21/11/2021 07:57 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có ba di sản được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, một di sản nằm trong Danh mục cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO, một Di sản tư liệu thế giới, 26 di sản trong Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, có thể nói ít có địa phương nào "giàu có" di sản văn hóa phi vật thể như Hà Nội.
Tuy nhiên, trước thực tế nhiều di sản đang có nguy cơ mai một cao, cần được bảo vệ kịp thời do người nắm giữ, thực hành và truyền dạy di sản phần lớn tuổi đã cao, môi trường diễn xướng của di sản bị xâm hại, sự chuyển giao di sản bị gián đoạn... thành phố Hà Nội đang rốt ráo thực hiện các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.
Truyền dạy vốn quý di sản
Tại một lớp truyền dạy ca trù ở phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, cả thầy và trò đều say sưa với luyện tập với thể loại âm nhạc rất khó này. Từng cách lấy hơi, nhả chữ, cách hát tròn vành rõ chữ, cách đổ hột được thầy chỉ bảo tỉ mỉ, trò chăm chú lắng nghe. Lớp học tại đây được hình thành từ sự lan tỏa tình yêu ca trù của một nhóm ca nương, kép đàn, bởi Đông Ngạc không phải là đất có truyền thống ca trù và cũng không có cả câu lạc bộ ca trù. Thế nhưng, những người gieo nghệ thuật âm nhạc ở Đông Ngạc đã thu hút được người dân nơi này bằng chính tình yêu, sự đam mê của mình.
Với tính chất là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, vì vậy, việc trao truyền thông qua hình thức truyền dạy được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu. Nhất là trong bối cảnh nhiều di sản đang đứng trước những tác động chưa tích cực của đời sống hiện tại. Điều đó đặt ra cho trách nhiệm của cả địa phương nơi sở hữu di sản và cơ quan quản lý văn hóa Thủ đô.
Năm 2015-2016, trong khuôn khổ Đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã hỗ trợ công tác truyền dạy hát Trống quân ở ba xã: Hát Môn (huyện Phúc Thọ), Khánh Hà (huyện Thường Tín) và Phúc Tiến (huyện Phú Xuyên). Từ năm 2017 đến nay, thực hiện công tác bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một cần bảo vệ khẩn cấp, Sở Văn hóa và Thể thao đã thực hiện hỗ trợ nhiều lớp truyền dạy cho các di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình trình diễn dân gian tại cộng đồng như: Hát ca trù, hát dô, hát chèo tàu, hát xẩm, múa rối, múa cồng chiêng, hát chèo... Các di sản sau khi được hỗ trợ truyền dạy đã nhân cấy được người thực hành di sản. Chính quyền và cộng đồng người di sản có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng Phòng Quản lý di sản thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, dự án “Giáo dục di sản văn hóa phi vật thể cho học sinh phổ thông tại Hà Nội” với sự tham gia của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội, Cục Di sản văn hóa, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thành công trong việc đưa 4 loại hình di sản văn hóa phi vật thể (đèn kéo quân, rối nước, tục ăn trầu cau và gốm Bát Tràng) lồng ghép vào các môn vật lý và hóa học lớp 8, lớp 9. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã triển khai thí điểm thành công ở một số trường tại quận Cầu Giấy, Hoàn Kiếm và Hà Đông.
Việc tìm chỗ đứng trong đời sống văn hóa tinh thần người dân còn nhiều gian nan. Song với những nỗ lực của cộng đồng và các cơ quan chức năng trong việc truyền dạy, số người tham gia giữ gìn và thực hành di sản đã tăng hơn trước. Để di sản thực sự sống lâu bền, cùng với truyền dạy, địa phương và cơ quan chức năng cần tạo môi trường cho di sản văn hóa phi vật thể phát huy giá trị của nó.
Tư liệu hóa di sản
Để xác định số lượng, đánh giá sức sống, nhận diện nguy cơ và đề xuất các biện pháp bảo vệ phù hợp đối với từng loại hình di sản văn hóa phi vật thể, thành phố Hà Nội đã thực hiện tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, qua đó giúp thành phố xác định ưu tiên bảo vệ loại hình nào trước, đặc biệt là đối với các di sản đang có nguy cơ mai một cao, cần được bảo vệ kịp thời. Theo đánh giá của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, sau khi tổng kiểm kê, ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di tích của các địa phương tăng lên rõ rệt.
Công tác tư liệu hóa di sản phi vật thể được thành phố thực hiện từ nhiều năm nay để lưu truyền cho thế hệ sau những tư liệu quý về di sản. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể được tư liệu hóa như: Hát chèo tàu ở huyện Đan Phượng, múa hát Ải Lao ở quận Long Biên, hát trống quân ở huyện Thường Tín, Phú Xuyên và Phúc Thọ, kéo co ngồi đến Trấn Vũ và kéo mỏ hội Vua Bà… Các nghệ thuật trình diễn này được ghi đĩa hình, in sách về cách thức trình diễn, các bài hát, điệu múa vừa làm cơ sở giảng dạy, vừa để lưu giữ lâu dài và đưa đi quảng bá tại các sự kiện văn hóa. Hiện tại, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang thực hiện tư liệu hóa nghệ thuật xẩm, xuất bản sách hát văn cổ.
Việc tôn vinh các nghệ nhân vừa nhằm ghi nhận công lao của họ đồng thời để khuyến khích các nghệ nhân gìn giữ, phát huy di sản bởi nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể là những người nắm giữ và thực hành thành thạo các nghi lễ, diễn xướng dân gian, họ cũng là những người truyền dạy, bảo tồn những tinh hoa, bản sắc văn hóa của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Hiện tại, Hà Nội có 76 nghệ nhân với 7 Nghệ nhân Nhân dân và 69 Nghệ nhân Ưu tú thuộc các loại hình: nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian. Thành phố Hà Nội tiếp tục gửi Hội đồng cấp Bộ đề nghị phong tặng cho 92 nghệ nhân, trong đó đề nghị phong tặng 15 Nghệ nhân Nhân dân và 77 Nghệ nhân Ưu tú. Kết quả xét duyệt hồ sơ của Hội đồng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 71 nghệ nhân của thành phố Hà Nội đã được Hội đồng cấp Bộ xét thông qua trình cấp Nhà nước (11 Nghệ nhân Nhân dân và 60 Nghệ nhân Ưu tú).
Ông Nguyễn Ngọc Lược, nghệ nhân hát dân ca Xa Mạc, huyện Mê Linh chia sẻ, được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú là niềm vui nhưng cũng là trách nhiệm của ông trong việc gìn giữ, trao truyền làn điệu dân ca quê hương cho thế hệ trẻ. Rất nhiều lớp học hát dân ca Xa Mạc được công truyền dạy và bổ sung thêm lực lượng cho Câu lạc bộ dân ca Xa Mạc do ông đảm trách. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 này, không được đi biểu diễn phục vụ người dân, ông thường lên trang mạng xã hội cá nhân để trực tiếp thể hiện các bài hát phục vụ bà con. Ông tâm nguyện rằng còn sức lực là còn gắn bó với dân ca quê hương.
Hiện nay, Hà Nội đang xây dựng Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2021- 2025. Kế hoạch được ban hành sẽ là cơ sở để thực hiện bảo vệ bền vững di sản cho các thế hệ sau.
Thu Hằng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất