Kể lại Mỵ Châu – Trọng Thủy bằng ballet

13/11/2010 10:58 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Mở đầu vở ballet sẽ là cảnh chàng trai - với bó hoa trên tay ngồi chờ người yêu trên phố. Chàng trai, cô gái này là hiện thân của Mỵ Châu, Trọng Thuỷ trong thời hiện đại. Sau đó, câu chuyện truyền thuyết sẽ được tái hiện…

Đó là tiết lộ của biên đạo múa người Pháp Bertrand D’at, người tiếp tục chọn mối tình bất tử này để đưa vào sân khấu trong vở ballet Mối tình thành cổ (ra mắt tại NH Lớn HN tối 24-25/11 tới).

Lần thứ 3 đưa vào ballet

50 nghệ sĩ của Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam đang trên sàn tập vở ballet Mối tình thành cổ với sự hướng dẫn của biên đạo Bertrand D’at (Pháp).  NSND Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) cho biết, truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thuỷ từng được khai thác khá nhiều trên các sân khấu tuồng, chèo, kịch nói. Gần đây nhất là vở cải lương Chiếc áo thiên nga được Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dàn dựng với kinh phí nhiều tỷ đồng.

Nhưng riêng về ballet, lần đầu tiên, truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy được dàn dựng là cách đây 30 năm. Khi đó, NSND Trần Minh dàn dựng vở ballet này cho Trường cao đẳng múa Việt Nam. Lần thứ 2, cách đây khoảng 5 năm, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM dựng vở Ngọc trai đỏ do NSND Việt Cường – Kim Quy biên đạo.


Vua và công chúa trên đường trốn chạy

Mỗi tác phẩm đều để lại dấu ấn riêng, phù hợp với dòng chảy phát triển của thời gian… Theo chia sẻ của NSND Phạm Anh Phương: “Ở lần đầu dàn dựng ballet Mỵ Châu – Trọng Thủy cách nay gần 30 năm, phải nói đúng ra đó chưa hẳn là ballet mà chỉ dừng lại ở dạng thơ múa. Nhưng đó cũng đã là nỗ lực rất đáng ghi nhận của ballet Việt Nam thời kỳ đó. Còn Ngọc trai đỏ gần như là kể lại câu chuyện theo truyền thuyết và ngôn ngữ theo kiểu ballet cổ điển có biến hoá sang múa Việt Nam… Chính vì lẽ đó, Mối tình thành cổ của VNOB không dựng theo các cách thức trước đó. Biên đạo vở này là một người Pháp. Do đó tác phẩm sẽ được khai thác dưới góc nhìn của một người nước ngoài”.


Vở sẽ dài 90 phút, ngoài phần biểu diễn của các nghệ sỹ trên sân khấu còn sử dụng màn hình minh họa. Sân khấu thiết kế rất đơn giản với màu đen làm chủ đạo, trên sân khấu chỉ có một số bục để diễn viên múa chứ không có cảnh trí. Phía trước sân khấu là màn hình đặc chủng, khi tắt màn hình người xem có thể nhìn thấy diễn viên bên trong trong khung cảnh mờ ảo, tạo nên như một giấc mơ nhìn về quá khứ.

Ballet + múa đương đại + múa dân gian

Vở ballet Mối tình thành cổ là kết quả hợp tác về nghệ thuật giữa Việt Nam và Pháp mà đơn vị thực hiện là VNOB và Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội. Kết quả là Bertrand D’at và một trợ lý người Australia đã có mặt tại Việt Nam từ nhiều tháng nay...

Chính Bertrand D’at đã lựa chọn truyền thuyết về Mỵ Châu - Trọng Thủy trong vô số đề tài, là những câu chuyện truyền thuyết, mà VNOB đưa ra... Sau tất cả, chỉ có câu chuyện tình yêu của Mỵ Châu - Trọng Thuỷ vượt qua thời gian, lay động xúc cảm của người nghệ sỹ, góp phần thức tỉnh lòng nhân ái của con người là thuyết phục được Bertrand D’at.

Ballet Mối tình thành cổ sẽ bán vé, với giá vé VIP là 500.000 đồng, ngoài ra còn rất nhiều vé mời để cách khuyến khích khán giả “nội” đến nhà hát thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao. Trong khoảng 5 năm gần đây, số tiền bán vé thu được, VNOB dùng để “tái sản xuất”, tăng thêm thu nhập cho nghệ sỹ. Trong năm 2009 đã thu được khoảng 1 tỷ đồng từ bán vé.

Trong Mối tình thành cổ, biên đạo sẽ không khai thác vở diễn ở khía cạnh chiến tranh, không phê phán ai mà chỉ khai thác tình yêu xuyên thời gian, khát vọng hướng tới hoà bình của nhân loại. Ông sẽ tái hiện truyền thuyết bằng câu chuyện tình yêu với kết thúc có hậu giống như một giấc mơ, thức tỉnh con người, gắn kết con người với nhau trong hoà bình.


Theo chia sẻ của Bertrand D’at, mở đầu sẽ là cảnh chàng trai - với bó hoa trên tay ngồi chờ người yêu trên phố. Chàng trai, cô gái này là hiện thân của Mỵ Châu, Trọng Thuỷ trong thời hiện đại. Sau đó, câu chuyện truyền thuyết sẽ được tái hiện qua 9 cảnh diễn lớn với nhiều lớp múa đôi, múa ba, múa đơn, như: cảnh đám cưới của công chúa, hoàng tử, cảnh hoà bình, cảnh nhà vua và công chúa chạy trốn, khúc nguyện cầu của hoàng tử... Kết thúc chính là cảnh chàng trai, cô gái đã gặp được nhau và trao cho nhau món quà ngọc trai đỏ biểu hiện của tình yêu vĩnh cửu. Mối tình thành cổ sẽ là tác phẩm có sự kết hợp giữa nghệ thuật ballet cổ điển với múa đương đại, múa dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ.

 Duy An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm