18/09/2019 16:49 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Liên tiếp các vụ giết người được khoác cái áo “vì tình yêu” xảy ra thời gian vừa qua gây bàng hoàng dư luận. Nạn nhân và hung thủ - người thì bị tước đoạt mạng sống, người thì sẵn sàng nhận bản án kết tội của Tòa án hoặc tự sát ngay sau khi gây tội ác.
Trước xu hướng gia tăng những "vụ án hận tình”, khi truy nguyên nguồn gốc, chuẩn mực, đạo lý và bài toán xây dựng nhân cách con người, dư luận cũng bị ám ảnh với câu hỏi: Làm thế nào để ngăn chặn những thảm án đau lòng này?
Tội ác đột lốt tình yêu
Sáng sớm 16/9/2019 là những khoảnh khắc cuối cùng của hai nữ sinh 19 tuổi, Sùng Thị M.L, quê ở Điện Biên, và Ngô Thị X, quê ở Hải Dương, tại phòng trọ ở phố Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Giàng A Dông, sinh năm 1996, quê ở Điện Biên (có quan hệ tình cảm với Sùng Thị M.L) đã dùng dao cướp đi mạng sống của hai cô gái và tiếp tục truy sát ba nữ sinh còn lại trong phòng nhưng rất may, cả ba đã kịp chạy thoát thân. Ngay sau khi gây tội ác, Giàng A Dông đã tự tử. Nguyên nhân là do ghen tuông rồi cuồng sát.
Vụ án mạng với những tình tiết, bi kịch như trên không phải là hiếm trong thời gian gần đây. Ngày 1/4/2019, hai vụ trọng án đã xảy ra tại chân cầu Non Nước (thành phố Ninh Bình) và tại Khu công nghiệp VSIP (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) với nguyên nhân bắt nguồn từ mâu thuẫn tình cảm nam, nữ. Trước đó vào cuối tháng 3, Lê Quốc Khải (33 tuổi, ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) đã dùng dao đâm chết người yêu. Tháng 10/2018, tại phố Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) Phạm Văn Viên, sinh năm 1994, quê ở Hải Dương, cũng sát hại người yêu bằng dao găm.
Điểm chung trong những vụ án này là ghen tuông, thù hận vượt tầm kiểm soát, các đối tượng nam sau khi gây án thì tự sát hoặc sẵn sàng chấp nhận sự trừng phạt của pháp luật, thể hiện tâm lý đường cùng.
Báo cáo mới đây của Bộ Công an về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019 cho biết: Cơ quan điều tra các cấp đã điều tra, làm rõ 33.470 vụ phạm pháp hình sự. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp.
Còn số liệu từ Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm cho thấy, mỗi năm có khoảng 90% số vụ án giết người do các nguyên nhân xã hội như mâu thuẫn ái tình, hiềm khích, trả thù cá nhân…, đặc biệt trong số các vụ giết người thì có 18-20% là do những người thân, người quen giết nhau.
Truy nguyên gốc rễ
Lý giải những bi kịch tình yêu đôi lứa đang để lại nhiều suy nghĩ, lo âu cho xã hội, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia về tội phạm học ở Bộ Công an, cho biết: Các vụ án do mâu thuẫn tình cảm dẫn đến đoạt mạng đều tập trung ở hai động cơ. Thứ nhất là do ghen tuông, thứ hai là do thù tức. Truy nguyên gốc rễ ác tính trong những đối tượng gây án cho thấy có những tác động tiêu cực từ môi trường xã hội hiện nay. Và những tiêu cực đó tồn tại trong môi trường sống hàng ngày, tác động trực tiếp lên quá trình hình thành nhân cách và định hướng giá trị của con người, nhất là với giới trẻ.
Theo phân tích của Trung tá Đào Trung Hiếu, đang có nhiều lỗ hổng trong bài toán xây dựng con người, dẫn đến hệ lụy là sự vô cảm. Và đây là nguồn cơn sâu xa của bạo lực. Với những vụ trọng án xuất phát từ tình ái, thù tức, ghen tuông thì thủ phạm sống trên cái nền tâm lý chung đó, lại gặp hàng loạt yếu tố bất lợi khác tác động nên có xu hướng chọn giải pháp “tự xử” – tự mình thay mặt pháp luật để xử án, dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.
“Sử dụng cách giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực chủ yếu rơi vào nhóm thanh thiếu niên. Nhóm xã hội này đang chịu những tác động rất xấu của môi trường, đó là văn hóa phẩm đồi trụy, độc hại, các trò game online bạo lực. Những thứ này dễ làm người trẻ đắm chìm và hành động theo thói quen trong thế giới ảo. Hơn nữa, chính lối sống vô cảm của một số người lớn tuổi, sự thiếu trách nhiệm, sẵn sàng tàn nhẫn với người khác... vô hình trung trở thành khuôn mẫu ứng xử cho lớp trẻ khi vướng phải các vấn đề cần giải quyết”, Trung tá Đào Trung Hiếu phân tích.
Thiếu kỹ năng hóa giải xung đột
Dưới góc độ tâm lý tội phạm, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) nêu rõ: Ghen tuông vốn là bản năng, xu hướng tất yếu trong mỗi con người. Nhưng khi có sự hiểu biết về pháp luật, có kỹ năng quản lý xung đột thì những mâu thuẫn được kiềm chế, không dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, gây nên những vụ thảm án, thảm sát và tự sát.
Theo Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, mâu thuẫn tình cảm thường bị đẩy lên rất cao bởi tính tự trọng, tính ích kỷ, tính tham lam, tính cố chấp và tính chiếm đoạt tiềm ẩn trong mỗi người. Mâu thuẫn tích tụ lâu dài, không được hóa giải kịp thời thì cấp độ, sự quyết liệt trong hành động càng dữ dội.
Yếu tố nạn nhân ((phản ứng của người bị hại khi gặp xung đột) cũng là tác nhân rất quan trọng. Khi xảy ra mâu thuẫn, các nạn nhân cần kiềm chế, tránh có những hành vi, lời nói, hành động, cử chỉ, thái độ kích động, chạm tự ái sâu sắc của người đang yêu. Không đẩy đối tượng vào thế tận cùng, bị tổn thương quá lớn, bị kích động, không còn gì để mất. Tránh để người yêu trở nên hằn học, cay cú, đau đớn và bức xúc, chỉ hành động theo bản năng, giải tỏa tức thì những gì chất chứa, ấp ủ.
“Kỹ năng hóa giải vấn đề đối với nạn nhân là vô cùng quan trọng. Trong những trường hợp xảy ra mâu thuẫn về mặt tình cảm thì chính nạn nhân, thường là nữ, phải có kỹ năng kiểm soát hành vi. Phải để người kia hiểu rằng tình yêu không chỉ có một, phía trước vẫn là bầu trời, cuộc sống sau đó sẽ vẫn tiếp diễn. Phải có cách thức làm dịu đi những cơn đau, làm dịu đi những bức xúc”, chuyên gia tội phạm học Đỗ Cảnh Thìn phân tích.
Hạnh Quỳnh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất