12/07/2013 10:02 GMT+7
Người viết gọi về nhà, đứa em họ kể: Hôm nay đi học thêm Văn, cả lớp lẫn cô giáo dạy Văn đều không biết Trần Hùng John là ai, chỉ có mỗi em biết vì từng nhìn thấy bìa sách John đi tìm Hùng, nhưng cũng chưa đọc. Đó là các học sinh trung học ở một tỉnh miền Trung.
Nghe cứ lo lo. Trong khi đó, mùa Hè này, Trần Hùng John đã ra mắt sách trực tiếp ở Hà Nội, TP. HCM và lên báo in, báo mạng, truyền hình không ít lần để nói về hành trình “xuyên Việt không mang theo tiền” hồi năm 2012 của anh, kèm với kế hoạch làm thiện nguyện cho những người dân nghèo anh gặp trên đường đi.
Giả sử, nếu Trần Hùng John không viết sách về chuyến đi của mình mà là... sáng tác một bài hát về chuyến đi rồi hát và quay clip tung lên mạng, giả sử clip đó gây sốt và được mọi người truyền link cho nhau, kiểu như chàng trai trẻ Lynk Lee từng gây sốt khi hát về tuổi học trò. Giả sử thế, có lẽ nhiều học sinh trung học (cũng lứa tuổi say sưa với mạng xã hội) sẽ đỡ cảm thấy Hùng John xa lạ.
Một giả sử nho nhỏ để nói rằng chủ đề sách nhìn chung vẫn ít được quan tâm hơn các chủ đề nhạc, phim trên truyền thông ngày nay, dù đó là một cuốn sách rất đáng chú ý mới ra mắt với một câu chuyện độc đáo đã được quảng bá từ năm ngoái.
Ý kiến của Hùng John được trích vào đề thi đại học môn Văn khối D năm nay như sau: “Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải tiên phong. Nếu ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ đi theo chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn”. (John đi tìm Hùng, NXB Kim Đồng, 2013, tr.113).
Nhiều tờ báo cho rằng đây là một đề thi hay và có tính xã hội, nên thí sinh có thể không hiểu rõ về nhân vật hoặc cuốn sách vẫn có thể làm được bài. Tôi cũng đồng ý đây là một đề thi hay, nhưng nó thiếu. Thiếu ở chỗ đề thi chỉ đưa trích dẫn không kèm ngữ cảnh và cũng không giới thiệu rõ về nhân vật phát ngôn, vốn không quá quen thuộc.
Người chưa biết Hùng John sẽ đặt câu hỏi: “Anh lấy tư cách gì để nhận xét người Việt như vậy?”. Nhưng nếu biết Hùng John sinh năm 1989 và đã quyết định đi xuyên Việt không một xu dính túi để tìm lại bản sắc Việt Nam trong con người mình (ý nghĩa của tên sách John đi tìm Hùng - tất nhiên John và Hùng ở đây không đồng tính và cũng không phải là hai người khác nhau), thì họ sẽ coi trọng ý kiến của anh hơn.
Nếu thêm vào cả ngữ cảnh của câu nói thì e là đề thi sẽ quá dài dòng, nhưng ít ra nên có vài ý như thế này: Hùng John nhận xét như trên (ở trang 113 của cuốn sách) sau khi trò chuyện với một họa sĩ người Việt đã quyết tâm theo đuổi ước mơ hội họa của mình dù gia đình của anh không đồng ý.
Nếu đọc sách, sẽ thấy Hùng John có cơ sở để nêu ra nhận định của mình, thông qua trò chuyện và quan sát người Việt quanh anh, chứ không phán xét quy chụp và hời hợt như một Việt kiều mới về nước.
“Tôi không hề nghĩ rằng Việt Nam là một đất nước nghèo và xấu xí. Việt Nam là một đất nước tươi đẹp nhưng như bao quốc gia khác, nó cũng có những điểm yếu của riêng mình” - Hùng John từng trả lời phỏng vấn người viết.
Tóm lại, nếu không đọc sách hoặc không biết trước về nhân vật, các thí sinh đại học năm nay có thể hiểu lầm, hoặc gặp phải nỗi bức xúc không đáng có. Bởi Hùng John, chàng trai sinh ra ở Mỹ có phát biểu “phê bình” người Việt ấy, cũng rất yêu Việt Nam...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất