26/05/2018 14:57 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Có thể nói ba phiên đấu xa xỉ cuối tháng 5/2018 của nhà đấu giá Christie's tại Hong Kong lại chứng kiến sự lên ngôi của tranh Việt, với các bức tranh tiền tỷ.
Tại đây không chỉ có tác phẩm có giá dự kiến cao nhất của danh họa Nguyễn Phan Chánh, mà tranh Việt còn giới thiệu được nhiều tên tuổi quan trọng khác.
1. Tại phiên đấu đôi tối nay (26/5) có tên Nghệ thuật Á châu thế kỷ 20 và đương đại; và Người đương thời: Tiếng nói từ Đông và Tây giới thiệu 77 lô hàng, đại diện từ Việt Nam có 5 lô hàng thuộc loại xa xỉ.
Tiêu điểm nhất là bức La Marchande de Ôc (Người bán ốc, mực và bột màu trên lụa bồi giấy, 88cm x 65,5cm, 1929) của Nguyễn Phan Chánh, giá dự kiến từ 358.561 đến 486.618 USD.
Xét toàn phiên, mức dự kiến này của Nguyễn Phan Chánh đang ưu trội hơn các danh họa trong khu vực Đông Nam Á như José Joya, Vicente Silva Manansala, Fernando Cueto Amorsolo, Hendra Gunawan, Affandi, Georgette Chen, Cheong Soo Pieng, Chen Wen Hsi… Thậm chí không còn khoảng cách với Hàn Quốc, nhưng còn cách khá xa Trung Quốc, Nhật Bản.
Nếu bán thành công với giá trên 400.000 USD, đây sẽ là bức tranh lụa cao giá nhất của Nguyễn Phan Chánh trên thị trường công khai. Theo dự đoán, bức này có thể bán hơn 600.000 USD, vì độ hoàn chỉnh và ý nghĩa lịch sử của nó.
Năm 2013, cũng tại Christie’s Hong Kong, bức lụa La Marchand de Riz (Người bán gạo, năm 1932) của Nguyễn Phan Chánh đã được bán với giá tương đương 390.000 USD, trong khi mức khởi điểm chỉ là 75 USD.
Phiên này Lê Phổ có bức Une tasse de thé (Một tách trà, mực và bột màu trên lụa bồi giấy, 36cm x 29 cm, khoảng 1938-1940) với giá dự kiến từ 192.086 đến 320.143 USD. Và bức La Toilette (Nhà tắm, mực và bột màu trên lụa bồi giấy, 31cm x 23cm, 1942) có giá dự kiến từ 153.669 đến 281.726 USD. Cả hai bức này đều được dự đoán sẽ bán trên mức trần dự kiến.
Nhưng đặc biệt nhất của phiên này là sự xuất hiện của Danh Võ (sinh 1975), một nghệ sĩ sinh ra tại Bà Rịa, lớn lên tại Đan Mạch. Tác phẩm 165° W (165 độ Tây, vàng lá trên thùng giấy, 91 x 173 cm, 2011) có giá dự kiến gây choáng váng: từ 153.532 đến 204.709 USD.
Thật khó để hình dung vì sao tác phẩm này có giá khủng như vậy? Theo Christie's: Vật liệu tác phẩm có xuất xứ là một vỏ thùng giấy cũ của nhà sản xuất đồ uống chai nhựa của Thái Lan. Ở phía góc dưới bên trái, có lời bài hát của David Bowie: “Time he flexes like a whore” (Thời giờ của hắn ta uốn éo như một con điếm), được Danh Võ viết theo lối gothic. Đây cũng là một kiểu chữ mà cha của Danh Võ - nhà thư pháp Phùng Võ - ưu chuộng.
Tác phẩm này được dự đoán sẽ bán trên 300.000 USD. Nếu bán thành công, sẽ trở thành nghệ sĩ đương đại Việt và gốc Việt có giá cao nhất trên sàn đấu giá công khai.
2. Hai phiên ngày mai (27/5), một phiên có tên Nghệ thuật Á châu thế kỷ 20, với 227 lô hàng, tranh Việt có 21 lô. Tại đây xuất hiện những tên tuổi quen thuộc như Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Lương Xuân Nhị, Hoàng Tích Chù, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Trung…
Tại phiên này có bức Enfant à l'oiseau (Em bé cho chim ăn, mực và bột màu trên lụa, 65cm x 50cm, 1931 - với khung gốc của Gadin), giá dự kiến từ 127.983 đến 204.774 USD.
Thật khó để biết hiện nay trên thế giới và tại Việt Nam có bao nhiêu bức Em bé cho chim ăn, vì Nguyễn Phan Chánh và các “môn đệ” như Ngô Minh Cầu từng nhiều lần chép lại bức này, chưa nói các nơi làm tranh giả.
Nếu gốc tích mà Christie’s đưa ra là khả tín, thì bức tại phiên đấu này có khả năng là bản gốc hoặc gần với bản gốc nhất. Khái niệm gần với bản gốc là để chỉ một tác phẩm mà do chính họa sĩ chép, hoặc giám sát việc chép, rồi tự mình tỉa tót, ký tên. Do hoàn cảnh lịch sử, sinh thời Nguyễn Phan Chánh thường làm chuyện này.
Gốc tích mà Christie’s đưa ra là tạp chí L'Illustration (số 4683, phát hành năm 1932), và triển lãm của Trường Mỹ thuật Hà Nội và Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại AGINDO (Paris, Pháp, năm 1932).
Các yếu tố lạ có Tôn Thất Đào (1910 - 1979), bức La Coiffure (Vấn khăn trùm đầu, mực và bột màu trên lụa, 49,5cm x 66,5cm) với giá dự kiến từ 23.037 đến 31.995 USD. Tôn Thất Đào là danh sư tại Huế, tác phẩm từng xuất hiện trong các triển lãm chung tại Hà Nội năm 1939, Nhật Bản năm 1940, Sài Gòn năm 1945, Vatican (Ý) năm 1950... Nếu gặp những người mua có thông tin về họa sĩ, bứa này có thể được đấu hơn 100.000 USD.
Một phiên cùng ngày có tên Nghệ thuật đương đại Á châu, giới thiệu 133 lô hàng, tranh Việt có Trương Tân (sinh 1963), Dinh Q. Lê (sinh 1968), Hồng Việt Dũng (sinh 1962)… Các tác phẩm có giá dự kiến từ 7.679 đến 19.197 USD.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất