09/01/2015 06:44 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Việc tạp chí trào phúng Charlie Hebdo in tranh biếm họa Nhà tiên tri Mohammed có khả năng là lý do dẫn tới cuộc thảm sát làm 12 người chết tại tòa soạn tạp chí này. Câu hỏi đặt ra là vì sao người Hồi giáo lại phẫn nộ tới vậy, khi có ai đó động đến hình ảnh Nhà tiên tri Mohammed?
Theo hãng tin CNN, việc cấm sử dụng hình ảnh Mohammed bắt nguồn từ nỗ lực nhằm chống lại tình trạng thần tượng hóa nhà tiên tri này. Đây là lối nghĩ đã thấm sâu trong tư tưởng của người Hồi giáo.
Không muốn Mohammed được sùng bái như Thượng đế
Có một nguyên lý cơ bản trong tôn giáo này: Mohammed là một người đưa tin, với nhiệm vụ truyền đạt lại những lời dạy của Thượng đế cho loài người. Việc mô tả hình ảnh ông có thể dẫn đến việc tín đồ tôn sùng ông, thay vì Allah.
"Tất cả đều bắt nguồn từ quan niệm về việc sùng bái thần tượng" - Akbar Ahmed, chủ tịch bộ phận nghiên cứu Hồi giáo tại Đại học Mỹ cho biết - "Trong thế giới Hồi giáo, ý niệm rằng Thượng đế chống lại việc mô tả gương mặt Ngài hay bất kỳ nhân vật thiêng liêng nào khác là rất mạnh mẽ"
Trên một vài khía cạnh, quan niệm trong Hồi giáo trái ngược với Thiên chúa giáo. Người Hồi giáo tin rằng các tín đồ của đạo Thiên chúa đã "lầm đường lạc lối", vì cho rằng Chúa Jesus không phải là một con người bình thường mà chính là Thượng đế. Họ không muốn điều tương tự sẽ xảy ra với Mohammed.
"Tự nhà tiên tri cũng nhận thức rằng nếu mọi người nhìn thấy hình ảnh gương mặt của ông, họ sẽ tiến hành thờ cúng ông" - Ahmed nói - "Vì vậy, bản thân ông đã có các tuyên bố chống lại việc vẽ hình ảnh gương mặt của mình. Ông từng nói rằng: "Tôi chỉ là một con người”’.
Dù vậy, có một sự mỉa mai cay đắng là những cuộc tấn công bạo lực nhằm phản đối việc vẽ hình ảnh gương mặt Nhà tiên tri, đã xảy ra ngay cả khi chẳng có hình ảnh gương mặt cụ thể nào xuất hiện. Ví dụ vào tháng 11/2011, văn phòng của Charlie Hebdo đã bị đốt cháy ngay trong ngày tạp chí này vừa phát hành số báo với trang bìa là tranh biếm họa về luật Hồi giáo. Bức tranh mô tả hình ảnh nhà tiên tri Mohammed để râu và đội khăn xếp như một nhân vật hoạt hình, đang nói câu: "Phạt 100 roi nếu bạn không chết vì cười."
Mức độ cấm đoán thay đổi tùy theo khu vực
Trong mắt nhiều người Hồi giáo, việc mô tả hình ảnh Nhà tiên tri Mohammed chưa bao giờ là chuyện đáng cười. "Tại châu Âu, nơi người Hồi giáo ở nhiều quốc gia cảm thấy bị chèn ép, các bức tranh biếm họa (vẽ Nhà tiên tri) sẽ bị xem như một dạng bắt nạt. Bạo lực xảy ra như một phản ứng dễ đoán, dù rõ ràng phản ứng ấy sai trái và không đáng"- Hussein Rashid, giáo sư về Hồi giáo tại Đại học Hofstra ở New York, cho biết.
Mohamed Magid, một lãnh tụ Hồi giáo, đồng thời là cựu Giám đốc Hiệp hội Hồi giáo Bắc Mỹ, cho biết tín đồ Hồi giáo còn cấm miêu tả Chúa Jesus và Moses. Họ xem các nhân vật này cũng chỉ là nhà tiên tri như Mohammed, không phải thần thánh. Một số quốc gia Hồi giáo cấm chiếu phim Noah và Exodus trong năm qua, cũng chỉ vì cả 2 phim đều mô tả những nhân vật được tôn giáo này xem là nhà tiên tri.
Tại các nhà thờ Hồi giáo Sunni, nhánh lớn nhất của tôn giáo này, các bức tường trong thánh đường không hề treo bất kỳ hình ảnh của thánh thần nào. Thường trên tường chỉ có các câu chép từ Kinh Koran. "Hoạt động thờ phụng tranh và ảnh đều bị cấm" - Magid nói.
Nhưng theo Omid Safi, một giáo sư nghiên cứu tôn giáo tại Đại học Duke, trong lịch sử vẫn có những trường hợp Nhà tiên tri Mohammed được mô tả qua hình ảnh. "Chúng tôi đã thấy hình ảnh của Nhà tiên tri ở Iran, Thổ Nhĩ Kỳ" - Safi, tác giả của cuốn sách Memories of Mohammed bày tỏ.
"Chỉ ở khu vực Arab người ta mới cấm mô tả Nhà tiên tri bằng hình ảnh. Nhưng khi đi xa hơn về phía Đông, ra khỏi bán đảo Arab, bạn sẽ thấy hình ảnh Nhà tiên tri xuất hiện nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật" - Johari Abdul-Malik, lãnh tụ Hồi giáo ở Trung tâm Hồi giáo Dar Al-Hijrah, Virginia, cho biết.
Nhưng ngay cả với các nghệ sĩ Hồi giáo, vẽ hình ảnh Nhà tiên tri cũng là công việc hết sức khó khăn. Ahmed, người là cựu đại sứ Pakistan tại Anh, nói rằng các nghệ sĩ Hồi giáo sống trong thế kỷ 15-16 thường tránh tạo hình gương mặt khi vẽ Nhà tiên tri. "Người ta thường vẽ Mohammed như thể ông đeo mạng che mặt. Vì thế những người bảo thủ sẽ không thể phản đối lối vẽ này" - Ahmed nói. Trong một bộ phim có tên The Messenger, được phát hành khắp thế giới Hồi giáo hồi những năm 1970 và 1980, Mohammed lại được mô tả như một cái bóng.
Đi tìm nguồn gốc lệnh cấm
Theo Adbul-Malik, thực ra trong Kinh Koran không có "tuyên bố nào của Mohammed cấm việc tả lại hình ảnh của ông". Ông nói rằng những lệnh cấm này chỉ có trong hadith - một bản chép lại lời nói của Nhà tiên tri Mohammed, do những người từng nghe ông giảng đạo ghi lại.
Với người Hồi giáo, Hadith chỉ đứng sau Kinh Koran. Song do hadith có nhiều câu chuyện kể trái ngược nhau nên thi thoảng chúng lại gây tranh cãi kéo dài hàng thế kỷ trong cộng đồng Hồi giáo toàn cầu.
Các học giả nghiên cứu tôn giáo cho biết trong những thế kỷ trước đây, lệnh cấm mô tả Mohammed của người Hồi giáo nhìn chung được tôn trọng và không có sự vi phạm, do thế giới của những người Hồi giáo và phương Tây vẫn còn nhiều khoảng cách.
Nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, những người không theo đạo Hồi và các nhà phê bình Hồi giáo cảm thấy tự do hơn trong việc miêu tả Mohammed, kể cả việc châm biếm hình ảnh Nhà tiên tri. Năm 2006, một họa sĩ truyện tranh người Đan Mạch đã vẽ hình ảnh Nhà tiên tri đội trên đầu chiếc khăn xếp mang hình một quả bom có ngòi đang cháy. Bức tranh đã kích động người Hồi giáo thực hiện nhiều cuộc biểu tình bạo lực trên khắp thế giới.
Chuyên đề: Vụ tấn công tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở Paris xem TẠI ĐÂY
Vân Anh (Theo CNN)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất