21/09/2020 15:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Hướng tới Tết Trung thu 2020, 100 năm ngày sinh Tô Hoài (27/9/1920 - 2020), cũng là dịp trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần đầu tiên do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức (29/9/2020), chúng ta hãy cùng điểm lại bầu không khí sáng tác, trình diễn nghệ thuật cho thiếu nhi trong thời gian qua, cùng những đỉnh cao văn học thiếu nhi trong quá khứ.
Xin giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Trương Quý về cuốn “199 mấy hồi ấy làm gì”.
Gần đây, xu hướng hoài niệm các thập niên được các thế hệ khai thác mạnh trong các sản phẩm tiêu dùng lẫn giải trí đại chúng. Người ta đã quen với các quán ăn “bao cấp” hay trà chanh “Đổi mới”, cũng như các cuốn sách hoài niệm hay nhìn lại quá khứ. Nhưng giờ đây, không chỉ hoài niệm thời bao cấp hay thời Đổi mới chung chung, các sản phẩm phân chia khoảng thời gian hẹp hơn: Thập niên. Thuộc lứa bước vào tuổi 30, các tác giả Trang Neko và X. Lan của cuốn sách 199 mấy hồi ấy làm gì (NXB Kim Đồng) phản ánh đúng nhu cầu tự phân biệt thế hệ mình với các thế hệ khác.
Cuốn sách kể lại ký ức của thế hệ sinh ra và lớn lên trong thập niên 1990, được triển khai theo mạch các ký ức về cuộc sống của trẻ con ở một khu tập thể Hà Nội, mỗi câu chuyện là một chủ đề mà trong suy nghĩ trẻ con là chuyện lớn: Ví dụ trò chơi trẻ con luôn có đứa nhỏ hơn bị chầu rìa, sự chiếm lĩnh thế giới giải trí trẻ em của truyện tranh, các chương trình ti vi phổ cập từng nhà - không còn cảnh cả xóm xem chung một cái ti vi nhưng vẫn là đồng thời xem cùng một chương trình, các khu dân cư vẫn còn gần với thiên nhiên - con vật và cây cối xung quanh nhà được dùng làm đồ chơi, các món quà thịnh hành như kẹo cao su Thái Lan, kem mút, các sự kiện như Trung thu ở khu tập thể, sinh hoạt Hè, các vấn đề về quan hệ anh chị em và hàng xóm…
Bên cạnh đó, cuốn sách có phụ lục những thức quà vặt, nhân vật truyện tranh hay món đồ chơi gắn với tuổi thơ thế hệ 9x.
Gần như bao quát trọn vẹn thế giới sinh hoạt vật chất của thế hệ này, cuốn sách có một giọng văn dễ chịu, trẻ trung, dí dỏm và nét vẽ minh họa dễ thương, tỉ mỉ, được trình bày và in ấn trên giấy ngà giả cổ rất công phu, man mác sự hoài niệm, bắt đúng "trend" (xu hướng) của giới trẻ bây giờ. Cuốn sách thực sự là một ấn phẩm rất nhà nghề, đặc biệt nhờ những bức minh họa rất chất lượng của họa sĩ X. Lan với lý lịch tự nhận “dốt văn nên đành vẽ”.
Nhược điểm của cuốn sách có lẽ ở chỗ các tác giả không có tham vọng đẩy lên thành một cuốn sách có một triết lý hay thông điệp rõ ràng, cũng như không tạo ra một cốt truyện kiểu truyền thống, thành ra hơi nhẹ ký về cuối. Kết thúc những ký ức hoài niệm là cuộc chuyển nhà, khi các căn hộ khu tập thể cũ đã không còn thịnh hành trong không gian đô thị mà nhường chỗ cho các khu đô thị mới hay chung cư cao tầng.
Nếu tìm kiếm một cuộc đánh giá quá khứ hay đưa ra một vấn đề bàn cãi thì cuốn sách không phải là một câu trả lời trực tiếp. Cái tên 199 mấy hồi ấy làm gì nghe vui tai nhờ bắt vần cùng với nội dung gợi ra một cảm giác vô ưu. Tuy nhiên vì không có tham vọng triết lý nên đọc lại rất dễ chịu. Cuốn sách man mác một nỗi hoài niệm tuổi thơ, cũng rất đúng với tâm lý thế hệ 9x, bấy lâu vẫn tiên phong nhận danh hiệu “trẻ trâu” cho dù giờ đây đã trở thành một phân khúc khách hàng và độc giả quan trọng của thế giới tiêu dùng đô thị.
Xét về mặt khác biệt, cuốn này làm được việc đánh trúng thẩm mỹ chuộng sách tranh hiện nay mà vẫn có sự chững chạc. Điều này phản ánh đúng thẩm mỹ mang tính chuyển tiếp của thế hệ sinh vào cuối thập niên 1980 và 1990, họ là thế hệ cuối cùng sinh ra trước khi Việt Nam hoàn toàn nằm trong quỹ đạo của thế giới tiêu dùng toàn cầu hóa hay tiếp nhận sự chi phối của công nghệ Internet đến việc hình thành nhân cách thời ấu thơ.
Nguyễn Trương Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất