Uyên Linh vẫn chưa... “chấm xuống dòng”

04/01/2013 06:05 GMT+7 | Âm nhạc


(lienminhbng.org) - Có nhiều lý do để người ta quan tâm, chờ đợi và cả kỳ vọng ở live show Uyên Linh và những người bạn tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối Chủ nhật cuối cùng của năm 2012, khi Vietnam Idol 2012 đang đi đến chặng cuối và cầm chắc khả năng không có “hiện tượng” như Uyên Linh 2 năm trước.

Những người trẻ

Rất hiếm gặp những chương trình ca nhạc chất lượng mà ca sĩ tham gia lại toàn những người trẻ, những tên tuổi vừa chân ướt chân ráo bước ra khỏi các cuộc thi hát. Người hát tình ca đã làm việc ấy, một màu sắc tươi mới, một bộ mặt khác của đời sống âm nhạc được giới thiệu đến khán giả, ở đó không có diva, divo, không nhạc xưa, nhạc Trịnh… (chỉ hơi tiếc chương trình có vẻ thiếu bàn tay đạo diễn và kịch bản cũng sơ sài).

Những người trẻ ở đây là Uyên Linh, là Trung Quân (Top 10 Vietnam Idol 2010), Đông Hùng (Top 3 Sao Mai - Điểm hẹn 2012) và Dương Trần Nghĩa (thí sinh Giọng hát Việt, bị loại từ vòng Live show). Cả bốn đều có quãng giọng tốt và thể hiện được khả năng xử lý bài hát văn minh. Họ là thế hệ ca sĩ đang bám sát đời sống âm nhạc đương đại của thế giới chứ không chỉ gói gọn trong làng nhạc nội. Nếu so với những thế hệ ca sĩ trước họ, dù có là người thủ cựu nhất cũng phải thừa nhận họ có sự toàn diện hơn khi ở vị trí ca sĩ. Họ chủ động hơn với bài hát và không bị lệ thuộc vào phối khí, vào sự dẫn dắt của những người đệm đàn, điều mà chỉ những ca sĩ có khả năng chơi nhạc cụ làm được.


Dàn nhạc đệm của chương trình, với nhạc sĩ Thanh Phương, Quốc Trung, Lưu Hà An, tay bass Phan Kiên, guitar Trần Thắng, tay trống Hùng Cường của nhóm rock Ngũ Cung đã làm rất tốt vai trò của mình và giữ 50% ngọn lửa thành công cho chương trình. Không chỉ thế, chương trình còn mang đến cho khán giả một tiết mục dù chỉ mang tính “trang trí” nhưng lại rất thú vị, đó là sự xuất hiện của nghệ sĩ đàn dân tộc Ngô Hồng Quang trong câu chuyện về sự ra đời bài hát Người hát tình ca của nhạc sĩ Lưu Thiên Hương. Chỉ hơi đáng tiếc khi cả Lưu Thiên Hương và nhạc sĩ Quốc Trung đều gọi nhầm tên nghệ sĩ này là… Lê Quang khiến anh phải đính chính!

Nhân vật chính

Trước khi Người hát tình ca diễn ra, Uyên Linh và nhà sản xuất của cô - nhạc sĩ Quốc Trung - đứng trước câu hỏi: Uyên Linh đang ở đâu trong thị trường âm nhạc, sau những ồn ào quá mức từ thành công của Vietnam Idol 2 năm trước? Khi ấy, Uyên Linh lý giải cho điều này rằng cô “nhạt” còn nhạc sĩ Quốc Trung thì nói: “Uyên Linh cần một dấu chấm xuống dòng”. Những thắc mắc đó đã được giải đáp qua chương trình này.

Uyên Linh đã nhún mình xuống trước những đàn anh đàn chị đến mức mất hẳn đi sự kiêu hãnh cần phải có ở một cá tính âm nhạc

Uyên Linh nổi tiếng, Uyên Linh có phong cách, có nhạc cảm tốt, Uyên Linh tìm được lối riêng để khai phá những điều tiềm ẩn trong các bài hát không mới và sở hữu khả năng biến những ca khúc mới thành “hit”... Tuy nhiên, những điều đó ở Uyên Linh chỉ thuyết phục được một bộ phận khán giả và cô chưa hoàn toàn được đón nhận vì tính cố hữu trong thưởng thức của không ít người nghe. Trong khi đó, những công chúng đã chấp nhận cô kể từ Vietnam Idol lại chờ đợi ở Uyên Linh một sự đột phá nào đó để cô có thể bật hẳn lên thành một ca sĩ có đẳng cấp. Nhưng Uyên Linh chưa làm họ thỏa mãn dù không hẳn cô giậm chân tại chỗ hoặc chìm nghỉm như nhận định của vài bài báo, bằng chứng là cô vẫn đi hát đều đặn cả trong nước lẫn nước ngoài, xuất hiện trên các sân khấu lớn bên cạnh những tên tuổi, có bài hát đứng ở vị trí đầu của một số bảng xếp hạng…

Cái khác ở Uyên Linh hiện tại là cô đã nhún mình xuống trước những đàn anh đàn chị đến mức mất hẳn đi sự kiêu hãnh cần phải có ở một cá tính âm nhạc. Sự nhún mình đó không chỉ thể hiện trong lời nói của cô trước công chúng, chẳng hạn như cách cô cảm ơn các tiền bối trong đêm nhạc Người hát tình ca, mà còn ở cách cô xuất hiện và biểu diễn bên họ. Uyên Linh có lý khi làm như thế, bởi sự nổi lên nhanh quá đã khiến cô phải chịu những gièm pha từ tứ phía, nơi luôn hiện hữu tư tưởng hẹp hòi. Sau những “trận đòn” từ truyền thông, từ chính đàn anh đàn chị, Uyên Linh luôn nói đến việc cô không được đào tạo bài bản và tỏ lòng kính nể những người đi trước. Nhưng công bằng mà nói, Uyên Linh không cần phải như vậy, bởi suy cho cùng, cô hát là để cho công chúng nghe chứ không phải cho các đàn anh đàn chị nghe. Chưa kể, về việc đào tạo bài bản, không hẳn tất cả các bậc tiền bối của cô đều đã kinh qua, nếu có khác thì là họ được tiếp xúc với âm nhạc từ rất sớm còn Uyên Linh thì không. Lẽ ra, với một người không được đào tạo bài bản, không được tiếp xúc với âm nhạc từ nhỏ mà vẫn có được sự cảm thụ âm nhạc tốt đến vậy thì càng phải được trân quý. Nếu có sự thui chột ở Uyên Linh, như ai đó nhận định, thì đó là do chính Uyên Linh không thắng được bản thân mình, không có được chính kiến với những người đi trước và tự thỏa hiệp để nghiễm nhiên bỏ qua việc tạo ra những thách thức cho con đường cô đi.

Về điểm này, có lẽ Uyên Linh nên nhìn vào một tấm gương khác: nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Nổi lên cũng từ một cuộc thi hát, Sao Mai - Điểm hẹn mùa đầu tiên vào năm 2004 khi gắn với Tùng Dương, Lê Minh Sơn cũng chịu nhiều búa rìu, gièm pha từ phía đồng nghiệp. Nhưng dường như, càng bị ghét, Lê Minh Sơn càng thách thức họ, thách thức chính anh, và kết quả là anh vẫn tồn tại với một cá tính không thể trộn lẫn.


Và nhà sản xuất

Sẽ là thiếu sót khi nhìn nhận Uyên Linh mà quên đi vai trò của nhạc sĩ Quốc Trung. Họ gắn bó với nhau trong vai trò nhà sản xuất - ca sĩ ngay sau khi Vietnam Idol kết thúc, trong sự chờ đợi, hy vọng về một sản phẩm có tính bùng nổ nào đó. Nhưng đáp lại, sau hơn một năm, album đầu tay của Uyên Linh khiến những người chờ đợi “cặp đôi hoàn hảo” này cảm thấy hụt hẫng. Album vỏn vẹn 7 bài thì 3 bài “bê nguyên” từ Vietnam Idol ra (Chỉ là giấc mơ, Take Me To The River, Sao chẳng về với em). Album đã trình làng được 2 bài hát: Mượn Người hát tình ca như 2 nhân tố mới gắn liền với Uyên Linh. Thoạt nghe, 2 bài hát có vẻ như chưa đủ sức nặng với Uyên Linh như những gì cô đã thể hiện trước đó với những bài hát cũ. Nhưng bằng cách thức riêng của nhà sản xuất, hoặc tác động của các nhà tổ chức những sân chơi kiểu như Bài hát Việt, Bài hát yêu thích… đã khiến cho 2 ca khúc phần nào ghi dấu ấn trong lòng công chúng.

Với Uyên Linh, việc biến một ca khúc mới tinh trở thành ca khúc gắn với mình là một điểm cộng. Song điểm cộng đó không phải sự bứt phá, nó cũng chưa đáp ứng được kỳ vọng và phần nào chưa sánh được với dấu ấn về cảm xúc mà Uyên Linh đã làm được với những bài hát cũ cô thể hiện trong Vietnam Idol. Xét về mặt ca khúc, 2 bài không quá nổi bật mà chỉ đơn thuần mang hơi thở của thời đại nhiều hơn. Và hơi thở đó rất cần sự hỗ trợ của phối khí, hòa âm. Trong khi đó, có vẻ như Uyên Linh, một người hát bằng bản năng, lại thích hợp hơn với những ca khúc tự thân đã có sức mạnh tâm hồn, giống như những ca khúc cô đã hát khi thi, chứ không phải những bài hát theo xu thế mới mà sự hoàn thiện của nó rất cần sự bổ trợ của hòa âm, phong cách hay nhạc công.

Trước đây, Quốc Trung vẫn khiến người ta tưởng tượng ra hình ảnh một nhạc sĩ chỉ cặm cụi làm việc, rất ít nói. Sau Vietnam Idol, hình ảnh của anh đã thay đổi, hình như anh phát hiện ra một khả năng khác của mình còn tiềm ẩn bấy lâu, đồng thời anh tìm ra một cách làm việc mới. Với vai trò nhà sản xuất của Uyên Linh, xem ra Quốc Trung đang chú trọng hơn vào vấn đề xuất hiện của ca sĩ. Nhưng điều không thể thiếu của một nhà sản xuất là khai thác khả năng và kích thích sự sáng tạo của ca sĩ, và việc đó không có cách nào khác ngoài đầu tư nghiền ngẫm và tư duy trong âm nhạc.

Đã manh nha có những ý kiến tỏ ra tiếc cho cặp đôi này. Thực ra không có gì đáng tiếc. Với Uyên Linh, sự thăng hoa của cô trong Vietnam Idol đã gần lên đến đỉnh của đồ thị hình sin. Vì vậy đòi hỏi cô có một sự bứt phá mạnh mẽ hơn, e rằng hơi khó. Còn với Quốc Trung, trước giờ các ca sĩ tìm đến anh mời làm nhà sản xuất các sản phẩm khi họ đã thành danh. Vậy thì có tiếc không khi anh không đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ với việc biến một ca sĩ trở thành một tượng đài? Điều này dường như vẫn chưa được kiểm chứng.

Mio
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm