25/05/2022 07:56 GMT+7 | Văn hoá
1. Phía Nhà xuất bản Trẻ, đơn vị tổ chức Văn học tuổi 20 lần VII, thông báo không phát động mùa giải kế tiếp như thường lệ, mà không cho biết lý do cụ thể. Cũng có thông tin hành lang rằng Văn học tuổi 20 chỉ tạm dừng một thời gian mà thôi. Nếu thật vậy, đây cũng coi như là “giai đoạn giải lao” của Văn học tuổi 20, để trở lại vào thời điểm thích hợp hơn.
Những tác phẩm lần này đã thể hiện được tiếng nói của các tác giả trước đời sống. Một số tác giả tìm tòi để tiếp cận vấn đề theo hướng khác, ít đi theo lối mòn. Nhà phê bình Văn Giá, thành viên ban chung khảo, phát biểu tại lễ trao giải: “Giờ đây, các cây bút trẻ đã dừng lại, sống kỹ, đào sâu vào vùng đất của riêng mình, hiểu theo cả nghĩa địa lý và nghĩa tinh thần. Chỉ có sống kỹ, đào sâu vào vùng sống của riêng mình, do mình lựa chọn, thì mới có khả năng kết tinh và thành tựu. Thay vì hướng về không gian rộng, người viết trẻ chuyển sang đào sâu, cắm mốc, khoan vỉa. Đây là một lựa chọn nhiều hứa hẹn. Ngay cả một số bạn trẻ đang sống, học tập và làm việc ở nước ngoài cũng chọn cho mình một chỗ đứng như vậy”.
Văn Giá phân tích thêm: “Nếu nhìn theo những quy chiếu khác nữa, còn thấy trong sáng tác của các tác giả lọt vào vòng chung khảo có văn học đô thị/ văn học nông thôn, có lối văn trữ tình/ lối văn hiện thực, có lối văn nghiêm trang/ lối văn trào tiếu, có lối văn dựa vào cốt truyện/ lối văn giải phóng cốt truyện, có lối nghiêng về truyền thống/ lối viết bứt phá cách tân… Tuy nhiên, những khái niệm như vừa rồi chỉ có thể nhìn các mặt riêng rẽ, đơn trị, rất dễ rơi vào tư biện và phiến diện. Nói như vậy, chúng tôi chỉ muốn nói tới sự đa dạng và phong phú của các cách biểu đạt ở cuộc thi này”.
2. Tuy nhiên, nếu nhìn qua tác phẩm nhận giải thưởng có thể thấy ưu thế nghiêng về các tác giả từng có sách xuất bản. Có thể nhắc đến những nhà văn như Hoàng Công Danh, Hiền Trang, Lê Quang Trạng, Nguyễn Thu Hằng và cả á quân Yang Phan trước đó đã xuất bản một số đầu sách.
Tác giả đồng giải Nhì là Duy Ân, hiện đang du học ở nước ngoài. Tại buổi trao giải, tác giả Yang Phan đã thay mặt ban tổ chức thông báo tin đoạt giải cho Duy Ân qua điện thoại. Tác phẩm Nửa lời chưa nói của Duy Ân được PGS-TS Nguyễn Thành Thi, thành viên ban chung khảo nhận xét: “…mang lại một cái nhìn ít nhiều có tính phát hiện trước một số vấn đề của đời sống nhưng không chỉ là đời sống của con người, xã hội mà còn là đời sống của ngôn ngữ và văn hóa. Các truyện viết khá nhuần nhị, đều tay, tuy đôi lúc hơi nặng về lý trí. Kỹ thuật trần thuật khá linh hoạt, biến hóa, làm cho điều khó hiểu trở nên hấp dẫn”.
Qua 7 mùa giải (bắt đầu kể từ năm 1994), Văn học Tuổi 20 đã thu hút được khối lượng bản thảo khá lớn, với 2.133 tác phẩm. Nhiều nhà văn thành danh từ cuộc thi này như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Dương Thuỵ, Võ Diệu Thanh, Phan Việt… Giải thưởng được nhiều tác giả mới bước vào văn chương xem như một bệ phóng. Có thể thấy, qua số lượng tác phẩm tham dự cuộc thi hằng năm, Văn học tuổi 20 đã chứng tỏ sức hút của mình.
Đây cũng là mùa giải thứ hai liên tiếp Văn học tuổi 20 lần không có giải Nhất. Ở mùa trước, hai tác phẩm Wittgenstein của thiên đường đen của Maik Cây và Người lạ của Mai Thảo Yên chia nhau giải Nhì. “Có thể xem đây cũng là một trong vài lý do để giải thưởng tạm dừng lại, như một khoảng nghỉ, để một lứa tác giả mới kịp hình thành” - ông Nguyễn Thành Nam (Tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ) chia sẻ.
Kết quả giải Văn học tuổi 20 lần VII Đồng giải Tư là các tác phẩm Có thú dữ trong thành phố (Nguyên Nguyên), Bảy bảy bốn chín (Hoàng Công Danh), Chopin biến mất (Hiền Trang). Đồng giải Ba là Vệt sáng của bụi (Lê Quang Trạng), Chuồng cọp trên cao (Nguyễn Thu Hằng). Đồng giải Nhì là Vụn ký ức (Yang Phan), Nửa lời chưa nói (Duy Ân). Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần VII không có giải Nhất. |
Huỳnh Trọng Khang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất