10/03/2013 14:36 GMT+7 | Đọc - Xem
(lienminhbng.org) - Không ít người thích đi du lịch một mình, để tự do hưởng thụ mọi chuyển dịch tươi mới của cuộc sống. Sự cô đơn đó là dịp ta được hiểu hơn bản thân mình.
Bất hạnh là một tài sản - Một mình ở châu Âu (Nhã Nam & NXB Trẻ, 2013) là tuyển tập những ký hành trình của nữ nhà văn Phan Việt, khi đi qua các vùng đất châu Âu. Thường trong các trang viết vẫn xuất hiện nhiều người trong hành trình đó, thế nhưng sâu lắng lại, giữa đám đông thì tác giả vẫn cứ một mình.
Giữa đám đông vẫn cứ một mình
Có lẽ bởi ý nghĩ này mà Phan Việt đặt một tít nhỏ cho cuốn sách của mình: “Khi bất hạnh là một tài sản”. Quả tình, với người ưa sống trong ngôn ngữ văn chương, thì bất hạnh, nỗi buồn, sự cô đơn quả là một tài sản, khi biết biến chúng thành những ẩn ức và tạo tác một câu chuyện hay để kể.
“Như mọi câu chuyện có tính hồi ký khác, đây chỉ là ký ức của tôi, sự thật của tôi; nó không chắc là sự thật duy nhất” (lời Phan Việt). Dĩ nhiên, sự thật qua điểm nhìn của một cá nhân, thì vẫn mang tính cá nhân.
Sợ thì cũng phải làm
“Sợ thì cũng phải làm”, lời đề từ cho 343 trang sách - những ghi chép nhật ký hành trình - phần nào nói lên tâm trạng phổ biến của Phan Việt, khi dấn thân vào cái “một mình” giữa miền đất lạ không thể lường hết những bất trắc xảy ra này. Và sợ, thì cũng rất phải, khi vừa bước chân đến Ý, đã bị tay lái taxi “trông giống hệt Roberto Baggio” (T18) lừa tiền. Thế đấy, cái đẹp bề ngoài không liên quan gì đến thói tham lam chiếm đoạt bên trong. Và người dễ rung động trước cái đẹp, dẫu có thể linh cảm thấy nỗi phiền hà, nhưng vẫn cứ chịu để bị lừa, rồi để tức tối, và ném tờ 10 euro vào mặt gã trai, không hẳn vì tiếc tiền, mà vì ức đã bị mất cảm giác đang là tốt.
Người đàn bà của tuổi 35, lang thang hoang hoải từ Đức, sang Ý, Đan Mạch, Pháp, rồi Anh… với cái nhìn của một khách du lịch phương xa, lưu tâm từ mùi nước hoa lạ, cho đến người với người đông đến là đông, rồi chợ với sự sạch, ngăn nắp, mơn mởn rau quả, phong phú đồ ăn, và dĩ nhiên, những cảnh vật mới mẻ làm cho tâm hồn bớt những hờn đau đang mưng mủ.
Bìa tuyển tập Một mình ở châu Âu. |
Đến với Một mình ở châu Âu của Phan Việt, không chỉ dừng lại thế, bạn còn phải đi vào các diễn biến nội tâm của chị. Phan Việt đi để tìm quên, khi nhận ra đã mệt mỏi với Sơn, chồng chị - người ngỡ có thể bên nhau đến hết cuộc đời:
“Tôi đã mệt rồi. Tôi thực sự đã mệt rồi. Tôi yêu Sơn nhưng sống với anh khó quá. Nó không khác gì xây nhà dưới chân một ngọn núi lửa âm ỉ cháy; tôi không bao giờ biết trước lúc nào thì núi lửa phun trào; chỉ biết mỗi lần phun trào thì tất cả mọi thứ quanh chân núi đều bị hủy diệt” (T15).
Cái sự đi, đơn giản là bước qua hành trình này, tìm đến một hành trình khác.
Nhưng cứ mang cái tâm trạng của “hủy diệt” trong mình, thì đi đâu vẫn cứ là “sợ” vẫn cứ là “đau” trong cái “một mình”.
Phan Việt (1978) là tác giả các tập truyện ngắn Phù phiếm truyện (2005, giải Nhì cuộc Vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần 3); Nước Mỹ, nước Mỹ (2009); tiểu thuyết Tiếng người (2008); và bộ sách Bất hạnh là một tài sản (2013). Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, chị lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Chicago và hiện là Phó giáo sư, giảng dạy đại học tại Mỹ. Ngoài viết văn, Phan Việt còn viết báo, dịch, hiệu đính và biên tập sách. Chị là đồng sáng lập tủ sách Cánh cửa mở rộng với nhà toán học Ngô Bảo Châu và NXB Trẻ nhằm dịch và giới thiệu sách hay tới bạn đọc Việt Nam. |
Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất