Buồn trông tranh giả Việt Nam

15/05/2016 10:29 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Ngày 12/5 tại Paris, Pháp, hai tranh bị nghi ngờ làm giả của danh họa Mai Trung Thứ (1906-1980) và Vũ Cao Đàm (1908-2000) lên phiên đấu Nghệ thuật ấn tượng, hiện đại và đương đại của nhà Auction.fr.

Đây là nhà đấu giá có tiếng tăm, với chi nhánh và văn phòng ở nhiều nơi, hiển nhiên đội ngũ thẩm định - cố vấn sẽ không ít, chắc chắn họ vẫn có tồn nghi với hai bức tranh kém phẩm chất này, nhưng tại sao vẫn đưa ra đấu giá là một câu hỏi khó.

Hai bức tranh đó là Jeunes femmes prenant le thé (Thiếu nữ uống trà, gouache và mực trên lụa, 59 x 80 cm, không rõ năm sáng tác) được gán cho Vũ Cao Đàm, và La récréation (Ra chơi, mực và bột màu trên lụa bồi, 36 x 24 cm, không rõ năm sáng tác), được gán cho Mai Trung Thứ.

Như Thể thao & Văn hóa (TTXVN) từng đề cập, nếu so với mặt bằng mỹ thuật hiện đại thời kỳ đầu trong khu vực Đông Nam Á, ít nước nào có được 2 bộ tứ, chứ đừng nói 3 bộ tứ như Việt Nam.

Các bộ tứ đó là Trí - Lân - Vân - Cẩn (tức: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn), Nghiêm - Liên - Sáng - Phái (tức: Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái) và Phổ - Thứ - Lựu - Đàm (tức: Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm).


 Bức “Giáng sinh” bên trái của Lê Phổ có giá khởi điểm cao hơn 10 lần bức bên phải. Độc giả có thể tự cảm nhận xem bức nào là giả, bức nào là thật?

Riêng bộ tứ thứ 3 (Phổ - Thứ - Lựu – Đàm), trước 1945 họ sống tại Hà Nội, sau 1945 định cư tại Paris cho đến ngày qua đời.

Thế nhưng, cũng hiếm nước nào trong khu vực lại gặp đại nạn tranh giả - tranh nhái như Việt Nam. Nếu hai bức tranh giả vừa đề cập ở trên được bán thành công, thì đau đớn thay, gần 100% danh họa Việt Nam (khoảng 20 gương mặt) đã có tác phẩm bị làm giả, làm nhái.

Đây cũng là lý do chính khiến tác phẩm Việt chưa thể vượt ngưỡng 1 triệu USD tại các phiên đấu giá, dù lịch sử và phẩm chất nghệ thuật hoàn toàn đủ cho điều đó.

Vài trường hợp đặc biệt như Bùi Xuân Phái, vốn đã có tiếng tăm trên sàn đấu giá từ 30 năm qua, nhưng hiếm tác phẩm nào của ông vượt ngưỡng 100 ngàn USD. Các nhà phân tích quốc tế cũng lấy làm lạ về trường hợp này, khi mà những tên tuổi cùng đẳng cấp với ông trong khu vực đã có giá leo thang chóng mặt.

Lý do giả & nhái

Nếu nói vì kiếm tiền mà phổ biến nạn tranh giả - tranh nhái thì chẳng cần phải đề cập nữa, nó rõ như ban ngày rồi. Nguyên nhân sâu xa hơn là do thiếu thị trường nội địa để kiểm định và cọ xát công khai. Tình trạng mua bán chuyền tay một cách dấm dúi đã tràn lan khắp nơi, trong và ngoài nước đều có.

Tại nhà đấu giá, một tác phẩm đẹp của Bùi Xuân Phái khó đạt mức khởi điểm 30-40 ngàn USD, nhưng đến một phòng tranh, một nhà sưu tập nào đó thì giá này khó giao dịch được.

Bởi họ luôn cho rằng tác phẩm của mình có là tranh thật, trong khi nhà đấu giá công khai thì chưa chắc tin và khó chứng minh cho điều đó. Với trường hợp này, ông bà ta nói chí phải: “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”.

Cách đây gần 15 năm, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn chia sẻ trên báo: “Việc nhân bản, lặp lại chính mình, nhái theo người khác đang là hiện tượng phổ biến. Cũng là hiện tượng bình thường,  bởi vì, xét đến cùng, vẽ như thế nào vẫn nằm trong khả năng, quyền hạn và trách nhiệm của mỗi cá nhân nghệ sĩ. Dĩ nhiên, người ta có thể căn cứ vào đó để định vị họa sĩ trong thế giới nghệ thuật. Nhưng định vị xong là xong. Điều này không chạm đến phạm trù đạo đức. Với tư cách người sưu tập nghệ thuật, tôi không quan tâm đến những họa sĩ đó. Họ có thể đã và đang được các chủ phòng tranh đầu tư rất mạnh”.

Tranh giả bùng nổ thời khủng hoảng kinh tế

Tranh giả bùng nổ thời khủng hoảng kinh tế

Trong thời khủng hoảng kinh tế hiện nay, nhiều người muốn giữ tiền, không phải bằng việc đầu tư vào bất động sản hay chứng khoán mà vào việc sưu tầm nghệ thuật.


Lời chia sẻ này nếu được phân tích cặn kẽ sẽ thấy được diện mạo chân thật của cái gọi là thị trường mỹ thuật Việt Nam (rất tạm bợ) lúc đó, và dường như, nó cũng đúng với hiện trạng bây giờ.

Do thiếu thị trường mỹ thuật nội địa (nơi người Việt phải mua bán, trao đổi, nghiên cứu, kiểm định… công khai về mỹ thuật Việt) nên thiếu các tổ chức thẩm định, định giá, đấu giá, bảo hiểm và cả ngân hàng.

Giả dụ chúng ta sở hữu hoặc mua một tác phẩm sơn mài của Nguyễn Gia Trí giá 2 tỷ đồng (nay tất cả sơn mài của ông đã là bảo vật quốc gia), nếu gặp biến cố về tài chính thì ngân hàng nào tại Việt Nam chịu cầm cố tác phẩm này với 30-50% giá đã mua?!

Vài nước trong khu vực, tác phẩm không chỉ dừng lại ở giá trị nghệ thuật và tinh thần, mà nó đã thật sự là tài sản có thể định giá, thế chấp, nên ngân hàng hoàn toàn có thể cầm cố, bảo chứng.

Những năm cuối của thập niên 1990, khi mỹ thuật Việt đang có sức hút trên thương trường quốc tế, nhà đấu giá danh tiếng Sotheby’s đã cử chuyên gia đến TP.HCM để tìm hiểu việc lập văn phòng tại đây. Nhưng sau một thời gian ngắn họ đã rút lui, chỉ vì Việt Nam còn thiếu nhiều cơ sở đời sống và pháp lý để mở một phiên đấu giá đúng bài bản. Thiếu các phiên đấu giá nội địa là thiếu công cụ hữu hiệu để làm giá, nâng giá.

Nội địa phải chịu trách nhiệm?

Trước đây, Thể thao & Văn hóa từng có một phân tích chi tiết về tình trạng “gậy ông đập lưng cháu ông”, theo nghĩa, cuối cùng thị trường nội địa (những nhà sưu tập, nhà giàu, người yêu tranh… trong nước) phải chịu trách nhiệm chính về nạn tranh giả - tranh nhái.

Trách nhiệm gián tiếp là khó làm giá, nâng giá cho những tác phẩm giá trị đích thực khác, do quốc tế đang mất niềm tin. Trách nhiệm trực tiếp, do là tình trạng dấm dúi và do các nhà đấu giá có sẵn tiếng tăm chủ động tạo động tác giả để “câu” nhiều người Việt nội địa mua tác phẩm kém chất lượng mang về nước.

Chưa đủ cơ sở để khẳng định nhà Auction.fr đang tạo môi trường giả, với giá khởi điểm thấp, để hai tác phẩm kém chất lượng có đường về Việt Nam. Thế nhưng trong quá khứ điều này đã nhiều lần xảy ra, ngay với các nhà đấu giá danh tiếng nhất, như trường hợp nhà sưu tập Hà Thúc Cần đã từng gặp phải.

Hay như 5-6 năm trước, một nữ diễn viên khá nổi tiếng của Việt Nam đã cùng chồng sắp cưới đến Hong Kong (Trung Quốc) mua tác phẩm được gán cho danh họa Lê Phổ với giá hơn 210 ngàn USD, mang về treo tại Thảo Điền (quận 2, TP.HCM). Nhiều người đến xem chỉ biết e ngại lắc đầu, nhưng chẳng biết nói gì, vì đường đi nước bước của nó có vẻ rõ ràng rồi, đã qua vài phiên đấu giá. Đây cũng là mặt trái của “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”.

Hay như mới đây, tại phiên đấu Nghệ thuật hiện đại và đương đại Đông Nam Á ngày 4/4/2016 của nhà Sotheby's ở Hong Kong, họa giới thất kinh với một tác phẩm được cho là của Lê Phổ. Trong đó với ghi chú và lời giới thiệu có cánh, riêng giá bán là khá rẻ, từ 16 đến gần 24 ngàn USD. Tác phẩm này có tên Nativité (Giáng sinh, gouache trên lụa, 44,5 x 29,5 cm, 1943).

Nguồn gốc được chú thích: mua lại từ một sĩ quan cao cấp của chế độ cũ tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Với lời nhận xét đại ý: Phần lớn nghệ sĩ Đông Nam Á thời kỳ đầu, khi giao lưu phương Tây, đều chịu ảnh hưởng bởi tính thẩm mỹ và các nguyên tắc thể hiện của nước ngoài.

Lê Phổ là một trong những nghệ sĩ có cách sáng tạo, thể hiện và phân tích riêng, chẳng hạn như các nguyên tắc tôn giáo và văn hóa châu Âu, dù cuốn hút ông, nhưng ông đã tìm thấy một tiếng nói mới, mang dấu ấn văn hóa và bối cảnh sống của xứ sở mình.

Tuy nhiên, nếu ai từng theo dõi thị trường thì sẽ thấy một tác phẩm Giáng sinh (mực và gouche trên lụa, 58 x 44 cm, 1941) khác của Lê Phổ đã từng xuất hiện tại nhà đấu giá Borobudur (Singapore) hồi 16/5/2010 với giá khởi điểm từ 214.286 đến 285.714 USD.

Sau đó, tại phiếu đấu ngày 30/5/2011 của nhà Christie’s (Hong Kong), tác phẩm có giá khởi điểm từ 192.300 - 256.400 USD. Vì sao 5-6 năm sau lại xuất hiện một Giáng sinh khác chỉ có giá khởi điểm chưa bằng 1/10 của hai phiên trước đây? Không cần trả lời thì chắc độc giả cũng hình dung được lý do.

còn tiếp

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm