25/08/2020 19:41 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Cuối tuần qua, tại Hà Nội, Tí Toáy Atelier - Xưởng nghệ thuật cho trẻ em - đã kết hợp với nhà văn Nguyễn Trương Quý tổ chức workshop với cái tên độc “Hà Nội, mặc thế là thường”.
1. Workshop xoay quanh chủ đề lịch sử trang phục, văn hóa ăn mặc của người Hà Nội qua từng thời kỳ, dành cho học viên từ 6 - 15 tuổi. Các em được tạo cơ hội tham gia các hoạt động thực tế như quan sát trực quan, phân loại ảnh tư liệu, xem phim, diễn họa, cắt may trang phục mô phỏng…
“Chủ đề nền đưa ra là đời sống văn hóa người Hà Nội qua những hành vi, phong tục. Trong đó, trang phục hay cách ăn mặc là dữ kiện văn hóa quan trọng để nhận diện người Hà Nội. Trẻ nhỏ là chủ thể văn hóa tương lai có nhu cầu tìm hiểu và người lớn cũng có ước muốn kết nối các em với những di sản quá khứ, những dấu ấn của một thời đã qua” - Nguyễn Trương Quý nói.
Tới workshop, anh mang đến những bộ trang phục cũ như: Áo dài khăn đóng nam, áo dài nữ, quần áo complet, bộ quần áo hiện đại. Ngoài ra, chương trình có cả đoạn phim tư liệu hay những bức ảnh cũ để cho các em làm quen và phân loại trang phục theo các chủ đề.
Sự ham thích của các học viên nhỏ tuổi tỏ rõ khi được chứng kiến “thầy Quý” khoác lên mình những bộ trang phục của nam giới xưa như bộ áo dài 5 thân hay ở thời hiện đại như bộ complet. “Các cụ ngày xưa mặc những bộ quần áo 5 thân theo truyền thống khi ra đường để tỏ sự nghiêm túc, kính trọng với mọi người xung quanh. Áo dài 5 thân không chiết eo, bên trong có lớp áo cánh lót cho lịch sự, mặc quần ống rộng cho thoải mái, trên đầu đội khăn vấn 7 lớp” - nhà văn Trương Quý giới thiệu chi tiết từng bộ trang phục.
Chia sẻ của anh tại workshop cũng tập trung hướng đến những thay đổi của trang phục theo từng thời kỳ. Những tư liệu hình ảnh về trang phục đường phố ở Hà Nội những năm 80 - 90 của thế kỷ trước cho đến những hình ảnh trang phục của các nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Như Quỳnh, danh ca Thái Thanh, ca sĩ Ái Liên, nhạc sĩ Phạm Duy, gia đình nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, nhóm nhạc Bức Tường… đều được mang đến minh họa, giới thiệu đến với các bạn nhỏ.
Đặc biệt, trích đoạn trong bộ phim Việt Nam nổi bật thập niên 1950, Kiếp hoa của đạo diễn Trần Lang với vai nữ chính Ngọc Lan do cố nghệ sĩ Kim Chung đảm nhận cũng được trình chiếu tại workshop, để giúp các em hình dung về văn hóa trang phục những năm 1953-1954 tại Hà Nội.
2. Sự xuất hiện của tất cả các tư liệu thông tin trong buổi workshop theo nhà văn Trương Quý có thể chỉ dừng lại ở những lát cắt sơ lược nhưng vẫn tạo ra cảm quan chung trên cơ sở hoạt động nghệ thuật thị giác, bổ sung vào nhận thức riêng đã có ở mỗi bạn nhỏ.
Chị Nguyễn Thùy Trang - Co Founder Tí Toáy Atelier - cho biết thêm: “Trước đây, chúng tôi cũng đã phối hợp với nhà văn Trương Quý làm nhiều workshop về văn hóa như kiến trúc, tranh vẽ, bản đồ thành phố. Qua đó chúng tôi muốn giúp các bạn nhỏ có phông nền về văn hóa sau này, biết rõ được mình là ai, mình đến từ đâu và khi hòa nhập ra thế giới vẫn có và giữ được những đặc tính riêng, đặc điểm về văn hóa”.
Như lời kể, sự tham gia của nhà văn Trương Quý tại workshop “Hà Nội mặc thế là thường” đều dựa trên những sự tìm hiểu, nghiên cứu chủ đề từ trước đó. “Nếu không nhận tham gia workshop lần này, tôi cũng chưa chắc có điều kiện hệ thống hóa thông tin về một cuốn sách sắp ra mắt, trong đó có phần nội dung về ăn mặc” - nhà văn chia sẻ.
Trương Quý nói: “Workshop này giống như hoạt động bồi đắp về hành vi văn hóa, có làm, có trải nghiệm thì mới biết văn hóa truyền thống xa xưa có những gì. Các bạn nhỏ tiếp nhận một cách hồn nhiên, thực sự chưa phải rõ ràng trên một khung lý thuyết. Thế nhưng có thể thấy qua những tìm hiểu, trải nghiệm, các bạn nhỏ sẽ có một ý niệm. Giống như gieo những ý niệm có tính chất hạt mầm văn hóa để các bạn nhỏ có thể nuôi dưỡng tiếp niềm ham thích với lịch sử văn hóa nói chung và lịch sử trang phục nói riêng”.
Từ workshop “Hà Nội mặc thế là là thường”, khi nói tới việc tiếp nhận các giá trị văn hóa cũ, Nguyễn Trương Quý chia sẻ thêm: “Các thế hệ luôn luôn có xu hướng chắt lọc và tìm hiểu các di sản của các thế hệ trước để tiếp nhận và chuyển hóa. Hiện nay, có rất nhiều nhóm các bạn trẻ tham gia phục dựng lại các trang phục cổ điển xưa. Nhờ sự tiếp biến đó mà những giá trị trong quá khứ có cơ hội phát triển và đi lên, tất nhiên là phải chắt lọc cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại”.
Công Bắc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất