Liệu có cần tiêm mũi vaccine tăng cường hàng năm để ngừa Covid-19?

14/12/2021 15:03 GMT+7 | Bạn cần biết

 (lienminhbng.org) - Trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan mạnh và việc tiêm mũi vaccine tăng cường đã được áp dụng cho người từ 16 tuổi trở lên tại Mỹ, một loạt câu hỏi được đặt ra.

Vaccine giúp giảm nguy cơ tử vong và các triệu chứng Covid-19 kéo dài khi nhiễm biến thể Omicron

Vaccine giúp giảm nguy cơ tử vong và các triệu chứng Covid-19 kéo dài khi nhiễm biến thể Omicron

Một nghiên cứu mới đây cho thấy hiệu quả của vaccine trước biến thể Omicron dường như thấp hơn so với các biến thể khác, song vaccine vẫn giúp ngăn chặn tốt nguy cơ bệnh trở nặng, và giảm nguy cơ tử vong ở người nhiễm biến thể siêu lây nhiễm này.

Chúng ta có phải tiêm mũi tăng cường thứ tư như Giám đốc Điều hành (CEO) của hãng Pfizer, Albert Bourla, gợi ý hay không? Chúng ta có cần chuẩn bị để tiêm mũi tăng cường trong vài năm tới cho đến khi dịch COVID-19 được kiểm soát hoàn toàn hay không? Hay chúng ta sẽ phải tiêm định kỳ hằng năm giống như vaccine phòng cúm trong suốt phần đời còn lại của mình?

Đến nay, các chuyên gia vẫn chưa biết mỗi người cần tiêm bao nhiêu mũi vaccine ngừa COVID-19 hoặc tần suất các mũi tiêm như thế nào. Nhưng có một số yếu tố đáng quan tâm khi bàn về điều này.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Los Angeles, California (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Thứ nhất, tiêm mũi tăng cường có thể kéo dài thời gian bảo vệ của vaccine. Đúng vậy, việc tiêm mũi tăng cường chính xác là nhằm tăng khả năng tự vệ của cơ thể chống lại một mầm bệnh đặc biệt. Giáo sư Bernard Camins, người phụ trách phòng tránh lây nhiễm tại Hệ thống Y tế Mount Sinai, cho biết không có gì bất thường khi phải tiêm mũi tăng cường để tăng khả năng bảo vệ của vaccine. Các loại vaccine phòng sởi, bạch hầu và rubella cho trẻ em cũng cần hai mũi. Và với vaccine ngừa COVID-19 cũng vậy, cần tiêm mũi nhắc lại.

Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu hai nhân tố chính quyết định liệu có cần thêm các mũi nhắc lại hay không: một là có phải khả năng bảo vệ của vaccine luôn giảm theo thời gian và hai là liệu các vaccine ngừa COVID-19 hiện nay sẽ tiếp tục đáp ứng tốt với các biến thể virus đang hoành hành? Nếu khả năng bảo vệ giảm theo thời gian như trong trường hợp hai mũi tiêm đầu tiên, thì chúng ta có thể sẽ cần thêm các mũi tăng cường để tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.

Giáo sư Gabor Kelen, Chủ nhiệm Khoa dược khẩn cấp tại Đại học Johns Hopkins, cho biết: “Sau 6 tháng, vaccine của Moderna và Pfizer giảm khả năng miễn dịch. Và ý tưởng tiêm mũi tăng cường chính xác là vì như vậy: hãy nâng cao khả năng miễn dịch của bạn và tạo kháng thể nhiều đến mức có thể tăng khả năng bảo vệ”.

Khi khả năng miễn dịch giảm dần và biến thể Delta hoành hành, chúng ta đã chứng kiến nhiều ca nhiễm ở những người đã được tiêm, dù rằng tỷ lệ nhập viện và tử vong do COVID-19 khá thấp trong số người đã tiêm phòng.      

Giáo sư Thaddeus Stappenbeck, Chủ nhiệm khoa viêm và miễn dịch tại Viện nghiên cứu Cleveland Clinic Lerner, thừa nhận: “Chúng ta chưa có câu trả lời chính xác cho câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu mũi tăng cường bằng các vaccine của Moderna và Pfizer có cung cấp khả năng miễn dịch trong thời gian dài hay  cần phải tiêm nhắc lại định kỳ”.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

Nếu một biến thể của virus SARS-CoV-2 có thể né tránh tốt khả năng bảo vệ mà các vaccine hiện nay tạo ra, sẽ cần tiêm mũi tăng cường. Và các mũi tăng cường trong tương lai có thể ứng phó với nhiều biến thể đặc biệt.

Chuyên gia Camins cho biết hiện có “một vài điểm chưa tương thích” giữa vaccine và biến thể Delta, nhưng không quá nghiêm trọng để khiến vaccine vô hiệu. Nhưng với biến thể Omicron, sự chưa tương thích này còn nhiều hơn.      

Dữ liệu sơ bộ công bố tuần trước cho thấy 3 mũi vaccine của Pfizer/BioNTech tạo miễn dịch với biến thể Omicron, tương đương khả năng miễn dịch mà hai mũi vaccine của Pfizer có thể tạo ra để chống lại các biến thể trước. Nhưng kết quả của một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy những người chỉ tiêm hai mũi sẽ sinh ít kháng thể hơn những người đã tiêm mũi tăng cường.

Tất nhiên, các phát hiện trong phòng thí nghiệm này sẽ cần được chứng thực bằng các dữ liệu nghiên cứu trên thế giới thực trước khi các chuyên gia có thể đưa ra kết luận về mức độ hiệu quả của vaccine của Pfizer trước biến thể Omicron, cũng như có cần một loại vaccien hoàn toàn mới hay không.

Cả Pfizer và Moderna đều thông báo sẽ nghiên cứu các phiên bản vaccine đặc biệt chống biến thế Omicron và dự kiến sẽ bào chế được vào tháng 3/2022 nếu cần. Chuyên gia Kelen cho biết: “Nếu biến thể Omicron không trở nên nguy hiểm hơn hoặc gây tử vong nhiều hơn so với các biến thể trước, chúng ta có thể không cần một vaccine mới”. Nhưng có thể sẽ đến một lúc mà một biến thể mới “thực sự có khả năng né tránh” hệ miễn dịch mà các vaccine tạo ra, và đó là lúc cần một phiên bản vaccine mới.

 Theo các chuyên gia, hiện còn quá sớm để khẳng định có cần tiêm mũi tăng cường và bao lâu cần tiêm nhắc lại. Nhiều chuyên gia cho rằng tiêm tăng cường sẽ có thể phải thực hiện hằng năm như vaccine phòng cúm và có thể một ngày nào đó, chúng ta sẽ gộp vaccine phòng cúm với COVID-19. Trên thực tế, hãng Moderna đang nghiên cứu khả năng này.

Để xác định có cần tiêm mũi tăng cường để bảo vệ mình trước biến thể Omicron hay không, chuyên gia Stappenbeck cho biết: “Điều chúng ta cần làm là theo dõi các ca nhiễm sau tiêm. Nếu ngày càng có nhiều ca như vậy, có thể phải cân nhắc tiêm mũi thứ tư”.Chuyên gia Camins nhấn mạnh dù chưa thể biết liệu có phải tiêm phòng COVID-19 suốt đời như tiêm phòng cúm hay không, nhưng có một điều chắc chắn rằng nếu còn nhiều người chưa tiêm phòng thì số ca nhiễm còn tăng và đó chính là điều kiện để nhiều biến thể mới xuất hiện, khiến chúng ta cần phải tiêm nhắc lại.

Bích Liên/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm