Trở thành Di sản Thế giới: Then đã ‘cán đích’ như thế nào?

13/12/2019 19:14 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Ít người biết, trong quãng thời gian 7 năm kể từ khi đưa ra ý tưởng ban đầu cho tới thời điểm được UNESCO vinh danh là Di sản Thế giới, hồ sơ “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã trải qua một chặng đường dài và phức tạp.

Thực hành Then - nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái

Thực hành Then - nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái

Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã chính thức được ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là tin vui đối với cộng đồng thực hành Then người Tày, Nùng, Thái nói riêng, với văn hóa Việt Nam nói chung.

Cột mốc mở ra chặng đường ấy bắt đầu từ năm 2012, khi tỉnh Tuyên Quang có ý tưởng lập hồ sơ về hát Then của dân tộc Tày khu vực Việt Bắc để đệ trình lên UNESCO.

1.Sau khi đề xuất, ý tưởng này được sự đồng ý từ Phó Thủ tướng Chính phủ khi ấy. Kèm theo đó, tỉnh Tuyên Quang được giao trách nhiệm phối hợp cùng một số tỉnh miền núi phía Bắc và ngành văn hóa để xây dựng hồ sơ cho di sản này.

Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ rõ: dù rất phổ biến khái niệm “hát then” - như chúng ta thường gọi – không phản ánh đầy đủ bản chất của loại hình di sản này. Bởi thực tế ấy, hát Then chỉ là một bộ phận của khái niệm “Then” theo nghĩa rộng – khi nó vốn là một hệ thống hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng với rất nhiều yếu tố văn hóa cấu thành: âm nhạc (gồm cả hát và chơi Tính Tẩu), nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật trình diễn các trường ca dân gian…

Từng tham gia xây dựng nhiều hồ sơ âm nhạc truyền thống để trình lên UNESCO, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan (nguyên phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam), chia sẻ với người viết khi ấy: “Đó không chỉ là câu chuyện về tên gọi, mà cũng là hướng xây dựng hồ sơ. Nếu chọn “hát Then”, chúng ta chỉ tập trung vào phần âm nhạc. Còn chọn “Then” ở nghĩa rộng, hồ sơ phải nghiên cứu rất nhiều vấn đề khác, đặc biệt là yêu cầu phải hiểu rõ và “tô đậm” toàn bộ bề dày lịch sử văn hóa của loại hình nghệ thuật - tín ngưỡng này.

Chú thích ảnh
Một buổi sinh hoạt Then. Ảnh TL

Theo phân tích của GS Loan, việc xây dựng hồ sơ theo hướng thứ nhất có vẻ đơn giản nhưng thực chất lại khá phức tạp. Bởi lẽ, các yếu tố âm nhạc, diễn xướng, tâm linh... trong Then luôn có sự gắn bó hữu cơ rất chặt – và những phân tích về âm nhạc không thể đứng độc lập mà bắt buộc phải dựa trên mối quan hệ với các yếu tố còn lại. Trong khi đó, cách tiếp cận thứ 2 tuy mất thời gian hơn rất nhiều, nhưng lại phát huy được trọn vẹn những giá trị của Then để tạo sự thuyết phục trước UNESCO.

2. Khoảng một năm sau đó, cuộc Hội thảo khoa học lớn có tên “Then Tày - Nùng - Thái xưa và nay” được tổ chức tại Hà Nội vào giữa năm 2013. Tại đây, sau nhiều tranh luận, các chuyên gia về cơ bản nhất trí với một quan điểm:Then cần được nghiên cứu theo cả không gian văn hóa, tín ngưỡng chứ không chỉ là một loại hình nghệ thuật. Đồng thời, di sản này cần được nhìn nhận trong sự vận động của nó, nghĩa là cả những giá trị cổ truyền cũng như những biến đổi sống động theo thời gian.

Tiếp đó, vào giữa năm 2015, Bộ VH, TT&DL phê duyệt kế hoạch tổng thể xây dựng Hồ sơ Quốc gia đề cử “Then Tày, Nùng, Thái” trình lên UNESCO để xin danh hiệu Di sản cấp Thế giới. Viện Âm nhạc Việt Nam, 11 địa phương sở hữu di sản Then (đều thuộc khu vực miền núi phía Bắc) và một số cơ quan liên quan được giao trách nhiệm này.

Chú thích ảnh
Then đã trở thành Di sản Thế giới. Ảnh TL

Như lời các chuyên gia, trong quá trình xây dựng, vấn đề khó nhất trong chuyên môn nằm ở việc “khoanh vùng” và lựa chọn các yếu tố của Then để đưa vào hồ sơ. Thực chất, một số ý kiến vẫn muốn khai thác các làn điệu Then và nghệ thuật biểu diễn Tính Tẩu ( thường được gọi một cách không chính xác là đàn Tính” làm yếu tố “chủ đạo” trong hồ sơ này. Tuy nhiên, khi phân tích trên thực tế, nhiều lớp giá trị văn hóa khác của Then lại thuyết phục ngay cả những chuyên gia khó tính nhất. Chẳng hạn, chỉ riêng việc di sản này bắt nguồn từ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng với mục đích tạo nên sự yêu thương, gắn kết trong cộng đồng…. đã đáp ứng được những tiêu chí mà UNESCO yêu cầu về tính cộng đồng của một Di sản Thế giới.

Ở góc độ khác, một số chuyên gia cũng đề nghị xây dựng hồ sơ này theo hướng đề nghị UNESCO công nhận Then là Di sản Phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu lại cho thấy ý tưởng này không phù hợp- khi di sản Then hiện vẫn đang “bám rễ” khá sâu trong đời sống của các đồng bào khu vực phía Bắc. Và, hồ sơ chỉ cần làm rõ sự khác biệt giữa di sản Then truyền thống và các hình thức nghệ thuật giải trí cộng đồng dựa vào các làn điệu Then trong đời sống hiện nay.

Chú thích ảnh
Các đại biểu quốc tế chúc mừng Việt Nam khi Then được vinh danh tại phiên họp rạng sáng nay. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, do sử dụng chủ yếu các thứ tiếng của dân tộc Tày, Nùng, Thái, việc xây dựng hồ sơ về Then được thực hiện khá kì công – khi các chuyên gia phải dịch hiểu, rồi lại dịch tiếp sang tiếng Anh để trình lên UNESCO. Cũng do đặc thù này, rất nhiều từ nguyên gốc của Then không tìm được từ tiếng Anh tương ứng, nên phải sử dụng phần chú giải. Thêm vào đó, theo yêu cầu mới của UNESCO, việc xây dựng hồ sơ đệ trình trong giai đoạn hiện tại phải xuất phát từ cộng đồng (các nhà khoa học chỉ được coi như người chắp bút), nên giai đoạn xây dựng hồ sơ diễn ra rất công phu và phức tạp.

Để rồi, vào rạng ngày hôm nay 13/12 (giờ Việt Nam), tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại thủ đô Bogotá, Cộng hòa Colombia,hồ sơ “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã chính thức cán đích sau quãng đường 7 năm chuẩn bị.Thành tích ấy không chỉ giúp chúng ta lần thứ 13 sở hữu danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể của Thế giới. Đó còn là một cột mốc đặc biệt, khi lần đầu tiên, một di sản văn hóa phi vật thể của vùng trung du và miền núi phía Bắc tại Việt Nam được đưa vào danh mục này.

Anh Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm