11/05/2017 18:34 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Bán đảo Sơn Trà cách trung tâm thành phố Đà Nẵng không xa, nhưng hết sức bí ẩn, hàm chứa nhiều mật ngữ thiên nhiên. Thế nhưng thời gian qua, Sơn Trà càng có phần “bí ẩn”, bởi những gì mà con người đang khoác lên mình “mắt thần Đông Dương”, hay “Lá phổi xanh” này.
Đừng cố đi tìm “lỗi tại ai”?
Bí ẩn vì đến một ngày đẹp trời, dân tình tóa hỏa khi được cống bố trên toàn bán đảo này đang có đến 17 dự án đầu tư đã và sẽ triển khai, đe dọa nghiêm trọng đến việc quần thể thiên nhiên tuyệt vời này.
Rồi trên các trang mạng không chính thống, đủ thông tin đa chiều, có những thông tin làm đau đầu lãnh đạo Đà Nẵng.
Thực ra, lâu nay, không phải địa phương nào cũng có kinh nghiệm và năng lực làm du lịch. Việc phát triển các công trình, dự án du lịch thường theo kiểu mạnh ai nấy làm. Thậm chí, có tính nhiệm kỳ. Cho nên, việc đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, cá nhân (đã được cấp phép), và yêu cầu phải điều chỉnh, thậm chí thu hồi dự án trước tình hình thực tế mới (nhất là trước nguy cơ phương hại lâu dài đến môi trường, thiên nhiên…) là điều hết sức nhay cảm, không thể giải quyết một cách cứng nhắc.
Các dự án trên Bán đảo Sơn Trà không là ngoại lệ. Nhận thấy nguy cơ Sơn Trà bị đe dọa, dư luận, báo chí cũng như giới chuyên môn đã lên tiếng mạnh mẽ. Nếu nói sòng phẳng, doanh nghiệp đã được phê duyệt dự án, cấp giấy phép xây dựng, cũng không có lỗi. Kể cả không phải công trình nào có vấn đề thì đương kim lãnh đạo Đà Nẵng cũng chịu trách nhiệm, bởi nhiều cái thuộc về…nhiệm kỳ trước.
Vì thế, "Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2163/QĐ-TTg ngày 09/11/2016, là giải pháp khả dĩ để phát triển Sơn Trà một cách bền vững.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chính quyền vẫn cần phải lắng nghe những góp ý, phản biện của dư luận, giới học thuật, giới chuyên môn. Việc Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đề nghị Tổng cục Du lịch giải quyết các kiến nghị liên quan đến Quy hoạch trên, cũng là yêu cầu chính đáng. 11.700 người ký tên đồng thuận kiến nghị thì dứt khoát cần phải được tôn trọng.
Và đừng bí ẩn Sơn Trà nữa
Chiều nay, 11/5, anh em phóng viên tại Đà Nẵng kéo sang trụ sở Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tại Đà Nẵng. Tại đây diễn ra cuộc họp liên quan đến Sơn Trà giữa Tổng cục Du lịch với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng vô cùng quan trọng.
Chẳng là sau khi Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh có công văn từ chối ra Hà Nội họp với Tổng cục Du lịch để giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội về quy hoạch khu du lịch bán đảo Sơn Trà, khiến Tổng cục Du lịch đã phải “xuống nước”, chấp nhận vào Đà Nẵng họp bàn theo đề nghị của ông Vinh.
Sự kiện này rất được nhân dân Đà Nẵng quan tâm. Vậy mà khi anh em báo chí kéo đến, bảo vệ không cho lên dự, khiến ai cũng chưng hửng, năn nỉ mỏi cổ nhưng đều nhận cái lắc đầu: “tụi em có lệnh không cho báo chí vào”.
Cho nên, khi thấy ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng xuất hiện, anh em phóng viên mừng rỡ.
- “Sao các anh lại phải cấm báo chí dự cuộc họp rất quan trọng này?. Làm sao phải cấm? Tôi đề nghị các anh tạo điều kiện cho phóng viên” - Ông Vinh bức xúc.
- “Không thể, chúng em được lệnh rồi”, một bảo vệ đáp tỉnh bơ.
Thế là ông Vinh buộc phải chia tay báo chí để lên dự cuộc họp.
Tại cuộc họp, ông Vinh đã đại diện Hiệp hội du lịch Đà Nẵng trình bày thư khuyến nghị về “Giải pháp Bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng”. Thư này là những đóng góp tâm huyết thông qua hội thảo “Giải pháp Bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng” tổ chức ngày 28/04/2017, do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Nhóm nghiên cứu – Giảng dạy Môi trường & Tài nguyên sinh vật (DN-EBR) thuộc Đại học Đà Nẵng cùng phối hợp tổ chức. Ban tổ chức đã gửi giấy mời lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thuộc Tổng Cục Du lịch, “ tác giả” của “Quy hoạch tổng thể Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhưng bị từ chối tham dự.
Thư khuyến nghị được gửi Thủ tướng Chính phủ, Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND TP, Đà Nẵng.
Dưới sảnh, anh em phóng viên vẫn ngóng thông tin dài cổ!
Sau gần hai tiếng, buổi họp kết thúc, ông Vinh lắc đầu với phóng viên: “Họp hành không đi đến đâu. Chúng tôi không ký vào biên bản buổi họp vì không thống nhất được các nội dung. Cốt lõi của cuộc họp chúng tôi đề nghị điều chỉnh Quy hoạch như khuyến nghị, nhưng Tổng cục Du lịch bảo "Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" thế là ổn, đúng quy trình, không điều chỉnh nữa. Chúng tôi đề nghị tổ chức một cuộc hội thảo tại Đà Nẵng về Sơn Trà, có sự tham gia của các nhà khoa học, cộng đồng yêu mến Sơn Trà, các hội liên quan, nhưng Tổng cục du lịch chưa trả lời”.
Chỉ là một gặp mặt để trao đổi, trình bày kiến nghị, Tổng cục Du lịch không cần thiết phải cấm cửa báo chí như vậy! Bán đảo Sơn Trà được coi là linh khí Đà Nẵng, rất được dư luận quan tâm. Chắc chắn ai, trong đó có phóng viên, đều muốn tốt cho Sơn Trà. Nếu các vấn đề của Sơn Trà được họp báo công khai, minh bạch, sự bí ẩn của quần thể thiên nhiên này sẽ không như thời gian qua, thông tin cũng không theo kiểu “năm nóng, năm lạnh”.
Hữu Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất