai đó đưa ra, thế là “cả làng” đua nhau xài lại, lắp ráp nhất loạt vào câu viết, bất chấp ngữ cảnh cụ thể có dùng được hay không.

Tại các giao tiếp công cộng, ví dụ trò chơi truyền hình, khi một ai đó xuất hiện, người dẫn chương trình có thể nêu họ tên người đó cùng với “đến từ” để nêu địa chỉ (cơ quan, địa phương…) hoặc để có vài nét về nhân thân người đó (yêu cầu tự giới thiệu, tự nói vài câu về mình). Trong chừng mực đó, dùng “đến từ” là hợp lý, bởi “đến từ” được đặt trong không gian giao tiếp cụ thể, ví dụ không gian một trò chơi; nói người kia “đến từ” (Thanh Hóa, Hà Nội) tức là nói người kia từ địa chỉ ấy (Thanh Hóa, Hà Nội) đến với hoạt động giao tiếp này, không gian trò chơi này.

Nhưng đi quá giới hạn ấy, dùng “đến từ” tràn lan sẽ rất dễ trở nên quá lố.


Một số MC dẫn về thời tiết mắc lỗi dùng từ “với cả” (Ảnh có tính chất minh họa)

Chẳng hạn, có bạn định nhắc tên một nhà văn nước ngoài trong bài luận của mình, cũng xài “đến từ” để liền đó ghi tên nước xuất xứ nhà văn ấy, chẳng hạn: “nhà văn Owen đến từ nước Anh”, “nhà văn L. Tolstoi đến từ nước Nga”, cứ nghĩ thế là ổn, không biết như thế là viết sai. Vì sao? Vì các tên tuổi kia (Owen, L. Tolstoi) đã là người thiên cổ, không thể “đến” bất cứ đâu cả. Ngay khi bạn nhắc tên một nhà văn nước ngoài đang còn sống, cũng không thể nói người ấy “đến từ” nếu người ấy quả thật không “đến” đây! Vì tuy có thể nói người ấy là từ nước Anh, từ nước Nga…, nhưng câu bạn viết vẫn quá lố, vì người ấy không hề “đến” Việt Nam! Chẳng qua người ấy chỉ “đến” với bài của bạn mà thôi!

Hẳn bạn sẽ lý sự rằng thực ra bạn chỉ phỏng theo lối dùng từ from của tiếng Anh mà thôi. Nhưng bạn hãy nhớ: from là một giới từ, mà giới từ là hư từ chứ không phải thực từ. Trong khi đó, “đến từ” là một cụm từ của tiếng Việt; hai thành phần “đến từ” thì chỉ có từ là giới từ, tức là hư từ mà thôi, còn đến thì đương nhiên là một thực từ, là động từ hẳn hoi. Đến là cả một hành động, không có hành động thật mà dùng đến để áp vào mô tả thì tức là quá lố rồi!       

Từ “rất chi là... ” đến “với cả...”

Từ những năm 1990 trở lại đây, các loại hình truyền thông đại chúng phát triển đã làm phát triển trở lại các dạng giao tiếp nghe-nói, nghe-nhìn. Nếu trong báo viết, người ta rất kỵ dùng khẩu ngữ (vì nó phi chuẩn mực) thì trong các loại truyền thông nghe-nhìn, khẩu ngữ lại có cơ tái xuất. Các loại truyền hình trực tiếp, phát thanh trực tiếp, nhất là khi có phỏng vấn công chúng, lại là môi trường dung dưỡng khẩu ngữ. Lẽ ra nên nêu quy tắc: nếu có khẩu ngữ thì chỉ chấp nhận nó ở phía công chúng thôi, còn các nhà báo chuyên nghiệp, các MC (người dẫn chương trình) thì không được lạm dụng khẩu ngữ. Vì sao? Vì truyền thông tức là lây lan. Làm lây lan những dạng nói năng phi chuẩn mực vào công chúng, sẽ dẫn tới những phá hoại khó lường hết đối với các chuẩn mực, cả nói lẫn viết.  

Tuy vậy, hiện đang thấy một số khẩu ngữ bị nhà báo truyền hình lạm dụng. Một số MC để công chúng hồn nhiên nói “rất chi là”, quên mất rằng lẽ ra nên thu gọn vào dạng chuẩn “rất là”. Bởi nếu không sửa, nó sẽ từ văn nói đi vào văn viết, câu văn sẽ thêm rườm rà, vô ích.

Gần đây, “với cả” đã từ miệng một số MC dẫn về thời tiết, lây lan sang các MC khác, kể cả các MC dẫn các chương trình thời sự.

Từ “cả” này vốn chỉ là một hư từ, một tiếng đệm. Ai từ nơi xa mới đến Hà Nội, sẽ thấy khá lạ tai khi nghe dân cư ở đây, chủ yếu là cư dân ngoại thành, thường nói “mí cả … mí cả”! Chính là “với cả” đó! Nghĩa của nó chỉ là “và”, tức là  nói thêm, “mua rau mí cả mua thịt”, “ăn cơm mí cả ăn cá”, v.v…; người dân vùng quanh Hà Nội dường như coi “và” là từ … sách vở, nên họ tránh dùng, họ thay bằng “mí cả”, “với cả”… Điều đáng lạ là từ “với cả” này lây nhiễm hầu khắp những người nói giọng Bắc! Có thể các MC truyền hình đã lầm tưởng rằng “với cả” là dạng nói chuẩn (!?) của vùng Hà Nội, họ bèn lạm dụng, đem dùng phổ cập khi dẫn chương trình truyền hình. Thật ra, chỉ “với” là đủ rồi, sau “với” là các cụm từ liên quan, đừng nên “với cả”! Đó là sự lạm dụng khẩu ngữ không cần thiết.

Từ “diễn ra” cái gì, đến cái gì “diễn ra”…

Trong chuyện đưa tin sự việc, nhà báo Việt xưa nay thường dùng từ “diễn ra” theo lối đặt nó trước các sự việc, sự kiện. Nhà báo Việt hiện tại đang làm ngược lại: họ kể tên các sự việc, sự kiện rồi mới đến từ “diễn ra”; họ còn dùng một dạng rất khó chấp nhận là “được diễn ra”!

Cần biết là trong thông tin sự kiện, sau khi nêu địa điểm (ở đâu?), thời gian (bao giờ?) thì phải kể sự việc, sự kiện (cái gì?), và các nội dung khác. Một dòng thông tin, giống như một câu kể, mỗi đoạn lời đưa ra là một phần của mệnh đề thông tin. Nhà báo Việt lâu nay thường viết theo thứ tự: ở đâu (địa điểm), bao giờ (thời gian) rồi đến từ diễn ra (động từ có chức năng khẳng định sự thông báo), rồi đến nội dung sự kiện. Đây là cách đưa ra dần dần một thông tin từ sơ bộ đến hoàn chỉnh. Nhà báo hiện tại thường viết (hoặc nói) theo thứ tự ngược lại: ở đâu (địa điểm), bao giờ (thời gian), rồi đến nội dung sự kiện, rồi mới đến từ diễn ra. Theo cách này, từ “diễn ra” xuất hiện ở cuối trở nên nhạt nhẽo đến mức vô ích, hoặc vô duyên, có cũng được, không cũng được! Đã kể sự việc ra rồi thì thêm “diễn ra” ở sau là thừa!?

Không tin, các bạn thử nghiệm xem ý vị một câu theo kiểu cũ và theo kiểu mới:

- Hôm qua tại sân Hàng Đẫy đã diễn ra trận đấu giữa T&T với Becamex.

- Hôm qua tại sân Hàng Đẫy, trận đấu giữa T&T với Becamex đã diễn ra.

“Diễn ra” (hoặc “xảy ra”) vốn để chỉ một hành động; hành động thì chỉ có thể ở các dạng đã, đang, hoặc sẽ, chứ không thể ở dạng “được” hay “bị”! Nếu muốn đề cập phương diện “được” hay “bị”, bạn phải tiếp cận sự kiện ở phía các chủ thể làm ra sự kiện, tức là sự kiện được “tổ chức”, “tiến hành”. Và đó là một góc nhìn khác, không phải góc nhìn để ghi nhận có cái gì đó “diễn ra”!

Lại Nguyên Ân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm