26/01/2021 22:20 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Sân khấu Hoàng Thái Thanh vừa chuyển thể kịch bản cải lương Tướng cướp Bạch Hải Đường sang kịch nói, mang tên Bạch Hải Đường, do đạo diễn Ái Như dàn dựng. Có rất nhiều cái mới được thêm vào, khiến Bạch Hải Đường mang đúng màu sắc của Hoàng Thái Thanh.
Thập niên 1960, sân khấu Sài Gòn dậy sóng với vở cải lương Tướng cướp Bạch Hải Đường của soạn giả Nguyễn Huỳnh. Ở đó, câu chuyện của anh tướng cướp Hoàng Minh khổ vì người vợ trắc nết - và đối trọng là gia đình hạnh phúc của ông cảnh sát tên Bằng - đã lấy đi khá nhiều nước mắt của người xem bởi một thông điệp: Phía sau chuyện tình yêu phũ phàng, sau sự bạc ác của lòng người thì vẫn có những tấm gương về tình bạn, về sự công tâm và lòng nhân ái.
Tỉ mỉ và tinh tế
Hoàng Thái Thanh là bút danh chung của NSƯT Thành Hội và nghệ sĩ Ái Như. Với sự tỉ mỉ và tinh tế họ đã viết lại và thêm vào rất nhiều chi tiết trong bản dựng này. Chẳng hạn, chiếc nhẫn hột xoàn trong nguyên tác là của ông Bằng, quận trưởng cảnh sát, tặng vợ, nhưng ở đây đã biến thành của Đặng Hoàng Minh mua tặng ông Bằng, rồi năn nỉ ông tặng cho bà Bằng, vì họ cưới nhau đã lâu mà vẫn sống thanh bạch. Sửa đổi này hợp lý, bởi ông Bằng làm cảnh sát thanh liêm, 15 năm mới sắm nổi căn nhà, thì khó lòng “xài sang” mua nhẫn hột xoàn.
Sự tỉ mỉ còn đáng yêu ở chỗ thêm vào chi tiết Đặng Hoàng Minh tặng chiếc máy hát hiệu Akai cho ông Bằng, đúng cái máy hát thời đó, khiến người xem nhói lòng thương nhớ. Càng hoài niệm hơn nữa khi những ca khúc quen thuộc cất lên, gợi cả một không gian xưa yêu dấu.
Vở diễn còn thêm điểm nhấn cho Đặng Hoàng Minh ở lớp diễn trong tù. Anh ta sống tử tế với bạn tù, hào hiệp che chở cho người yếu thế, cần mẫn lao động, khiến mọi người thương mến. Những điều này ở nguyên tác cải lương chỉ có trong lời thoại của ông cai tù, nhưng Hoàng Thái Thanh đã miêu tả rất thực qua một trường đoạn biểu diễn.
Những điều lấn cấn
Tuy nhiên, cũng có những chi tiết thêm vào lại gây lấn cấn cho người xem. Chẳng hạn, chi tiết ông cò Bằng mở còng cho Đặng Hoàng Minh, tức tướng cướp Bạch Hải Đường, có phần chưa hợp lý. Thực tế, khi xác định đây là tên cướp nguy hiểm, rất khó khăn mới bắt được, thì không lý gì cảnh sát có thể làm điều này, dù vì lý do nhân đạo. Thực tế, trong nguyên tác, ông Bằng chỉ cho Bạch Hải Đường ẵm con trong chốc lát, và đôi tay vẫn phải còng. Diễn màn ấy, khi xưa, nghệ sĩ Hùng Cường đã co tay lên để ẵm con, chứ không thể thoải mái như bình thường và khiến người xem xót xa bởi tư thế co tay khốn khổ.
Chi tiết bà Nhung sau một thời gian sống với nhân tình, bị hành hạ khốn khổ, rồi tới nhà vợ chồng ông Bằng để đòi lại con với mục đích tống tiền, cũng có đổi mới. Trong nguyên tác, bé Thu đã 18 tuổi, ông bà Bằng chuẩn bị hôn lễ cho con, vì vậy sự xuất hiện của bà Nhung trở thành ác mộng. Họ sợ bà Nhung phá tan hôn lễ, sự kiện cực kỳ quan trọng trong đời người, cho nên họ mới nhượng bộ bà Nhung.
Nhưng trong phiên bản này, bé Thu chỉ 12 tuổi thôi, dù vợ chồng ông Bằng cố gắng giữ yên tâm lý cho bé, nhưng chắc chắn áp lực không lớn như trong nguyên tác, vì vậy sự nhượng bộ xem ra không mấy hợp lý. Nhất là khi bà Nhung đưa ra tờ giấy khai sinh của bé Thu để làm minh chứng đòi con, lại càng vô lý. Đứng về mặt luật pháp, dù khai sinh có tên cha mẹ hợp pháp đi nữa, nhưng mười mấy năm qua bà Nhung đã không thực thi trách nhiệm làm mẹ, thì luật vẫn xử đứa con ấy thuộc về người giám hộ tử tế là vợ chồng ông Bằng.
Chưa kể, bà Nhung có thêm một lớp diễn thừa thãi là khi bước vào nhà đã khóc lóc nói con bị bắt cóc này nọ. Chẳng ăn nhập gì với đoạn sau, khi lạnh lùng đòi con. Trong phiên bản cải lương Tướng cướp Bạch Hải Đường, Thanh Ngân trong vai bà Nhung, bước vào nhà bà Bằng với sự khép nép, chần chừ, thậm chí lén quay đi giấu những giọt nước mắt.
Điều này rất đúng tâm lý của một người mẹ biết thương con, biết tri ân người đã nuôi dưỡng con mình nhưng vẫn phải đi tống tiền vì sức ép của người chồng nghiện ngập đưa gia đình tới cảnh nghèo đói, và hắn luôn đánh đập bà.
Khi xưa, lớp diễn của Thanh Ngân xuất sắc, khiến khán giả rơi nước mắt như mưa. Trong phiên bản của Hoàng Thái Thanh đã không dành nhiều đất cho NSƯT Tuyết Thu thể hiện vai bà Nhung một cách đáng thương như thế, trong khi tài năng của Tuyết Thu thì thừa sức diễn những bi kịch sâu sắc. Người xem cứ thấy nhân vật mỏng mỏng thế nào…
Thực sự đáng ghi nhận công phu của Hoàng Thái Thanh khi dựng một phiên bản tỉ mỉ như thế này. Tuy nhiên, nếu tránh được những hạt sạn ấy thì chắc vở diễn sẽ hớp hồn khán giả, bởi họ từng ái mộ kịch bản này mấy chục năm và luôn hăm hở đi xem.
Hoàng Kim
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất