Phép tính cân bằng kinh doanh & văn hóa: Mâu thuẫn khó hòa giải?

14/06/2014 07:48 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Làm thế nào để làm du lịch có văn hóa? Và làm du dịch mà vẫn bảo tồn, phát triển được văn hóa? - những câu hỏi thường gặp đến nhàm chán, nhưng để trả lời hay áp dụng được là không dễ dàng gì.

Tuy kinh tế thế giới chưa qua chu kỳ khủng hoảng, nhưng nền du lịch tại Đông Nam Á lại khởi sắc, vì giá cả khu vực này còn khá rẻ so với nhiều khu vực khác. Thế nhưng khi nhu cầu tăng mạnh, những nền du lịch còn đang phát triển như Việt Nam lại lộ ra nhiều bất cập, mà rõ nhất vẫn là mất cân bằng giữa văn hóa và du lịch; là mâu thuẫn khó hòa giải giữa bảo tồn và phát triển văn hóa du lịch.

Tính đến năm 2013, di sản thế giới có khoảng 981 địa chỉ (gồm 759 di sản về văn hóa, 193 di sản thiên nhiên và 29 di sản thuộc cả hai loại); còn tính đến năm 2010, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có khoảng 213. Từ năm 2006, ông Chu Shiu-Kee (Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam) đã nhận định trên Tuổi Trẻ Online như sau: “Phần lớn việc quản lý, công tác tổ chức tại 812 di sản thế giới hiện chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Riêng các nước châu Âu như Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Italy... công tác quản lý rất tốt, do họ có cơ sở pháp lý để thực hiện từ chính phủ, với hệ thống lập pháp, hành pháp, và bộ phận thực hiện các vấn đề quy hoạch hoạt động tốt”. Dẫn ra như vậy để thấy rằng việc cân bằng giữa văn hóa và du lịch không phải dễ.


Tại Ấn Độ, các đền đài di tích văn hóa bán vé rất rẻ cho người dân vào tham quan, ngược lại, vé dành cho du khách nước ngoài cao hơn vài chục lần

Chế tài pháp lý

Lâu nay nói đến cân bằng văn hóa du lịch, yếu tố luật thường được xếp xuống thứ yếu, thậm chí còn bị “bỏ quên”, điều này giải thích vì sao nhiều nước chưa có luật, hoặc luật về du lịch khá muộn (Việt Nam có từ năm 2005). Sơ đồ tư duy cho bảo tồn và phát triển du lịch đa phần vẫn ưu tiên theo trình tự: bảo tồn di sản, phát triển nền du lịch, tăng lượng khách, rồi mới đến luật. Nghĩa là luật luôn đến sau, nên việc bảo vệ di sản buộc phải trông mong vào ý thức gìn giữ của người khai thác du lịch và du khách, nghĩa là rất phập phù, bởi ý thức khó mà cân đo đong đếm, lại phụ thuộc nhiều vào cảm hứng của họ nữa.

Được xem là đất nước có nền văn hóa truyền thống bền vững và nền văn hóa hiện đại phát triển bậc nhất thế giới, người dân Nhật thuộc nhóm có ý thức tự giác cao, thế nhưng tư duy du lịch của nước này hoàn toàn ngược lại. Nhật xem giai đoạn từ năm 1910 (trước Đệ nhất thế chiến) tới những năm 1970 (sau Đệ nhị thế chiến) là thời gian hình thành khung chính sách về bảo tồn di sản văn hóa. Họ ban hành Luật Bảo tồn khu vực lịch sử, công trình kiến trúc lớn, kỳ quan lớn từ năm 1919, Luật Bảo tồn di sản quốc gia năm 1929, Luật Bảo vệ tài sản văn hóa năm 1950, Luật Du lịch năm 1963, và rất nhiều văn bản luật về sau này, ví dụ Luật Cơ bản về quảng bá du lịch quốc gia năm 2006, Luật Quảng bá du lịch sinh thái năm 2007, Luật Phát triển các điểm đến du lịch - thiết lập các cơ quan du lịch Nhật Bản năm 2008…

Các văn bản luật sớm và ổn định này (ví dụ Luật Bảo vệ tài sản văn hóa mãi đến năm 2004 mới sửa đổi, sau hơn nửa thế kỷ) đã thực sự giúp Nhật làm nên các thiết chế văn hóa du lịch bền vững. Trong tất cả mô hình du lịch, Nhật luôn lấy người dân, du khách làm trung tâm, nhưng chế tài pháp lý thì phải rõ ràng, minh bạch. Tư duy “tiên chi luật” này đã được Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… noi theo, và tỏ ra hiệu quả, vì suy cho cùng, quản lý bằng luật vẫn dễ hơn quản lý bằng các khái niệm hay danh xưng chung chung như “giữ gìn bản sắc”, “thuần phong”, “mỹ tục”…

Một ví dụ khác từ Tây Nam châu Phi, sau khi giành được độc lập vào năm 1990, Namibia đã thành quốc gia đầu tiên của châu lục này đưa vấn đề bảo vệ môi trường sống vào hiến pháp, cứu được vô số loài sắp tuyệt chủng. Chính nhờ thiết chế cấp tiến này mà nay hơn 40% đất nước (của khoảng 2,1 triệu người) được thụ hưởng trực tiếp lợi ích mô hình du lịch bảo tồn động vật hoang dã. Trở thành điểm sáng trong việc cân bằng giữa văn hóa săn bắn truyền thống và bảo vệ động vật bị săn bắn ở hiện tại.


Cung điện Hoàng gia Nhật Bản ở thủ đô Tokyo cũng như Cố cung Kyoto mở cửa miễn phí cho khách tham quan, nhưng du khách phải đăng ký qua trang web để được xếp lịch vào thăm với số lượng hạn chế cho từng tour. Nhật Bản có Luật Bảo tồn di sản quốc gia và di sản văn hóa từ rất sớm

Bảo tồn >< phát triển

Không nói đâu xa, như tháng 4 vừa rồi tại Hà Nội đã nổi lên các mâu thuẫn về chuyện nên di dời, tu sửa hay xây mới cầu Long Biên. Từ đây đặt ra một số vấn đề không dễ trả lời, như KTS Đào Ngọc Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội) đã chất vấn: Có cần bảo tồn không? Bảo tồn để làm gì? Bảo tồn bằng cách nào?

Cũng như câu hỏi của GS-KTS Hoàng Đạo Kính (trên báo Tuổi trẻ): “Hãy làm một phép tính đơn giản như sau: ta có khoảng 3.200 di tích quốc gia. Nếu đầu tư tối thiểu cho một dự án trùng tu di tích là 10 - 20 tỷ đồng thì cần tới 32.000 - 64.000 tỷ đồng. Câu hỏi rất lớn đặt ra là: Tiền ở đâu? Thực tế để trùng tu và tôn tạo một di tích hiện nay, con số lên tới 50 - 100 tỷ đồng”.

Có nhiều trường hợp được chú ý rộng rãi lại rơi vào tình trạng éo le: cha chung không ai khóc. Đơn cử như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, sau khi được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại năm 2005, nó gần như teo tóp ngoài đời sống, giới sưu tầm tha hồ mua cồng chiêng cổ, vì người dân không giữ nữa, “không thèm” múa hát nữa. Nhiều bài viết cho thấy những suy nghĩ lệch, kiểu như “có nhà nước, có UNESCO lo giữ, lo múa (các nhóm văn công) rồi, mình giữ mình múa làm gì nữa”. Điều này rất có thể cũng sẽ đến với các di sản khác như nhã nhạc cung đình Huế, quan họ Bắc Ninh, ca trù, hoát xoan… vì đất sống thực ngoài đời của nó ngày càng bị thu hẹp. Nên một mô hình chung chung không giải quyết được mâu thuẫn cho tất cả. Mà thực tế về giáo dục du lịch đã chỉ ra rằng: bảo tồn và phát triển vẫn là bài học khó học nhất.

Từ năm 2006, UNESCO đã nhiều lần khuyến nghị các vấn đề liên quan đến tình trạng bảo tồn và phát triển của di tích cố đô Huế, vịnh Hạ Long, di sản Phong Nha - Kẻ Bàng... mà chủ yếu đến từ việc xây dựng các công trình mới. Mà không xây dựng mới thì không đáp ứng được nhu cầu mới của người dân tại chỗ và du khách lui tới - một mâu thuẫn khó giải quyết. Hơn nữa, nói là di sản của nhân dân, nhưng họ có được thụ hưởng trực tiếp hay không, mà nhu cầu xây dựng và phát triển lại có vẻ thiết yếu với họ, với khí hậu nơi đó hơn.

Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Bhutan… là những nước ở châu Á đã rất thành công trong việc bảo tồn và phát triển tại nhiều mô hình, mà kinh nghiệm của họ là phải làm cụ thể với từng mô hình. Nhật ứng phó với nghề đúc kiếm khác hẳn với môn võ sumo, hay kịch noh truyền thống. Malaysia cũng ứng phó khác nhau với các nghề truyền thống như chạm khắc vàng bạc, chạm khắc gỗ, vẽ tranh, làm vải… (cùng ở đảo Bali).

Trong công cuộc đô thị hóa, nông thôn và nông nghiệp Hàn Quốc bị rơi vào thế cận diệt, khi những người dưới 50 tuổi gần như bỏ quê lên phố, khiến bộ phận nhỏ ở lại phải lao đao. Làm sao để bảo tồn và phát triển nông nghiệp (vì đó là văn minh - văn hóa gốc của Hàn Quốc) là câu hỏi mà chính phủ này đã đặt ra từ thập niên 1970. Cũng xin nhắc lại, thập niên 1970 ở Hàn Quốc vẫn có đến 70% dân số sống nông thôn, trong đó 80% nghèo đói, không điện nước, không công trình vệ sinh, mù văn hóa, thất học… Từ đầu thập niên 1980, phong trào xây dựng “làng mới” (saemoul undong) đã giúp nông thôn và nông nghiệp vực dậy mạnh mẽ, để đến nay, thu nhập bình quân của nông dân cao hơn công nhân viên chức của Hàn Quốc.

Tiền không là tất cả

TS Trần Hữu Sơn (Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Lào Cai) chỉ ra rằng phải thấy được mối quan hệ hữu cơ giữa du lịch và di sản thì mới phát triển được, bởi du lịch luôn có ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến di sản. Ông Sơn cũng thẳn thắn rằng Việt Nam quá phổ biến tình trạng xem du lịch là cơ hội để kiếm tiền, nên đã vắt kiệt hay làm biến dạng, biến chất di sản (nhất là di sản phi vật thể).

Trong vài năm gần đây, theo số liệu chính thức từ Hàn Quốc, có đến 52% người Trung Quốc, 37% người Nhật Bản, 55% người Đài Loan đến nước này du lịch là vì xem qua những đoạn quảng cáo, xem phim truyền hình và nghe nhạc Hàn Quốc. Cũng như Thái Lan, họ không chủ trương lấy Phật giáo làm du lịch, nhưng những ngôi chùa bề thế, trang nghiêm, đạo hạnh đã khiến du khách tự tìm đến để chiêm ngưỡng, đảnh lễ… Campuchia cũng có cách “bảo quản” di tích của họ trong làn sóng khách du lịch. Theo khảo sát của Nguyễn Thị Khánh Trâm, Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại TP.HCM, để bảo tồn khu đền Angkor nổi tiếng, ban quản lý ngôi đền đã tính toán và điều phối lượng khách ra vào đền sao cho hiệu quả để tránh tình trạng quá tải. Trước khi lên đền, khách phải xếp hàng và mỗi lần tham quan nhân viên chỉ phát ra một số lượng thẻ nhất định là 100 thẻ (có dây đeo cổ) và sau khi đã thu hết lượng thẻ phát ra thì đợt khách tiếp theo mới được nhận thẻ…

Cục trưởng Cục Xúc tiến du lịch Malaysia tại Việt Nam - ông Mohd Akbal Setia - từng chia sẻ rằng du lịch Malaysia có 3 nét chính để hấp dẫn, trong đó có một điều gần như không tốn tiền quảng cáo. Nước này có hơn 60% dân số theo đạo Hồi, văn hóa đặc thù của Hồi giáo sẽ là trải nghiệm thú vị cho du khách. Ông cũng nói thêm, Việt Nam có nhiều dân tộc sinh sống, nếu khuyến khích người dân tự gìn giữ các nét riêng của từng dân tộc, du khách cũng sẽ tự tìm đến.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm