07/06/2018 14:30 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Gần 1 năm phong trào #MeToo "bùng nổ", ban tổ chức cuộc thi Miss America (khác với cuộc thi Miss USA) tuyên bố sẽ bỏ phần thi áo tắm. Đây được xem là một quyết định mang tính "đột phá".
Khi cuộc thi Miss America - Hoa hậu Mỹ bắt đầu được tổ chức hồi năm 1921, màn "diễu hành" trong trang phục áo tắm của nhiều phụ nữ trẻ đẹp tham gia cuộc thi sắc đẹp này được xem là ý tưởng tuyệt vời để thu hút khách du lịch tới thành phố nghỉ mát và sòng bạc nổi tiếng Atlantic City sau Ngày Lao động.
Trở nên lỗi thời trong kỷ nguyên hiện đại
Tuy nhiên, kể từ đó cách người Mỹ nhìn nhận về phụ nữ đã thay đổi nhiều và giờ Tổ chức Miss America do phụ nữ điều hành nhận thấy màn trình diễn áo tắm của các người đẹp không còn là ý tưởng hay nữa.
Theo đó, khi cuộc thi Miss America 2018 được tổ chức vào tháng 9 tới, sẽ không còn phần thi áo tắm.
"Chúng tôi sẽ không phán xét các bạn qua ngoại hình bởi chúng tôi quan tâm tới những gì tạo nên bạn" - Gretchen Carlson, một cựu Miss America đồng thời là Trưởng ban quản trị của Tổ chức Miss America, tuyên bố trong chương trình Good Morning America của kênh ABC.
Trong hàng thập kỷ qua, nhiều nhóm phụ nữ và tổ chức khác đã chỉ trích rằng phần thi áo tắm trong các cuộc thi sắc đẹp đã quá lỗi thời, thể hiện sự thành kiến giới tính và hơi ngớ ngẩn.
Bà Carlson, từng đâm đơn kiện Chủ tịch Fox News, Roger Ailes, với cáo buộc quấy rối và khiến ông này mất chức, cho biết hội đồng quản trị đã nghe được lời than thở của nhiều thí sinh, họ nói rằng "chúng tôi không muốn xuất hiện trên sân khấu cuộc thi trong những bộ đồ tắm và những đôi giày cao gót".
Tuyên bố bỏ phần thi áo tắm tại Miss America được xem là một sự thay đổi tích cực của tổ chức mà 3 vị trí cao nhất do phụ nữ nắm giữ.
Quyết định thay đổi này được "kích hoạt" sau bê bối thư điện tử xảy ra hồi tháng 12/2017, trong đó các nhà điều hành của cuộc thi Miss America đã chế giễu trí thông minh, ngoại hình và cuộc sống tình dục của những người đẹp đoạt giải.
Từ năm nay trở đi, thay vì trình diễn áo tắm, các thí sinh sẽ tương tác với ban giám khảo cuộc thi nhằm "làm nổi bật những thành tích và mục tiêu trong cuộc sống và sẽ vận dụng tài năng, đam mê và hoài bão của mình để thể hiện vai trò của Miss America như thế nào" – theo tuyên bố của ban tổ chức.
Bà Carlson còn cho biết, phần thi trang phục dạ hội cũng sẽ được thay đổi, qua đó các người đẹp có thể mặc đồ gì đó ngoài váy đầm nếu họ muốn.
Trong khi đó, màn thi tài năng vẫn được giữ nguyên. "Những gì mà các thí sinh nói ra mới là điều chúng tôi quan tâm" – bà Carlson khẳng định.
Leanza Cornett, Miss America năm 1993, ủng hộ quyết định bỏ phần thi áo tắm của ban tổ chức cuộc thi.
"Tôi căm ghét phần thi này. Tôi luôn cảm thấy màn thi này thật kỳ cục và bất tiện. Trong bối cảnh phong trào #MeToo đang lan tỏa mạnh mẽ, tôi thấy đây là một quyết định sáng suốt. Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên khác, và khi phong trào trao quyền cho nữ giới tiến xa hơn, chúng ta sẽ thực hiện việc này nghiêm túc hơn nhiều" – Cornett bày tỏ.
Song không phải thí sinh nào cũng "hoan hỉ" với quyết định bỏ phần thi áo tắm, với một số thí sinh màn thi này là một trải nghiệm hữu ích đối với họ.
Điển hình là Kendall Morris, người tham gia cuộc thi Miss America hồi năm 2011 với vai trò là Hoa hậu bang Texas, cho biết phần thi áo tắm đã dạy cho cô biết ăn uống điều độ và luyện tập thể hình một cách lành mạnh như thế nào.
"Thực hiện chế độ ăn uống điều độ và luyện tập cơ thể không chỉ để cho 15 giây xuất hiện trên sân khấu mà cho cả đời. Nhờ màn thi này tôi đã áp dụng cho mình một chế độ ăn uống, uyện tập cả đời, vượt ra ngoài sân khấu Hoa hậu Mỹ" - Morris cho biết.
Quan tâm tới màn thi tài năng hơn
Tuy nhiên, bà Carlson không hề lo ngại tỷ lệ khán giả theo dõi cuộc thi qua truyền hình sẽ bị giảm sút. Bà cho biết, màn thi áo tắm không phải là phần chiếm tỷ lệ khán giả cao nhất mà công chúng dường như lại quan tâm tới phần thi tài năng hơn.
Cuộc thi Miss America giờ không còn là một sự kiện văn hóa được quan tâm như trước. Theo thống kê của Nielsen, cuộc thi hồi năm 1988 thu hút tới 33,1 triệu người xem, trong khi năm ngoái chỉ có 5,4 triệu khán giả theo dõi.
Theo ban tổ chức Miss America, do các địa phương và các bang đã bắt đầu tổ chức thi nhằm tìm ra hoa hậu tham gia vòng chung kết Miss America nên việc bỏ phần thi áo tắm sẽ không có hiệu lực ở các vòng thi đó cho tới sang năm.
Mallory Hytes Hagan, Miss America năm 2013, từng là mục tiêu bị chế giễu trong các email mà phần lớn trong số đó nhạo báng về cân nặng của cô sau khi đoạt vương miện.
Trong video được cô đăng tải trên trang Facebook cá nhân, Hagan nói rằng khi đoạt vương miện cô nặng 56kg. Hiện giờ Hagan nạng 74kg nhưng hầu hết mọi người đều cho là bình thường.
"Có nhiều phụ nữ ở khắp nước Mỹ, những người không "mặc đồ bơi" nhưng họ đang làm những việc phi thường trong cộng đồng của mình. Chúng ta nên tôn vinh họ và điều đó chẳng liên quan gì đến việc mặc đồ tắm 2 mảnh và bước đi trên sân khấu với đôi giày cao gót" – Hagan nói.
Việt Lâm
Tổng hợp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất