24/11/2021 08:43 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 8h00' ngày 24/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 258.973.060 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.181.988 ca tử vong.
Tổng số ca đã khỏi bệnh là 234.280.198 ca và số bệnh nhân đang được điều trị là 19.510.874 ca, trong đó có 81.248 ca nguy kịch.
Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới với 795.991 ca tử vong trong tổng số 48.822.566 ca mắc. Kế đến là Ấn Độ với 466.147 ca tử vong trong số 34.533.473 ca mắc; Brazil ghi nhận 613.066 ca tử vong trong tổng số 22.030.182 ca mắc.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 484.462 ca mắc, 391.499 bệnh nhân bình phục và 6.311 ca tử vong. Nga ghi nhận 1.243 ca tử vong - mức cao nhất thế giới, cùng 33.996 ca mắc mới. Trong khi đó, Đức ghi nhận số ca mắc mới cao nhất, với 54.268 ca. Trước làn sóng dịch diễn biến phức tạp tại Đức, một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng nước này cho biết trong khuôn khổ các cuộc đàm phán ngày 23/11, các quan chức quân đội và đại diện quân nhân nước này đã nhất trí "đưa vaccine ngừa COVID-19 vào danh sách vaccine tiêm bắt buộc" đối với các binh sĩ. Một khi chính thức được thông qua, việc tiêm phòng dự kiến sẽ được triển khai sớm.
Trong nỗ lực ứng phó với làn sóng dịch hoành hành mạnh vào mùa Đông tại “điểm nóng” châu Âu, Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha (CSIC), Quỹ Sáng chế dược phẩm chung (MPP) và Quỹ tiếp cận công nghệ phòng chống COVID-19 (C-TAP) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 23/11 đã đạt thỏa thuận mở đường cho việc cấp phép sản xuất bộ xét nghiệm kháng thể COVID-19 tại các quốc gia đang phát triển. WHO nhấn mạnh thỏa thuận này là giấy phép toàn cầu, không độc quyền, minh bạch đầu tiên đối với một công cụ y tế trong phòng chống dịch bệnh, nhờ đó giúp giảm thiểu sự bất bình đẳng toàn cầu trong việc tiếp cận các công nghệ xét nghiệm COVID-19. Bộ xét nghiệm của CSIC đã cho thấy hiệu quả trong việc phát hiện kháng thể của virus SARS-CoV-2 ở những người mắc COVID-19 hoặc đã tiêm vaccine.
Nhằm giảm bớt tác động của các biện pháp phòng dịch tới người dân, Liên minh châu Âu (EU) mới đây thông báo sẽ cập nhật chứng chỉ COVID-19 để đảm bảo việc đi lại của công dân không bị ảnh hưởng do các biện pháp hạn chế nhằm phòng chống dịch ở một số quốc gia trước kỳ nghỉ lễ cuối năm. Hiện Ủy viên Y tế châu Âu Stella Kyriakides đang đảm trách cập nhật các khuyến nghị và sẽ trình bày trong những ngày tới. Bà cho biết đề xuất được thông qua trong tuần này đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19 của EU mà khách du lịch mang theo.
Trong nỗ lực hỗ trợ công tác phòng dịch trên thế giới, nhóm châu Âu (Team Europe) và Liên minh vaccine GAVI mới đây thông báo tài trợ 99,6 triệu liều vaccine của hãng Johnson & Johnson cho các quốc gia dễ bị tổn thương. Số vaccine này sẽ được phân phối trước cuối năm nay. Đây là một phần trong cam kết của EU về việc chia sẻ ít nhất 500 triệu liều vaccine cho các nước thu nhập thấp và trung bình cho đến giữa năm 2022. Các lô vaccine đầu tiên hiện đang được giao cho ít nhất 8 nước trong đó có Niger (496.800 liều), Djibouti (50.400 liều), Nigeria (2.764.800 liều),... Các quốc gia châu Phi sẽ tiếp tục nhận được vaccine viện trợ vào những tuần tới.
Trong khi đó, tại Brazil, ngày 23/11, ít nhất 58 thành phố thuộc hai bang Sao Paulo and Minas Gerais, miền Đông Nam nước này, đã quyết định hủy lễ hội Carnival 2022 do lo ngại nguy cơ bùng phát dịch. Lễ hội nổi tiếng này cũng bị hủy bỏ trong năm nay trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 lần thứ hai đang hoành hành tại quốc gia Nam Mỹ này.
Tại châu Á, ngày 24/11, Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới và số ca bệnh nghiêm trọng trong 24 giờ qua ở mức cao chưa từng có, lần lượt là 4.116 ca và 586 ca. Ngoài ra, với thêm 35 ca tử vong, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Hàn Quốc hiện tăng lên thành 3.363 ca.
Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum nhận định tình hình dịch bệnh tại nước này dường như đang diễn biến nghiêm trọng hơn so với dự báo, đặc biệt khu vực thủ đô Seoul đang ở trong "tình trạng khẩn cấp". Do vậy, ông kêu gọi cơ quan chức năng cân nhắc áp đặt một kế hoạch ứng phó khẩn cấp dựa trên đánh giá của giới chức y tế về nguy cơ dịch bệnh.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất