Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Nên duy trì phim Nhà nước, nhưng cách làm phải khác

16/10/2013 06:43 GMT+7 | Phim

(lienminhbng.org) - Với dòng phim nhà nước, đạo diễn Đặng Nhật Minh có thể coi là “người nằm trong chăn”. Trọn sự nghiệp điện ảnh của mình, ông đều làm phim bằng tiền do nhà nước cung cấp.

Mục Tiêu điểm có cuộc trò chuyện cùng ông xoay quanh chủ đề Phim Nhà nước.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh

* Đã và đang tồn tại một dòng phim Nhà nước. Không thể phủ nhận công của dòng phim này, nhưng để kể tội thì cũng vô khối. Cho đến nay đây là loại phim duy nhất làm ra không cần lo lỗ lãi. Phải chăng vì là phim làm bằng tiền thuế của dân, cha chung không ai khóc?

- Tôi là người từ xưa tới nay toàn làm phim bằng tiền của Nhà nước. Thời kỳ bao cấp thì đó là điều hiển nhiên. Đó là tiền mà như báo chí thường nói: là tiền đóng thuế của dân. Xin mở ngoặc: trong đó có tiền đóng thuế của cả tôi và những người thân trong gia đình tôi nữa. Tôi luôn nhớ điều đó nên rất quan tâm đến khán giả. Sau hơn 30 năm sáng tác điện ảnh, tôi không phải hổ thẹn gì với số tiền thuế tôi đã dùng để làm phim. Tôi khẳng định những người xem phim của tôi rất đông kể cả trong và ngoài nước. Nhiều phim làm cách đây trên 20 năm vẫn còn được chiếu trên truyền hình ở ta và nhiều nước khác. Những phim của tôi làm ra đều được nước ngoài mua để chiếu hoặc trao giải, mang lại không ít thiện cảm uy tín cho nền điện ảnh nước nhà.

* Nhưng nhìn vào thực trạng điện ảnh Việt Nam trong nhiều năm qua, thật khó để không thắc mắc: Tại sao kinh phí cấp cho làm phim to như con voi, nhưng hiệu quả lại nhỏ như con kiến?

- Tôi không có trách nhiệm trong chuyện con voi con kiến này để mà có thể trả lời cho nhà báo. Tôi chưa một lần được ngồi trong Hội đồng duyệt kịch bản của Cục Điện ảnh, quyết định cho phim nào được nhận tài trợ của Nhà nước. Cái điều vô lý đang tồn tại mà bạn nói tôi chỉ có thể đoán mò được thôi. Có thể như thế này: Khi duyệt những kịch bản để Nhà nước tài trợ hoặc đặt hàng, người ta coi trọng nội dung chính trị, tư tưởng của bộ phim tương lai hơn là chất lượng nghệ thuật của nó. Người ta chỉ quan tâm làm sao có một bộ phim với nội dung tốt, ra đúng dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc. Cái nếp nghĩ đó có từ thời bao cấp, kéo dài cho đến nay ăn sâu trong đầu người ngồi duyệt lẫn người sáng tác. Người ta chỉ cần viết sao lọt tai người duyệt và nhằm đúng dịp cần phim kỷ niệm là nộp kịch bản lên trên. Những phim như thế rất dễ được duyệt. Không biết đó có phải là lý do để sự vô lý kia tồn tại dai dẳng chăng ?

* Mới đây, Nhà nước quyết định cho làm 4 bộ phim Sống cùng lịch sử, Nhà tiên tri, Mỹ nhân, Những đứa con của làng. Yêu cầu là tháng 4 năm sau phải có phim nhưng tháng 7 năm nay  hãng phim vẫn chưa nhận được kinh phí. Làm phim cập rập như vậy, sao chất lượng có thể tốt được?

- Tôi chưa được đọc các kịch bản trên, nên không có ý kiến gì. Chắc chắn là nội dung tư tưởng của những kịch bản đó tốt thì mới được trên thông qua, rót kinh phí hàng chục tỷ như vậy để thực hiện. Còn chất lượng nghệ thuật tới đâu thì chỉ đến khi phim làm xong mới biết được.

* Quan điểm về dòng phim tài trợ, đặt hàng? Nhà nước có nên tiếp tục duy trì phương thức này nữa hay không?

- Nhà nước nên duy trì, nhưng với cách làm khác. Phải đặt chất lượng nghệ thuật, hàm lượng sáng tạo lên hàng đầu. Phim Nhà nước bỏ tiền phải là những sản phẩm sang trọng, có thương hiệu chứ không phải là những sản phẩm của thứ văn nghệ phục vụ chính trị một cách thô thiển. Cho dù phim Nhà nước còn nhiều bất cập, nhưng thử hình dung không có Nhà nước thì điện ảnh Việt Nam chỉ toàn những phim như Mỹ nhân kế hay Long Ruồi. Nếu vậy kể cũng buồn mặc dù mới chiếu trong 2 tuần hai bộ phim này đã thu về hàng chục tỷ.

* Điện ảnh Nhà nước cũng có những phim bị coi là thảm họa, làm lãng phí tiền thuế của dân.

- Lãng phí trong điện ảnh trong những năm qua thì nhiều vô kể. Nó phải gấp trăm lần vụ thất thoát tài sản ở Cục Điện ảnh làm xôn xao dư luận cách đây không lâu.





Đừng đốt, bộ phim được làm bằng kinh phí Nhà nước, giành giải Bông Sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 16 (2009) và chiến thắng 6 hạng mục của giải Cánh Diều Vàng năm 2010 bao gồm : Phim nhựa xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc (Minh Hương), Đạo diễn xuất sắc (NSND Đặng Nhật Minh), Họa sĩ xuất sắc (NSƯT Phạm Quốc Trung), Âm thanh xuất sắc (NSƯT Bành Bắc Hải) và Giải phim khán giả bình chọn. Đây cũng là bộ phim được chọn để tham dự giải Oscar.


* Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của phim tài trợ, và phim đặt hàng trong vòng 7 năm trở lại đây ?

- Về chất lượng phim đặt hàng hoặc phim tài trợ thì trong 10 phim có 1 phim tốt, 1 phim tạm được. Hiệu quả kinh tế thì không đáng kể. Một phần vì chất lượng nghệ thuật kém, nội dung khô khan, công tác tiếp thị không được coi trọng. Có cảm tưởng như Nhà nước cũng không quan tâm mấy đến hiệu quả kinh tế của các phim do mình tài trợ hoặc đặt hàng. Đối với Nhà nước vào những dịp kỷ niệm lớn có phim chiếu sau đó cất kho cũng không sao, miễn hoàn thành nhiệm vụ chính trị là được. Đó là điều bình thường mà cũng là bất bình thường.

* Một câu hỏi đặt ra, ai được tiền làm phim Nhà nước? Ngoài các hãng phim Nhà nước, liệu các hãng tư nhân có cơ hội nhận tiền của Nhà nước để làm phim hay không?

- Hiện đã có một hãng phim tư nhân nhận được tiền Nhà nước tài trợ làm phim rồi đấy. Các hãng của các Hội - Đoàn thì đã được Nhà nước tài trợ từ lâu như hãng phim của Hội Điện ảnh, hãng phim của Hội Nhà văn… Trong xu thế đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân chắc chắn sẽ còn nhiều hãng tư nhân nữa đòi được Nhà nước cấp tiền làm phim. Bộ Tài chính chắc sẽ phải có một thông tư riêng về việc các hãng phim tư nhân thanh quyết toán với Kho bạc Nhà nước như thế nào. Điều này quả là mới, chưa có tiền lệ.

* Cục Điện ảnh đang xây dựng thông tư đấu thầu kịch bản phim. Theo ông hình thức này có mang lại hiệu quả hay không?

- Với những phim Nhà nước đặt hàng, từ trước kia đã phải qua đấu thầu. Việc áp dụng thủ tục đấu thầu trong điện ảnh là một sai lầm nghiêm trọng. Nó dẫn đến bao điều bất cập trong sản xuất điện ảnh bấy lâu nay, ảnh hưởng đến chất lượng phim. Không những thế nó còn dẫn đến bao nhiêu thất thoát, tiêu cực trong hoạt động tài chính của một đoàn làm phim. Thực chất những cuộc đấu thầu chỉ là hình thức bên ngoài. Ai mạnh “lobby” thì trúng thầu.

Đấu thầu hiện nay là một sự phủ nhận vai trò người nghệ sĩ trong quá trình làm ra một bộ phim. Nó biến người nghệ sĩ thành kẻ làm công cho một ông chủ thầu là nhà sản xuất.

* Nhiều đạo diễn của các hãng phim Nhà nước nói về hưu coi như bị loại ra khỏi sân chơi của điện ảnh Nhà nước, không còn cơ hội để tìm nguồn tài trợ từ Nhà nước để làm phim. Điều này có đúng với cá nhân ông không?

- Không hẳn vậy. Tôi làm phim Đừng đốt cách đây 4 năm khi đã về hưu. Mọi sự khởi đầu bằng một cú điện thoại của ông Cục trưởng Cục Điện ảnh hồi đó là ông Nguyễn Phúc Thảnh. Ông hỏi tôi có kịch bản về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm không, gửi lên Cục để xét cùng các kịch bản khác. Cục cần có nhiều kịch bản để chọn lựa. Một tháng sau tôi được ông Thảnh thông báo kịch bản của tôi đã được Hội đồng duyệt kịch bản của Cục thông qua để đưa vào sản xuất. Đến bây giờ tôi vẫn thầm cảm ơn ông Thảnh về cú điện thoại ngày đó. Với những người lãnh đạo mới ở Cục Điện ảnh hiện nay sẽ không bao giờ có những cú điện thoại như vậy. Theo quy định mới thì Cục chỉ nhận kịch bản từ các nhà sản xuất phim. Nhà sản xuất được đặt vào vị trí trung tâm của guồng máy điện ảnh. Tân quan tân chính sách là vậy!

* Bây giờ ông còn trăn trở với điện ảnh không? Nếu có điều trăn trở lớn nhất của ông là gì?

- Là được tiếp tục làm phim. Nhưng với quy định mới của Cục Điện ảnh sắp ban hành thì cơ hội đó đối với tôi còn lại không nhiều.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Nhà nước nên hỗ trợ cho điện ảnh bằng cách tạo điều kiện phát triển đội ngũ làm phim. Khi có đội ngũ tốt rồi, nhận khoản tiền từ nhà nước sẽ tự tin làm ra sản phẩm tốt. Khi nhà nước cấp vốn phải đặt điều kiện phía nhận tiền làm phim phải hoàn được tiền vốn, lãi thì được hưởng. Còn hiện nay cơ chế bao cấp trong điện ảnh chẳng quy trách nhiệm cho ai, làm xong là thôi, hiệu quả không ai đánh giá.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Nhà nước phải thay đổi, không thay đổi sẽ mãi chơi một bản nhạc lạc nhịp với cộng đồng. Bản thân tôi làm cho hãng phim nhà nước, không chịu thay đổi, tôi cũng tự giết mình. Phim nhà nước bây giờ đã bị dồn đến chân tường rồi, không thay đổi thì không thể tồn tại.


Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm