'Văn hóa xẩm đã mất, nhưng nghệ thuật vẫn còn'

11/02/2014 09:50 GMT+7 | Âm nhạc


(lienminhbng.org) - “Nhiều người nói, xẩm mất cũng được, văn hóa của ăn xin thì giữ làm gì? Thực ra, xẩm mới mất đi môi trường văn hóa, còn nghệ thuật xẩm lại rất hay, nếu nỗ lực vẫn có thể giữ” - nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho biết.

Khách mời trong cuộc họp mặt đầu xuân Hát xẩm Hà Thành - Xưa và nay của Hội Nhà văn Hà Nội ở Hàng Buồm, Hà Nội, ngày 10/2 là nhóm nghệ nhân thuộc Trung tâm Nghiên cứu Âm nhạc dân tộc Việt Nam, gồm nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, 2 nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa và Khương Cường.

Trước 1954, từng có “Liên đoàn xẩm” ở Hà Nội

Nhóm nghệ nhân đã “chiêu đãi” các nhà văn, nhà thơ lớn tuổi của Hà Nội những bài hát xẩm nổi tiếng như Mục hạ vô nhân (Nguyễn Khuyến), Giăng sáng vườn chè (thơ Nguyễn Bính), Thập ân công cha ngãi mẹ sinh thành (nghệ nhân Hà Thị Cầu trực tiếp truyền dạy cho Mai Tuyết Hoa)…


Hai nghệ nhân hát xẩm Mai Tuyết Hoa (học trò 20 năm của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu) và Khương Cường. Ảnh: Hạ Huyền

Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, Phó ban biên tập NXB Âm nhạc, thì “hát xẩm đúng là không còn”, nếu nói là trong môi trường văn hóa. Từ năm 2005, Trung tâm đã tiến hành tìm kiếm các nghệ nhân hát xẩm còn lại: ngoài nghệ nhân Hà Thị Cầu  đã mất, có 1 nghệ nhân ở Hà Nội và 2 nghệ nhân ở Thanh Hóa, nhưng cả 3 đều đã lớn tuổi và không còn thuộc các giai điệu mà phải nhắc lại mới nhớ.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân chia sẻ một thông tin quý: “Theo báo Văn nghệ vào khoảng tháng 10/1954, khi Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trở về Hà Nội và ra mắt tại trụ sở mới 51 Trần Hưng Đạo, một số thành viên của Liên đoàn Xẩm đã đến đề nghị cộng tác với Liên hiệp. Người tổng thư ký của Liên đoàn Xẩm là Nguyễn Văn Thỉnh. Tờ báo cũng cho biết trước năm 1954, liên đoàn có rất nhiều hội viên”.

Theo ông Ân, Trung tâm nên tìm tung tích của liên đoàn này, có thể sẽ tìm ra các nghệ nhân hát xẩm còn sống.

Hát xẩm và UNESCO: Còn quá xa vời

Mặc dù không còn môi trường diễn xướng, xẩm vẫn có thể phục hồi về mặt nghệ thuật, đó là điều mà các thành viên của Trung tâm hy vọng làm được. Đây là loại hình nghệ thuật gắn liền với thơ ca, văn học Việt Nam, thể hiện đời sống tinh thần của người Việt Nam.

Việc gìn giữ một loại hình nghệ thuật phụ thuộc vào chất lượng nghệ thuật và công chúng. Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long thừa nhận, lớp nghệ nhân xẩm trẻ hiện nay (các thành viên chủ chốt trong nhóm của anh xấp xỉ 40 tuổi) đã hát rất thạo các làn điệu xẩm cơ bản, nhưng chưa có khả năng sáng tác những giai điệu xẩm độc đáo, mới mẻ.

Thêm vào đó, công chúng của xẩm giờ đây đã quá già, rất ít công chúng thuộc lứa tuổi sinh năm 1980, 1990. Hiện nay, cũng khó tìm ra được một người lớn tuổi còn thuộc các làn điệu xẩm, phần lớn người già chỉ biết nghe và nhớ ra vài câu hát quen thuộc.

“Hát xẩm không thể thành nghệ thuật sân khấu, cũng như quan họ” - nhạc sĩ Long nhận định. Anh Long cũng cho rằng việc làm hồ sơ để hát xẩm được công nhận là di sản UNESCO cũng là một tương lai xa vời.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm