Kpop ‘xâm thực’ mạnh mẽ văn hóa Việt năm 2012

25/12/2012 09:23 GMT+7 | Văn hoá


Trong năm qua, nhạc Hàn tạo được chỗ đứng ổn định ở Việt Nam và tạo nên những hệ quả cả tích cực lẫn tiêu cực.

Năm 2012 khép lại với nhiều thành công đáng nhớ cho âm nhạc Hàn Quốc (hay còn gọi là Kpop) trong đó nổi bật nhất là sự kiện ca khúc Gangnam Style của Psy trở thành hiện tượng toàn cầu với kỷ lục Guinness được xác lập cho Video được yêu thích nhất. Trong hành trình tiến tới mốc 1 tỷ lượt xem trên Youtube, chủ nhân của Gangnam Style – Psy đã nhận được những lời đề nghị “trong mơ”, gặp gỡ nhiều nhân vật đình đám nhất nước Mỹ như Tổng thống Barack Obama.

Trong buổi tọa đàm "Hiện tại và tương lai phát triển của làn sóng Hàn Quốc" (gọi tắt là Hallyu) tổ chức tại Hà Nội vào trung tuần tháng 11, ông Kang Cheol Keun, chủ tịch Hiệp hội giao lưu văn hóa quốc tế Hallyu nhấn mạnh: “Thế kỷ 21 là thế kỷ của văn hóa, phải có sự cởi mở để phát triển”. Không có gì “cởi mở” và có sức lan tỏa mãnh liệt hơn là âm nhạc đại chúng.



"Gangnam Style" đưa cơn sốt Kpop lan tỏa đi khắp thế giới trong năm qua.

Nắm bắt được điều đó, phía Hàn Quốc rất khéo trộn lẫn hai yếu tố chính trị và văn hóa để biến 2012 trở thành năm “bản lề” đẩy mạnh nhạc Hàn vào Việt Nam qua những buổi giao lưu âm nhạc kỷ niệm 20 quan hệ ngoại giao hai nước. Đêm nhạc Việt – Hàn vào tháng 3/2012 tại Trung tâm hội nghị Quốc gia (Hà Nội) chính là sự mở màn hoành tráng báo hiệu cho một năm sôi động của nhạc Hàn ở Việt Nam, sau đó là Wonder Girls trong đêm nhạc M Live Mo.A.

Kết thúc chuỗi hoạt động kỷ niệm là Kpop Festival 2012 quy tụ gần 100 nghệ sĩ nổi tiếng Hàn Quốc như: Dong Bang Shin Ki (DBSK), T-ara, SNSD, Sistar… chưa kể những nghệ sĩ khác là nhóm Big Bang, Jae Joong, nhóm Brown Eyed Girls cũng ghé thăm Việt Nam với mục đích thương mại hay đại sứ tuyên truyền.

Nếu như năm 2011, sao Âu Mỹ chiếm thế thượng phong trong các đêm nhạc ngoại ở Việt Nam thì năm nay, các “oppa”, “unnie” xứ Hàn lại trở nên áp đảo về số lượng đêm nhạc lẫn nghệ sĩ hùng hậu tham gia. Điều này giúp cho những ngôi sao nhạc Hàn tới gần hơn với khán giả xứ sở hình chữ S, mở đường cho Kpop xâm lấn mạnh mẽ vào Việt Nam.

Kpop phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam là hệ quả tất yếu của công cuộc “mưa dầm thấm lâu” mà Hàn Quốc đã làm bấy lâu nay. Nó kéo theo những mặt tích cực mà ai cũng phải gật gù thừa nhận. Khán giả Việt có nhiều cơ hội gặp gỡ thần tượng mà họ ngưỡng mộ qua các kênh truyền thông. Nhạc Hàn với sự phong phú về thể loại và phong cách đa dạng đã đáp ứng nhu cầu giải trí của giới trẻ Việt.



Nhiều fan ngất xỉu trước phần trình diễn của nhóm Big Bang tại Soundfest trong TP HCM hồi tháng 4.

Đây còn là cơ hội tốt để ca sĩ trẻ trong nước có dịp học hỏi cách làm việc và biểu diễn chuyên nghiệp của đồng nghiệp Hàn Quốc. Dàn nghệ sĩ đình đám xứ Hàn qua Việt Nam trình diễn cũng thu hút sự chú ý của đông đảo bạn bè quốc tế. Trên các trang mạng xã hội và một số forum, fan trên khắp thế giới bày tỏ sự ganh tị đối với khán giả Việt Nam khi trong một năm được đón tiếp nhiều sao đến vậy.

Nhưng còn có thực tế Kpop khi xâm nhập Việt Nam lại bị định hình một cách méo mó qua các hành động không đẹp của fan cuồng. Trong đêm nhạc Việt – Hàn tháng 3/2012, có fan không ngại lên forum đổi “tình một đêm” để lấy vé vào xem nhóm nhạc Super Junior lần đầu diễn tại Hà Nội. Trước khi diễn ra đêm nhạc, nhiều fan cuồng gây ồn ào bằng cách phá hàng rào an ninh, xông vào Trung tâm hội nghị Quốc gia làm một số người đứng sát hàng rào suýt bị đè bẹp.

Sau đó một tháng, dư luận lại không khỏi bàng hoàng khi nhìn thấy những hình ảnh đẫm máu của người hâm mộ chờ xem nhóm Big Bang tại đêm nhạc Soundfest tháng 4/2012. Hàng loạt trường hợp ngất xỉu, co giật, chen lấn, dẫm đạp dẫn đến bị thương, thậm chí là cả máu me đầm đìa do bị vật cứng ném vào đầu làm khán giả có mặt sợ hãi, hoảng loạn.



Các fan nam ôm nhau òa khóc khi đi đón nhóm T-ara ở sân bay Nội Bài hồi cuối tháng 11. Ảnh: Anh Tuấn.

Cuối tháng 11, hình ảnh các fan nam ôm nhau òa khóc khi nhìn thấy 7 cô gái nhóm T-ara ở sân bay Nội Bài trở thành đề tài nóng trên mạng trong nhiều ngày liền. Nhiều ý kiến trái chiều nổ ra, nhà thơ nổi tiếng Đỗ Trung Quân cũng vào cuộc bằng một bài thơ cảnh tỉnh khán giả cuồng si Kpop, ra sân bay chỉ để “đón đứa lạ huơ lạ hoắc”. Tuy nhiên, hình ảnh người hâm mộ đa số đều là sinh viên, học sinh vật vờ, khóc lóc ở sân bay cả ngày mong đón thần tượng đã trở thành quen thuộc mỗi khi có nhóm nhạc hay ngôi sao nổi tiếng Hàn Quốc tới Việt Nam.

Qua nhiều trường hợp thể hiện lòng hâm mộ một cách thái quá, fan cuồng Kpop vô tình được dư luận đặc biệt quan tâm. Thậm chí, vấn đề này còn là “cú hích” mạnh mẽ để Bộ giáo dục Việt Nam đưa “thảm họa” fan cuồng vào đề thi Văn đại học khối C, D năm nay. Những người trước nay chưa biết nhạc Hàn là gì, các nhóm nhạc Hàn nổi tiếng là ai, giờ cũng phải chú ý đến chỉ vì hình ảnh fan cuồng đầy rẫy trên mặt báo.

Kinh doanh nhạc Hàn không dễ

Sự bùng nổ của làn sóng Hàn Quốc vài năm gần đây ở Việt Nam đã tạo nên tâm lý rằng nhạc Kpop đang phát triển mạnh mẽ và có thể “hái” ra tiền. Nhưng thực tế lại không dễ dàng như vậy.

Đa số đêm nhạc Hàn tại Việt Nam hiện nay đều “núp” mác giao lưu văn hóa và không đặt nặng vấn đề kinh doanh lời lãi. Kpop Festival 2012 vừa qua có thể coi là một phép thử đối với thị trường Việt Nam khi lần đầu tiên có một đêm nhạc Hàn tổ chức bán vé công khai. Dù được quảng bá rầm rộ bằng các thông tin bên lề câu khách và dàn sao đình đám Hàn Quốc, đêm diễn còn thừa rất nhiều chỗ trống.



Kpop Festival 2012 có sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ Hàn Quốc được yêu thích tại Việt Nam như Dong Bang Shin Ki, SNSD, T-ara, Kara... nhưng vẫn không lấp kín được sân Mỹ Đình. Ảnh: Anh Tuấn.

Trước đó, đại diện truyền thông của công ty tổ chức cho biết: “Giả dụ có bán hết 50.000 vé đi chăng nữa thì vẫn xác định là không có lãi trong đêm nhạc này”. Khán giả yêu Kpop đa số còn đang ở tuổi teen, có hâm mộ các “oppa, unnie” đến mấy thì vấn đề tài chính luôn là giới hạn. Theo thống kê từ ban tổ chức Kpop Festival 2012, những hạng vé bán chạy đều rơi ở ngưỡng vài trăm nghìn và thưa thớt dần với các giá vé từ 1 triệu tới hơn 2 triệu. Đêm nhạc M Live Mo.A cũng gặp tình trạng tương tự. Tuy ban tổ chức đã nỗ lực giảm giá vé tới 30% trong nhiều ngày liền vẫn không đủ sức nóng để lấp đầy 5.000 chỗ của Nhà thi đấu Phú Thọ.

Trước khi cho nghệ sĩ của mình đến Việt Nam biểu diễn, công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc – SM Entertainment - thẳng thắn thừa nhận: “Không nhìn thấy tiềm năng thương mại ở Việt Nam”. Xét về khía cạnh kinh doanh, thị trường Việt Nam thua xa các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, hàng loạt đêm nhạc Hàn vẫn được diễn ra để phổ biến văn hóa Hàn ở Việt Nam. Có nhiều đêm nhạc được dự tính sẵn cho năm tới như Super Junior in Vietnam - Asian Super Showcase chậm nhất sẽ diễn ra vào tháng 3/2013. T-ara hứa hẹn trở lại Việt Nam với một tour concert quanh khu vực Đông Nam Á. Chưa nhắc tới chuyện lời hay lỗ, chỉ tính riêng việc quảng bá văn hóa sâu rộng tại Việt Nam, Hàn Quốc đã có nhiều lợi thế hơn các quốc gia khác.

Theo Vnexpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm