Khát vọng lan tỏa văn hóa và tiếng Việt ở nước ngoài

03/02/2022 11:11 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Lan tỏa và giữ gìn tiếng Việt là một vấn đề không đơn giản ở nước ngoài nói chung và ở Pháp nói riêng. Tiếng Việt do không có thế mạnh như tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức... Người Việt sinh sống ở nước ngoài bắt buộc phải nắm được ngôn ngữ bản xứ để hòa nhập và kiếm sống dễ dàng.

Từ điển tiếng Việt là 'phiên bản' trung thực nhất về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam

Từ điển tiếng Việt là 'phiên bản' trung thực nhất về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam

Từ cuốn từ điển của tác giả Vũ Chất hơn 5 năm trước, và đến giờ là "Từ điển chính tả" (NXB ĐHQG Hà Nội, 2017), dư luận liên tiếp nổi sóng về những vấn đề ngữ nghĩa hay chính tả của tiếng Việt ở trong đó- những vấn đề tưởng như hết sức hàn lâm, sư phạm, đã thành chuẩn mực từ lâu.

Do từng vấp phải vấn đề ngoại ngữ, không ít người Việt muốn con thông thạo tiếng bản xứ để một phần giúp cho cha mẹ hòa nhập.

Nhiều trẻ mới 10 - 12 tuổi sinh ở VN, sang từ nhỏ, thậm chí một số sinh ở nước ngoài trở thành phiên dịch bất đắc dĩ cho cha mẹ khi giao tiếp cần thiết. Những đứa trẻ này buộc phải biết tiếng mẹ đẻ, dù không thạo. Tuy nhiên, lớp này chỉ dịch được những câu giao tiếp đơn giản thông thường do trình độ cha mẹ. Nhiều người lớn lên nói được tiếng Việt, nhưng không biết viết do cha mẹ không muốn con bị rào cản ngôn ngữ từ kinh nghiệm bản thân, hoặc bận mưu sinh không có thời gian dạy. Họ không hiểu rằng một đứa trẻ sống ở đâu đến trường sẽ từ từ nói tiếng nước đó. Sự hòa nhập của trẻ rất nhanh.

Chú thích ảnh
Cuốn “Langue Vivante: Vietnamien (Ngoại ngữ: Tiếng Việt)” của Trần Thu Dung và Nguyễn Thương Thương

Một số vấn đề tranh cãi đưa ra :

- Cha mẹ muốn thực hành tiếng, bằng cách nói với con bằng tiếng nước ngoài để tập khi giao tiếp vì họ không có điều kiện tiếp xúc nhiều với người bản xứ. Điều này rất tốt để cha mẹ luyện ngoại ngữ.

- Cha mẹ phát âm sai, ảnh hưởng đến phát âm của con cái. Ở Paris, có những vùng trẻ con khối Arập nói tiếng Pháp có ngữ điệu riêng. Hay như tiếng Pháp Québec (Canada), dù thời đại nay với phương tiện truyền thông hiện đại, mọi người có thể học tiếng dễ dàng, người Québec vẫn nói tiếng Pháp với một ngữ điệu và nhiều từ khác với tiếng Pháp. Ngay tiếng Pháp ở Bỉ (cạnh nước Pháp) cũng dùng một số từ khác tiếng Pháp ở Pháp. Do đó, nếu cha mẹ không nói tốt tiếng nước ngoài có nên dùng tiếng nước ngoài với con cái không?

Gần đây, trên VTV4 phỏng vấn một vài giáo viên sang nước ngoài xung phong dạy tiếng Việt để giữ gìn ngôn ngữ dân tộc. Có cô giáo hồn nhiên phát biểu với tiếng Việt n, l lẫn lộn khi nói lên trách nhiệm của người Việt ở nước ngoài về vấn đề bảo tồn văn hóa dân tộc. Dạy tiếng Việt cho con em là điều khuyến khích, nhưng cũng cần phải chọn giáo viên chuẩn về phát âm. Không thể dạy cho trẻ em nói: Chúng ta “nà” người Việt “Lam” phải lói tiếng Việt Lam...”. Như vậy, trẻ ở nước ngoài sẽ mãi mãi phát âm sai tiếng Việt.

Không phải ai nói tiếng Việt là dạy tiếng Việt. Phương pháp sư phạm nắm kiến thức văn hóa chung là rất cần thiết. Dạy tiếng Việt là một hình thức truyền bá văn hóa Việt. Nói tiếng Việt đúng cũng là một hình thức tôn vinh ngôn ngữ dân tộc.

Chú thích ảnh
Lớp học Tiếng Việt ở Ekaterinburg. Ảnh: Dương Trí/Vietnam+

Việc dạy tiếng Việt ở Pháp có một đặc thù khác hẳn ở các nước khác do mối quan hệ lịch sử lâu đời. Những làn sóng người Việt sang lao động và định cư từ cuối thế kỷ 19. Số đi du học thời Pháp thuộc rất ít, trong khi số bị cưỡng ép đi sang Pháp làm việc lại đông. Con cháu chắt những người bị cưỡng ép đi lính hay sang làm việc cực nhọc ở Pháp luôn mang tâm lý ngại nói về sự di cư của ông cha vì sợ hiểu nhầm. Giai đoạn 1954, 1975, những mốc lịch sử của VN với làn sóng di tản khác trước... Sự phức tạp này tạo nên những xu hướng lớp dạy tiếng Việt bè nhóm khác nhau. Những đứa trẻ gốc Việt thiệt thòi khi muốn tìm hiểu về cội nguồn qua ngôn ngữ. Chưa kể giọng ba vùng miền khác nhau. Thầy cô nói giọng Bắc khác với cha mẹ nói giọng Nam, Trung hay ngược lại cũng là một vấn đề.

Giữ gìn tiếng Việt ở nước ngoài rất đáng khích lệ, tuy nhiên lan tỏa tiếng Việt là một việc cũng rất cần thiết ở nước ngoài. Người nước ngoài thông qua học tiếng Việt sẽ hiểu thêm văn hóa và ngôn ngữ Việt. Không ít người nhầm chữ viết Việt ngày nay là chữ Hán tự, và chữ quốc ngữ chỉ là cách phiên âm theo hệ La-tinh cho đọc dễ. Qua học tiếng Việt họ hiểu cách xưng hô tiếng Việt, tục thờ cúng tổ tiên đều khác với ngôn ngữ và phong tục Trung Quốc. Nhờ đó, họ cũng hiểu thêm 1.000 năm đấu tranh giành độc lập của người Việt khó khăn và tài giỏi thế nào để thoát được bị Hán hóa và Pháp hóa. Một thế hệ ông cha thông minh, tài giỏi đã phải liên tục không ngừng đấu tranh bằng việc tuyên truyền dạy chữ quốc ngữ để bảo tồn ngôn ngữ văn hóa Việt. Học giả Phạm Quỳnh viết một câu bất hủ: “Tiếng Việt còn là nước ta còn”. Hay nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh: “Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ quốc ngữ”…

Ngày nay, hướng con cháu mang dòng Việt hướng về cội nguồn là một khát vọng của nhiều người Việt hiện đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Giữ được tiếng Việt là giữ được nghi lễ đẹp tôn kính tổ tiên, giữ được cách xưng hô rất thân mật mà chỉ có ở Việt Nam mới có. Ai ai người Việt cũng được coi là thành viên trong đại gia đình, đều được coi là anh chị, cô chú, con cháu.

Ở Pháp, Nhà nước chấp nhận đa ngôn ngữ và văn hóa, nên tiếng Việt trở thành ngoại ngữ được phép đăng ký thi và học. Rất tiếc, chỉ có hai trường chính thức được phép dạy tiếng Việt nằm ở Paris, nên học sinh gốc Việt ở tỉnh thiệt thòi.

***

Đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành khắp thế giới, một sáng kiến mới của những người tham gia dạy tiếng Việt ở khắp nơi đã nối kết và mở một chương trình dạy tiếng Việt trên mạng. Ý tưởng xuất phát từ trường tiếng Việt Lạc Long Quân ở Varsovie (Warszawa, thủ đô Ba Lan). Tháng 6 năm 2021, một hội thảo dạy tiếng Việt trên mạng đầu tiên mang tính quốc tế được tổ chức với sự tham gia của hơn 20 diễn giả từ nhiều nước đã thu hút hơn 200 người tham dự.

Chú thích ảnh
Một lớp học của trường dạy tiếng Việt Lạc Long Quân của người Việt Nam ở Ba Lan. Ảnh: Internet

Sau hội thảo, một ý tưởng thành lập ban dạy tiếng Việt quốc tế do nhà thơ Lê Xuân Lâm (Tổng biên tập báo Quê Việt) - cựu giám đốc trường tiếng Việt Lạc Long Quân kết hợp với tôi - Chủ tịch Hội Aurore Ánh sáng chuyên trao đổi văn hóa Âu Việt được đề ra nhằm tụ họp những người yêu tiếng Việt và đang dạy tiếng Việt ở nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm.

Một diễn đàn dạy và gìn giữ tiếng Việt gồm 15 người chủ chốt do ông Lê Xuân Lâm phụ trách thành lập. Chỉ sau 3 tháng, diễn đàn thu hút 300 người tham gia. Diễn đàn nhằm trao đổi kinh nghiệm dạy tiếng Việt, và cũng là để giúp xoa dịu nỗi buồn của những người con xa xứ. Ngay sau đó, diễn đàn đã tổ chức hội thảo giới thiệu những sách giáo khoa dạy tiếng Việt hiện có do đại đa số những người Việt ở nước ngoài viết dựa trên tình hình nhu cầu thực tế của nước sở tại.

Những cuốn sách dạy tiếng Việt ra đời đều là kết quả của một nỗ lực của mỗi tác giả với khát vọng gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt ở nước ngoài. Tôi và con gái cả Thương Thương đã cùng biên soạn và xuất bản cuốn sách song ngữ Pháp Việt, dạy học tiếng, phát hành rộng rãi tại Pháp. Langue Vivante: Vietnamien (Ngoại ngữ: Tiếng Việt) - sách cho học sinh trung học đăng ký thi tốt nghiệp Tú tài tiếng Việt cho học sinh tại Pháp (180 trang, NXB Tri thức 2006) - cuốn đầu tiên soạn dạy ôn thi tiếng Việt ở Pháp, do tôi và con gái thực hiện khi tôi luyện thi tú tài cho học sinh Việt vào đại học.

Một số thành viên diễn đàn nuôi ý tưởng dạy tiếng Việt qua âm nhạc dân tộc như Lê Thị Bích Hường (dì ruột ca sĩ Tùng Dương) - hiện tham gia dạy tiếng Việt ở một đại học tại Ý. Chị vốn sinh ra ở Bắc Giang - đất Kinh Bắc quê hương quan họ, luôn muốn làn điệu dân ca bay đi muôn phương. Mọi việc còn đang trong quá trình thể nghiệm.

Diễn đàn gìn giữ tiếng Việt mong có sự ủng hộ về mặt vật chất lẫn tinh thần của các Mạnh thường quân để giúp cho văn hóa Việt và tiếng Việt mãi mãi tỏa hương đi khắp nơi.

Ngày 12/8/2021 vừa qua, Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đã nêu nhiệm vụ “nghiên cứu lựa chọn Ngày Tôn vinh tiếng Việt hằng năm để khuyến khích, cổ vũ đồng bào, nhất là thế hệ trẻ học tập và giữ gìn tiếng Việt”.

TS Văn học Trần Thu Dung (Paris)
Thể thao & Văn hóa Xuân Nhâm Dần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm