Lễ hội thờ Thánh Tổ Lạc Long Quân thành di sản văn hóa quốc gia

05/04/2014 15:07 GMT+7 | Di sản

(lienminhbng.org) - Sáng 5/4 (tức mùng 6/3 âm lịch), tại đền Nội hay còn gọi đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân thuộc làng Bình Đà, xã Bình Minh, UBND huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã long trọng tổ chức lễ đón Bằng công nhận di sản phi vật thể Quốc gia Lễ hội thờ Thánh Tổ Lạc Long Quân. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đến dự.

Sau khi ôn lại giá trị lịch sử - văn hóa Lễ hội thờ Thánh Tổ Lạc Long Quân, đồng chí Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã trao Bằng công nhận di sản phi vật thể Quốc gia Lễ hội thờ Thánh Tổ Lạc Long Quân cho đại diện lãnh đạo huyện Thanh Oai, xã Bình Minh và người dân Bình Đà.

Buổi lễ tiếp nối bằng nghi thức trống hội và múa rồng, đọc chúc văn và dâng hương. Đặc biệt, nghi lễ rước và thả bánh Thánh ở giếng Ngọc thu hút đông đảo người dân trong vùng tham gia. Sau lễ dâng hương, đồng chí Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã trồng cây lưu niệm tại khuôn viên đền thờ Thánh Tổ Lạc Long Quân.

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Hồng Yên cho biết chương trình hành động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội thờ Thánh Tổ Lạc Long Quân. Theo đó, huyện Thanh Oai và xã Bình Minh tập trung tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức để giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hóa lễ hội, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị to lớn của lễ hội. Đồng thời, tạo điều kiện cho cộng đồng bảo vệ các hình thức sinh hoạt, nghi lễ truyền thống và thực hành lễ hội; có kế hoạch phục hồi các lễ tiết truyền thống.

Làng Bình Đà (Bảo Đà xưa) được người dân truyền tụng là nơi Lạc Long Quân đưa các con về xây dựng cơ nghiệp. Đền Nội là nơi phụng thờ Đức Tổ Lạc Long Quân và Linh Lang Đại Vương, người có công với dân làng. Để tri ân hai vị Thánh, người dân Bình Đà lấy ngày hiển Thánh của Linh Lang (26/2 âm lịch) làm ngày khai hội và ngày Đức Lạc Long Quân hiển Thánh (mùng 6/3) làm ngày chính hội.

Với lòng thành kính, từ hàng trăm năm nay, người dân Bình Đà đã duy trì lễ hội truyền thống với những hình thức thực hành tín ngưỡng độc đáo như: Tế bò sống, thả bánh Thánh, lễ tế Trào bằng hình thức mật cúng… chứa đựng nhiều giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc, thu hút đông đảo các thế hệ dân cư trong vùng và địa phương khác về dự hội.

Đinh Thị Thuận

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm