Khánh Linh bật khóc chia sẻ chuyện người thầy cứu vớt cuộc đời mình

12/11/2016 21:09 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Tại buổi ghi hình cuộc hội ngộ giữa NSND Quang Thọ và người học trò cưng, ca sĩ Khánh Linh, chuẩn bị cho chương trình truyền hình kéo dài kỷ lục 16 tiếng “Ngày thầy trò” do Mobi TV kết hợp cùng Đài tiếng nói Việt Nam thực hiện.

Cả ekip quay hình đã lặng người trước những giọt nước mắt nức nở của “hoạ mi” Khánh Linh khi cô nói về cái ngày mà không ai muốn nhận mình làm học trò. Khi đó, duy nhất chỉ có NSND Quang Thọ đã đưa bàn tay tới cô, và đã “cứu vớt” cuộc đời cô.


Những tiết lộ của Khánh Linh về năm tháng cô bơ vơ, rơi nước mắt vì không có thầy cô nào muốn nhận mình làm học trò là một trong những bí mật mà chương trình truyền hình đặc biệt “Ngày thầy trò” muốn gửi gắm đến người xem vào ngày 20/11 tới đây, cùng với rất nhiều bí mật của các nghệ sĩ khác như NSƯT Quốc Hưng, Nhật Thủy, Nguyễn Trần Trung Quân... Ngoài ra, những tên tuổi khác như ca sĩ Mỹ Linh, ca sĩ Thu Phương, ca sĩ Đinh Mạnh Ninh… cũng sẽ tham gia cùng chia sẻ những câu chuyện về người thầy của mình.


Những câu chuyện tôn sư trọng đạo giữa thầy trò những người nổi tiếng được Ban tổ chức dự án truyền hình 16 tiếng “Ngày thầy trò” tin tưởng, sẽ lay động trái tim người xem, và góp phần khích lệ người dân giữ gìn và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo ngàn đời của người Việt.

NSND Quang Thọ từng cứu vớt sự nghiệp âm nhạc của Khánh Linh

"Họa mi" rơi nước mắt khi nói đến người thầy duy nhất dạy cô từ trung cấp đến đại học. "Khi ấy cha tôi ốm nặng, trong ranh giới sự sống và cái chết, tôi vừa 17 tuổi, rời khỏi ghế trường cấp 3 bước chân vào Nhạc viện. Các thầy cô đều đã quá bận, không ai nhận tôi, tôi tủi thân rơi nước mắt vì bơ vơ. Lúc ấy, chú Quang Thọ là người duy nhất dang tay nhận tôi. Nói không quá thì chú chính là người cứu vớt sự nghiệp âm nhạc của Khánh Linh" - em gái nhạc sĩ Ngọc Châu bồi hồi nhớ lại.


NSND Quang Thọ và Khánh Linh

Khánh Linh cho biết, NSND Quang Thọ là người cùng thế hệ nghệ sĩ với mẹ cô nên cô luôn coi ông như người thân trong gia đình. Bản thân NSND Quang Thọ đặt rất nhiều kỳ vọng ở Khánh Linh. Trong quá trình học, thầy dành nhiều thử thách khó với học sinh, dạy những chương trình trên cấp học và mong Khánh Linh đi theo con đường giảng dạy của mình. Tuy nhiên cô lại say mê biểu diễn nên hiện tại mới chỉ hỗ trợ được nhiều bạn trẻ và chưa dám nhận mình là thầy.

Khánh Linh cho biết, không chỉ cô mà các nghệ sĩ nổi tiếng như Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn cũng nói về thầy với đầy sự kính trọng và biết ơn.

NSND Trần Hiếu luôn dành dụm tiền cho học trò nghèo

Trong ký ức của NSUT Quốc Hưng, Trần Hiếu là một nghệ sĩ nhân dân mẫu mực, người thầy dạy chuyên ngành thanh nhạc từng gắn bó với ông trong suốt chặng đường dài từ Trung cấp lên Đại học. Trong suốt 9 năm học Nhạc viện, chỉ có một thầy, một trò cùng cây đàn piano với vô vàn kỷ niệm. Trong quá trình học tập, rất nhiều sáng tạo đã được phát sinh.

Thời đó, sinh viên rất đói, thầy cũng không khá hơn là bao. "Thế nhưng thầy vẫn dành dụm tiền cho tôi vì sợ tôi ngất, không đủ sức khỏe học tập. Mùa đông, lạnh quá tôi trốn học, thầy lên tận ký túc xá gọi: 'Hưng ơi, dậy đi học', trìu mến lắm" – NSUT Quốc Hưng nhớ lại.


NSUT Quốc Hưng

Sau này khi trở thành giảng viên thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, NSUT Quốc Hưng tự hào khi giữ lại được những gì thầy truyền dạy. Nhiều lúc, chính ông còn giật mình vì tác phong, giọng hát rất giống thầy khi xưa.

Trong sự nghiệp đào tạo của mình, ca sĩ Quốc Hưng có nhiều học trò thành tài như Mạnh Hoạch, Quang Hà, Đỗ Tùng Lâm, Nguyễn Trần Trung Quân. Ông và Trung Quân sẽ cùng đứng chung sân khấu trong Ngày Thầy Trò.


Ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân

Đây là điều rất vinh dự cho Trung Quân. Giọng ca trưởng thành từ Sao Mai điểm hẹn tâm sự: "Tôi là một ca sĩ nhạc nhẹ nhưng kiến thức về âm nhạc cổ điển, thính phòng của tôi rất chắc. Tôi phải cảm ơn thầy trong giai đoạn 8 năm qua luôn động viên tôi học tập tốt về thanh nhạc cổ điển, dù có những lúc tôi đã gần như rất nản và muốn bỏ cuộc với phong cách âm nhạc cổ điển này để tìm hiểu nhiều hơn về nhạc nhẹ.

Thầy lại là người kéo tôi vào đúng quy trình chuẩn của đào tạo thanh nhạc. Tôi thực sự biết ơn và trân trọng công sức và sự tận tuỵ của thầy dành cho tôi. Tôi là một người bướng bỉnh, đôi khi sống bản năng, có những giai đoạn của tuổi mới lớn, tôi đã có những "ngông cuồng" của tuổi trẻ, nhưng sai lầm và lỗi lầm của tuổi trẻ, thầy vẫn luôn là người bao dung và động viên tôi vượt qua".

Nhật Thủy được cô giáo hỗ trợ thi Đại học dù nhà quê, tay trắng

Người thầy đáng nhớ nhất của Nhật Thủy lại là cô giáo Thanh Xuân - NSƯT, Giảng viên Nghệ thuật Quân đội. Cô là người đã đồng hành cùng giọng ca thành Nam suốt 4 năm đến khi thi Vietnam Idol. Quán quân Vietnam Iol cho biết, tất cả các giải thưởng lớn nhỏ của cô đều có công lớn từ cô giáo Thanh Xuân và nếu không có cô Thanh Xuân đã không có Nhật Thủy của ngày hôm nay.


Ca sĩ Nhật Thủy

"Sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi lên Hà Nội học thử để thi Đại học. Lúc ấy tôi rất gầy và quê, nhìn không có chút phong cách nào của học sinh nghệ thuật trong khi các bạn đã rất xinh đẹp, sành điệu. Bạn thân tôi sau này còn kể những người bạn khác lúc ấy đã nói sau lưng tôi rằng, không hiểu tại sao một đứa như vậy cũng đi thi vào Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Các bạn khác đến nhờ cô dạy học đều quà lớn quà nhỏ tong khi tôi nhờ một người bạn dẫn đến, ra mắt cô với hai bàn tay trắng. Không ngờ cô lại chọn tôi và tận tình hỗ trợ để tôi đỗ đại học, rèn dũa tôi suốt bốn năm trời" - Nhật Thủy bồi hồi nhớ lại.

Những câu chuyện xúc động của các nghệ sĩ sẽ được khắc họa trong chương trình 'Ngày thầy trò”. Đây là lần đầu tiên có chương trình truyền hình liên tục 16 tiếng, bắt đầu từ 6h sáng đến 22h đêm ngày 20/11/2016.

Chương trình truyền hình “Ngày Thầy trò” do Mobi TV kết hợp với Đài tiếng nói Việt Nam thực hiện, sẽ diễn ra trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ những nơi hải đảo xa xôi như Trường Sa, các vùng giáp ranh biên giới như Hà Giang, tới những vùng đất còn đang hứng chịu hậu quả thiên tai lũ lụt như Hà Tĩnh, nhằm mang đến một không khí chào mừng ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam trên mọi miền Tổ Quốc, nêu cao đạo học, nêu cao tình nghĩa thầy trò trong thời đại hôm nay với sự tham gia của rất nhiều nhân vật nổi tiếng ở mọi lĩnh vực…

Đây là chương trình truyền hình quy mô lớn, được chuẩn bị suốt nửa năm qua, với mục tiêu đề cao đạo nghĩa thầy trò, tinh thần hiếu học, phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” từ ngàn xưa của người Việt Nam, phản ánh một ngày đặc biệt trong cuộc sống của người dân Việt Nam – một dân tộc có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, một dân tộc luôn coi việc kính trọng những người thày giáo là một trong những thước đo lớn nhất về đạo nghĩa.

Theo đó, chương trình sẽ phản ánh không khí ngày 20/11, những câu chuyện về thầy và trò tại Lũng Cú (Hà Giang), đảo Lý Sơn, trường học tại Trường Sa, các điểm tại Cần Thơ, Huế, các vùng đất còn đang chịu thiên tai như Hà Tĩnh…

Tại mỗi điểm, chương trình sẽ phản ánh không khí tưng bừng chào mừng ngày lễ Hiến chương các nhà giáo 20/11, cùng với đó là những câu chuyện kể về tình thầy, nghĩa trò. Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ có những toạ đàm về đạo nghĩa thầy trò suốt chiều dài lịch sử nước Việt với sự tham dự của Giáo sư Ngô Bảo Châu, nhà sử học Dương Trung Quốc…

Câu chuyện đạo nghĩa thầy trò qua cầu Truyền hình cũng sẽ được phản ánh trên mọi mặt, mọi lĩnh vực, với sự tham gia của cả những tuyển thủ nổi tiếng như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.

Chương trình truyền hình “Ngày thầy trò” sẽ được phát sóng đồng thời trên 20 kênh truyền hình, trong đó có 7 kênh truyền hình của Mobi TV và các kênh truyền hình lớn trên toàn Quốc.

Đỗ Bảo


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm