13/01/2022 06:48 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Vài tháng trước, khi thành phố TP.HCM bước vào trạng thái bình thường mới, dịch bệnh giảm chút ít, các ông bà bầu sân khấu vẫn chưa có kế hoạch mở cửa trở lại. Thế nhưng, sau khi Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc năm 2021 tại TP.HCM (tạm gọi là đợt 2) sắp kết thúc, các sân khấu kịch lại tuyên bố sẽ sáng đèn vào mùa Tết âm lịch này.
Trước đó, đợt 1 của Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc năm 2021 (đợt 1) đã diễn ra hồi tháng 11/2021 tại Hải Phòng. Thời điểm ấy, dịch bệnh ở miền Bắc không nghiêm trọng, trong khi phía Nam thì ngược lại. Và, phía tổ chức quyết định cho các đơn vị này thi tài sau, trong tháng 1/2022 tại TP.HCM.
Thăm dò phản ứng khán giả mê kịch
Trùng hợp ngẫu nhiên, vào thời điểm này, tình hình dịch bệnh ở TP.HCM đã giảm mạnh. Dẫu vậy, diễn biến vẫn còn phức tạp, nên các sân khấu chỉ giới hạn cho 100 - 150 người có mặt trong một buổi diễn. Nhưng, nhìn chung, khán giả và nghệ sĩ hưởng ứng Liên hoan trong tinh thần phấn khởi và hy vọng. Đối với nhiều ông bà bầu, không khí của liên hoan kịch nói toàn quốc tại TP.HCM là một trong những tiêu chí thăm dò phản ứng khán giả mê kịch.
Sau khi Liên hoan đi qua nửa chặng đường, các sân khấu đã phát đi tín hiệu sẽ mở cửa phục vụ mùa kịch Tết, cho dù trước đó hơn 80% từng nói sẽ không sáng đèn. Bà bầu Tracey Thúy Nguyễn, bà xã của ông bầu Trần Đại của sân khấu Thế giới trẻ chia sẻ: “Chúng tôi đóng cửa phòng vé suốt năm, đến khi Liên hoan diễn ra, chúng tôi mở cửa phòng vé lại, nhiều khán giả ghé vào hỏi thăm, mua vé. Chúng tôi nhận ra rằng có nhiều người mê kịch vẫn đang mong chờ được xem thể loại mà họ yêu thích. Điều này có tác động đến quyết định của chúng tôi”.
Tracey Thúy Nguyễn nói thêm: “Trước đây, trong bài toán kinh doanh, nếu nhà nước cho sân khấu sáng đèn mà bắt buộc tuân thủ giãn cách xã hội, ngồi cách một ghế, chúng tôi chỉ bán được 50% số vé. Chắc chắn lỗ vốn. Không chỉ vậy, ngay cả việc cho mở cửa mà tình hình dịch bệnh còn nghiêm trọng, chúng tôi không dám mạo hiểm. May mắn là vào đầu tháng 1/2022, Liên hoan kịch gần kết thúc thì số lượng người nhiễm bệnh Covid-19 tại TP.HCM giảm từ vài ngàn xuống còn vài trăm người trong ngày. Hơn nữa, thành phố cho phép chúng tôi bán vé hết công suất. Tất cả các yếu tố này cộng lại khiến chúng tôi mở cửa. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng: yếu tố an toàn sức khỏe là quan trọng nhất”.
Đó cũng là lý do chung để các sân khấu còn lại như IDECAF, Hồng Vân, Sen Việt, Hoàng Thái Thanh… mở cửa trở lại. Thật ra, không chỉ khán giả mê kịch trông chờ cánh màn nhung hé mở. Nghệ sĩ vắng khán giả quá lâu, cũng thấy nhớ quay quắt những tràng vỗ tay, những lời tán thưởng. Chỉ cần điều kiện cho phép là họ sẽ bật ngay chế độ cảm xúc để được phiêu lãng trong ánh đèn huyền diệu của thánh đường nghệ thuật.
Hơn nữa, mùa Tết, các loại hình giải trí khác đã ngưng quay hình, nghệ sĩ kịch không còn tất bật chạy show, nên đây là thời điểm vàng để họ tập trung vào vai diễn và được gặp gỡ trực tiếp khán giả của mình. Điều này đã từng lặp đi lặp lại lâu đến mức gần như trở thành một thói quen, một thông lệ của giới sân khấu kịch khi bước vào mùa Tết.
Kịch mục cũ, nhưng mới
Tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc năm 2021 tại TP.HCM (đợt 2), số lượng đơn vị nghệ thuật đăng ký tham dự lên đến 21, số lượng kịch mục lên đến 26 vở. Trong này, áp đảo là các sân khấu tư nhân hoạt động thường xuyên như IDECAF, Thế giới trẻ, Hoàng Thái Thanh, 5B Võ Văn Tần, Hồng Vân, Sen Việt... Nhà hát kịch TP.HCM là đơn vị nhà nước được đầu tư cho các hoạt động, nhưng rất thưa thớt vở mới.
Có một số vở dựng mới hoàn toàn, dành riêng cho liên hoan, ví dụ như Blouse trắng, Lạc giữa biển người, Chuyện làng, Mảnh vở, Mưa bóng mây, Câu hò đất mẹ, Thành phố tình yêu, Hành trình tìm bức chân dung... Vở Lạc giữa biển người đánh dấu sự trở lại của NSƯT Hoài Linh sau một năm gặp nhiều sức ép từ công chúng vì chuyện từ thiện.
Trong số này, theo dự kiến, Lạc giữa biển người sẽ công diễn vào dịp Tết tại Nhà hát thành phố (chưa xác định ngày), Chuyện làng sẽ công diễn vào các ngày Mồng 4 và Mồng 5 tết tại sân khấu Sen Việt, tầng 1 của sân khấu 5B Võ Văn Tần. Các vở còn lại sẽ diễn phục vụ cho đồng bào vùng sâu, vùng xa hoặc các tỉnh theo hợp đồng, ngay cả dịp Tết.
Gần như tất cả các vở diễn còn lại đều là những kịch bản đã dựng từ hồi mùa Tết năm 2021, nhưng do đại dịch Covid-19 hoành hành, đã tạm ngưng diễn. Vậy nên, nói là kịch mục cũ, nhưng đa số khán giả vẫn còn chưa được xem. Có thể nói bình cũ rượu cũ, mà uống như mới. Các kịch bản này không theo sát tiêu chí kịch chính luận của Liên hoan sân khấu kịch nói, mà theo nhu cầu thưởng thức đặc thù, hoặc còn gọi là cái gu, của từng sân khấu. Phần lớn là những vở thuần tính giải trí, có thông điệp nhân ái, bao dung, hướng thiện nhẹ nhàng.
Các sân khấu sẽ khởi động vào thời điểm một tuần trước Tết để diễn viên nhuần nhuyễn lại các tuồng đã không diễn suốt một năm qua. Đa số chọn ngày diễn chính thức là ngày Mồng 1 Tết âm lịch. Đặc biệt, Tết năm nay, tại rạp Thanh Liêm cũ của thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, sẽ đánh dấu sự ra đời của một nhà hát kịch do Tiết Duy Hòa cầm trịch.
Khác với nhiều đoàn, bà bầu NSƯT Mỹ Uyên khẳng định sẽ không phục vụ kịch dài, mà tập trung vào các chùm hài kịch. Chị nói rằng, qua một năm nặng nề vì bệnh dịch, khán giả cần sự vui tươi để tìm lại cân bằng. |
Nguyễn Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất