06/07/2018 15:12 GMT+7 | Ký sự World Cup
(lienminhbng.org) - Đời quá ngắn để làm những điều nhàm chán. Tôi tin là thế, và thay vì đặt máy bay để di chuyển giữa các thành phố cách nhau cả ngàn dặm của nước Nga, tôi lại đi tàu hoả, trong một quá trình nhằm "nhúng mình" sâu hơn nữa vào cuộc sống của người Nga. Và như thế, tôi đi từ Rostov trên sông Don đến Volgograd, để rồi từ đó lại bắt đầu một hành trình mới, dài đến 17 tiếng để đến Samara, nằm tít bên lãnh thổ Trung Á của nước Nga...
Rập rình tàu chạy xuyên Nga
Người soát vé nở một nụ cười hồn hậu rồi hỏi giấy tờ của tôi, trước khi chỉ cho tôi khoang nằm trong toa. Đấy là một toa nằm khá sang trọng, câu trả lời cho cái toa hạng bét tôi đã đặt trên hành trình đến Volgograd. Một người thích trải nghiệm hoàn toàn có lý khi lựa chọn mình hai cách thưởng thức hành trình hoàn toàn đối lập nhau chỉ trong vòng hai ngày khác nhau. Vâng, hai ngày, bởi đúng là tôi đã qua hai đêm liên tiếp trên tàu, đi hơn 2 nghìn cây số. Nhưng có cách nào để sống cùng người Nga, dù là bất cứ ai, tốt như thế bằng cách có bạn đồng hành trên tàu?
Trên tuyến đi Volgograd, đấy là một khoang hoàn toàn không có cửa. Có 6 giường trong khoang, 4 đối diện nhau, cái trên cái dưới, và 2 cái nằm xuôi hành lang. Tôi nằm co quắp ở giường trên của khoang, không hiểu tại sao người ta lại có thể thiết kế cái giường ngắn đến thế và trần thì thấp thế. Bạn đồng hành là ba mẹ con đi từ Novorossisk đến thăm bố ở Volgograd. Bà mẹ còn trẻ, có cô bé con tóc vàng suốt ngày hỏi chuyện, và cô chị nó, chừng 10 tuổi, cứ thỉnh thoảng lại hỏi tôi một câu bằng tiếng Anh. Bà provodnitsa (phục vụ toa) thỉnh thoảng đi qua, nói với tôi vài câu thông qua ứng dụng Google Translate, đại loại hỏi ngủ có ngon không, có cần gì không, tàu hoả ở Nga hay ho chứ, liệu có hiện đại như ở Nhật không (bà tưởng tôi là người Nhật). Thế rồi tàu cũng đến Volgograd. Ba mẹ con nhìn thấy bố qua cửa sổ gào tướng lên sung sướng. Còn tôi, vẫn ngái ngủ sau một đêm trên tàu (và mơ thấy toàn đồ ăn Nga thật ngon) lếch thếch đi xuống, không quên chào bà phục vụ toa bằng một câu tiếng Nga vẫn còn nhớ từ cấp hai.
Nhưng ở tuyến đi Samara này, mọi thứ khác hẳn, khoang có 2 giường, yên tĩnh hơn, thoải mái hơn, người phục vụ toa cũng trẻ hơn, xinh hơn (chao ôi!), còn nói tốt tiếng Anh nữa, tuy thế, nhìn khoang vẫn hơi "quê", vì mọi thứ trên tàu đều cũ. Bạn đồng hành là một cô gái trẻ lên ở bến sau Volgograd, mà điểm đến cuối cùng của cô là ở tận cuối tuyến tàu, Chelyabinsk, nhà mẹ cô. Cô không nói được nhiều tiếng Anh lắm, nhưng vui tính và dịu dàng, có vẻ là kiểu người ngủ đêm không hề ngáy, và rồi có lúc đúng kiểu phụ nữ Nga đi tàu, nhìn tôi để ra hiệu một cách ý nhị rằng cô muốn thay đồ trước khi đi ngủ, thế là tôi hiểu ý ngoan ngoãn đi ra đứng hành lang, cho đến khi cô gõ cửa bảo đã làm xong rồi, tôi có thể vào. Lúc sau, cô phục vụ toa gõ cửa để một phụ nữ bán bánh ngọt kèm theo bia xuất hiện và bán một chiếc bánh ngọt với giá cắt cổ. Ồ, đây là toa hạng nhất mà.
"Sợi chỉ" nối liền nước Nga
Có một thời, những tuyến đường sắt từng được người Nga ví như là những "sợi chỉ". Chúng kết nối các vùng của đất nước rộng lớn này với nhau, và trong nhiều thế kỷ trước kia, từng là một công cụ hữu hiệu cho công cuộc văn minh và hiện đại hoá, khi nước Nga phát triển chậm và lạc hậu hơn nhiều các nước Phương Tây, dù đã luôn là một đế chế rất mạnh. Vissarion Belinsky, một nhà tư tưởng lớn của nước Nga thế kỷ 19, đã từng có những suy nghĩ thế này khi lần đầu tiên chứng kiến một đoàn tàu lướt qua: "Tôi đứng đó và nhìn nó và tôi thở phào nhẹ nhõm. Ít ra, chúng ta cũng đã có đường sắt". Đấy là vì ông cảm thấy, cuối cùng thì nước Nga cũng giống như ở Châu Âu.
Chuyến tàu đã đưa nước Nga vào thời kỳ hiện đại hoá, xoá bỏ những rào cản về xã hội, mở rộng văn hoá và khiến người Nga trở nên cơ động hơn. Những thành phố, thị trấn, làng mạc có các tuyến đường sắt chạy qua trở nên dần văn minh hơn. Nhưng những tuyến đường sắt cũng được coi là những mục tiêu quân sự. Không có gì ngạc nhiên khi Lenin, người đã từ Đức trở về Saint Petersburg trên một chuyến tàu để lãnh đạo cuộc cách mạng của những người Bolshevik vào năm 1917, đã coi các nhà ga như là mục tiêu chính để tấn công và chiếm giữ. Sau cuộc cách mạng, cuộc nội chiến bùng nổ, cả Hồng quân lẫn Bạch vệ đều sử dụng các tàu hoả bọc thép làm phương tiện chở quân và thực hiện các đợt tấn công.
Những năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Mười, những chuyến tàu hoả tượng trưng cho tương lai, cho cuộc sống mới của đất nước, cho công cuộc tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Đã có những bài hát, bộ phim, vở kịch lấy bối cảnh là những sân ga, toa tàu. Đầu tàu tượng trưng cho lý tưởng, cho tương lai và cả đoàn tàu là niềm hy vọng hiện đại hoá đất nước. Những toa xe gắn đầy những khẩu hiệu của chế độ Bolshevik, đưa những thông điệp cách mạng đến mọi miền nông thôn. Sự khác biệt lớn ở kích thước của ray (ray của Nga rộng hơn các nước Châu Âu) cũng là một lợi thế lớn vào thời kỳ ấy: một đoàn tàu quân sự của Nga có thể chở quân đi bất cứ nơi nào có đường sắt của họ, nhưng tàu các nước khác thì chịu.
Bây giờ, ám ảnh chiến tranh đã lùi xa, nhưng đường sắt vẫn làm những nhiệm vụ hết sức trọng đại, là kết nối những vùng xa xôi của đất nước to khủng khiếp này và là phương tiện đi lại phù hợp nhất với túi tiền bình dân. Tôi phục những người Nga đi tàu ở sự kiên nhẫn. Họ đi trên những hành trình không phải bằng giờ, mà là ngày, như ba mẹ con tôi gặp trên hành trình Rostov-Volgograd và nhiều ngày, như cô gái xinh xắn cùng khoang trên tuyến tôi đi Samara. Họ nhẹ nhàng coi đó là một phần của cuộc sống, và họ cũng ngoan ngoãn "tuân lệnh" các provodnitsa, những người cung cấp chăn đệm cho khách, bán cả đồ ăn, giữ cho cái ấm samovar lúc nào cũng nóng, và đôi khi, đóng vai trò của cả cảnh sát khó tính trên tàu khi phát hiện có người nào đó uống trộm vodka hay hút thuốc trong toilet.
May thay, hai người tôi gặp đều dễ thương cả. Tôi ước gì gặp lại những người như họ trong những hành trình tới, như dự kiến đi tàu xuyên qua lãnh thổ nước Nga, vốn kéo dài cả tuần. Đấy là một hành trình dài gần như vô tận chạy xuyên qua Siberia, qua những cánh rừng bạt ngàn và những vùng không có người ở. Có khi phải mất vài ngày mới nhìn thấy ở bên đường những nơi có dân cư.
Vĩ thanh
Không gian rộng lớn bên ngoài cửa sổ và khoảng không gian khá bó hẹp bên trong các toa tầu đã tạo điều kiện lý tưởng cho việc nảy sinh những tình cảm, những sợi dây kết nối giữa những con người không quen biết nhau. Có những mối tình đã nảy sinh trên tàu, có những mối quan hệ bình thường khách được thiết lập. Đối với những người như triết gia Nga Fyodor Stepun, người đã lưu vong sau Cách mạng tháng Mười, những chuyến tầu chính là nhà ông, bởi ông sinh hoạt luôn trên đó. Ông tả: "Chỉ một vài tiếng sau khi chuyến tàu khởi hành, những cuộc đối thoại đáng yêu bắt đầu vang lên trong các toa. Thế rồi trên bàn ăn nhỏ trải khăn trắng xuất hiện đồ ăn, những con gà quay vàng ruộm, những lát thịt bê, những hộp trứng cá đen"...
... Con tàu rùng mình dừng lại ở một ga xép. Đã có ai đã lên, đã có ai đã xuống, cô phục vụ toa xinh đẹp biết nói tiếng Anh đi qua cửa khoang của tôi, nói một điều gì đó với những người vừa lên. Mùi trà nóng quen thuộc mà người Nga vẫn uống buổi sáng lách qua khe cửa khoang đánh thức tôi dậy. Ánh sáng đã ùa vào khoang qua cửa sổ từ lúc nào. Cô gái nằm giường kế bên đang nằm đọc sách, hai má hây hây đỏ, có vẻ như đêm qua vừa mơ rất đẹp. Hai bên cửa kính trôi qua nhanh chóng những cánh đồng lúa mì, những ngôi nhà nhỏ, những xóm làng, cây cầu, con sông nước Nga, và xa kia, phía trên, mặt trời đã nở những nụ cười đầu tiên của ngày mới...
Tôi thấy, tôi nghe, tôi trải nghiệm: Đường sắt và hành trình đặc biệt với nước Nga Diện tích rộng khủng khiếp của nước Nga đã khiến đường sắt có một vai trò lớn đến thế trong đời sống chính trị và xã hội nước này. Khoảng cách mênh mông giữa các thành phố và làng mạc khiến những chuyến tàu nhiều khi phải lầm lũi chạy trên ray những khoảng thời gian không phải tính bằng giờ, mà là ngày và đêm. Phải mất 6 ngày để đi bằng tàu Moskva, thuộc phần châu Âu của nước Nga, đến Vladivostok, thuộc Viễn Đông, nơi cách đó gần 10 nghìn cây số. Chính vì thế, đường sắt có vai trò rất quan trọng với nước Nga trong cả quá khứ lẫn hiện tại chính vì khả năng cơ động của nó. Những người đứng đầu hệ thống đường sắt Nga được coi không khác các viên tướng. Sergey Witte, "sếp" to nhất của đường sắt Nga dưới thời Sa hoàng Alexander III, đã từng nắm tới chức Thủ tướng Nga trong triều đại của con trai ông, Nicholas II, Sa hoàng cuối cùng của nước Nga. Lev Trotsky, người được Lenin giao trách nhiệm phát triển hệ thống đường sắt quốc gia, cũng là chỉ huy cao nhất của Hồng quân Liên Xô những năm 1920. Những năm sau này cũng không khác, khi Nikolai Aksenenko, Bộ trưởng đường sắt trong chính phủ Eltsin, từng có thời là ứng viên Tổng thống Nga. Bây giờ, đường sắt Nga vẫn được hưởng quy chế bán quân sự, vẫn nhà nước độc quyền và có lực lượng lao động lên đến gần 1 triệu người (!). Họ cũng có quân hàm, họ không được tổ chức bãi công và nếu xảy ra chiến tranh, họ nằm trong số những lực lượng đầu tiên ra trận. Cựu sĩ quan KGB Vladimir Yakunin, cũng từng là đồng chí của Putin, giờ đang là người đứng đầu ngành đường sắt của nước Nga. Vì các chuyến đi bằng tàu hoả trở thành một phần quan trọng trong đời sống của người dân, mà những chuyến tàu, những nhà ga xuất hiện thường xuyên trong các tác phẩm nghệ thuật. Nàng Anna Karenina gặp Vronsky ở một nhà ga và cuộc đời nàng cũng kết thúc trong một tai nạn (đúng hơn, nàng tự tử) dưới một con tàu. Cha đẻ của nhân vật nổi tiếng xinh đẹp mà bạc mệnh ấy, văn hào Lev Tolstoy, cũng qua đời vì cảm lạnh ở một nhà ga vắng vẻ vào mùa Đông 1910. Tiểu thuyết bất hủ "Bác sĩ Zhivago" cũng bắt đầu bằng hình ảnh của những đoàn tàu, khi Zhivago và vợ anh rời bỏ Moskva đang chìm trong bối cảnh cách mạng và nội chiến. |
Anh Ngọc (từ Balakovo, Nga)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất