Phát triển du lịch tâm linh - tạo sự khác biệt: Biến di sản thành tài sản

30/03/2017 15:56 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Việt Nam có thế mạnh phát triển du lịch tâm linh nhờ bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng, thể hiện qua vô vàn các danh thắng, di tích, lễ hội trên phạm vi cả nước.

Việt Nam có gần 8.000 lễ hội truyền thống, trong đó có rất nhiều lễ hội lớn mang tầm quốc gia. Cả nước có khoảng 40.000 khu di tích, thắng cảnh, tập trung chủ yếu ở đền, chùa, miếu mạo, tòa thánh, đài, lăng tẩm, phủ, khu tưởng niệm, trong đó hơn 3.000 địa danh được xếp hạng di tích quốc gia. Đi kèm di tích là các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, thể thao như thờ cúng tổ tiên, dòng tộc, tri ân anh dùng dân tộc, danh nhân, báo hiếu, chiêm bái, tụng kinh, thiền, yoga.

Chính kho tàng văn hóa và tín ngưỡng phong phú trên đã tạo hình cho cốt cách và bản sắc của dân tộc Việt Nam, làm nên nét riêng cho du lịch Việt Nam.

Vượt lên trên giá trị kinh tế

Văn hóa và tín ngưỡng là sản phẩm cốt lõi của du lịch tâm linh. Phát triển du lịch tâm linh chính là biến văn hóa thành hàng hóa. Do vậy, những lợi ích của ngành kinh tế này không chỉ về kinh tế mà hơn hết là giá trị tinh thần.

Theo Ts Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Văn hóa Du lịch, Đại học Văn Hóa Hà Nội, một vài bộ phận công chúng do chưa có sự hiểu biết đúng đắn về giá trị của các di sản văn hóa và tín ngưỡng đã đánh đồng việc đi chùa, đi lễ, hát văn, hầu đồng là mê tín dị đoan. Dưới góc nhìn văn hóa, những phong tục, truyền thống và tín ngưỡng thuần Việt không chỉ mang giá trị nghệ thuật, mà còn là bản sắc dân tộc. Một số đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Du lịch tâm linh có thể xem là một công cụ đặc hữu giúp xóa đi cái nhìn khiên cưỡng về di sản văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng. Du lịch tâm linh còn là cách tiếp cận hữu hiệu giúp nâng cao hiểu biết của công chúng về giá trị nghệ thuật của loại hình di sản phi vật thể này. Thông qua hoạt động du lịch, du khách được trực tiếp tiếp xúc, thẩm nhận, và trải nghiệm, từ đó nuôi dưỡng và phát triển các giá trị tâm linh tín ngưỡng từ trong tiềm thức của mình.


Nghi lễ hầu đồng (Ảnh: TTXVN)

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết các điểm du lịch tâm linh thường gắn với đền, chùa, lăng tẩm, tòa thánh và lễ hội. Cả nước có gần 500 ngôi chùa được xếp hạng di tích quốc gia. Đây chính là những điểm thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm, chiêm bái, nghe giảng và trải nghiệm đời sống thiền tu. Đạo Phật và các tôn giáo, tín ngưỡng chính thống khác đều hướng con người tới giá trị Chân – Thiện - Mỹ.

Những trải nghiệm tâm linh tại nơi thờ tự giúp con người thư giãn, đạt tới sự cân bằng trong tâm hồn. Hòa mình vào không khí thân thiện, cởi mở của lễ hội cổ truyền cũng giúp con người dễ hòa hợp với nhau hơn. Vì vậy, du lịch tâm linh giúp phát triển hành vi hướng thiện, nâng cao tinh thần đoàn kết, hướng về cội nguồn, xây dựng xã hội hài hòa, tốt đẹp.

Trong bối cảnh thế giới đang ngày đối mặt với nhiều thách thức về chính trị, tôn giáo và môi trường, văn hóa và tín ngưỡng sẽ là sợi dây kết nối con người với nhau. Du lịch tâm linh góp phần xây dựng mối quan hệ thân thiện, khuyến khích tình bằng hữu, giúp vượt qua các thành kiến văn hóa và tôn giáo. Có thể xem du lịch tâm linh là công cụ kiến tạo hòa bình, Hòa thượng nói.

Giữ chân du khách nội địa

Những năm qua, ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó có sự đóng góp to lớn và bền vững từ du lịch tâm linh. Trong quy hoạch phát triển du lịch tổng thể, gồm bốn nội dung: du lịch sinh thái, du lịch thành thị, du lịch biển đảo và du lịch văn hóa - tâm linh – lịch sử, thì dòng thứ tư này có vị trí đặc biệt quan trọng. Năm 2016, ngành du lịch phục vụ 62 triệu du khách nội địa. Riêng du khách đến các địa điểm du lịch tâm linh chiếm tới một phần ba.


Du khách đổ về Lễ hội Đền Hùng, Phú Thọ (Ảnh: TTXVN)

Theo Ts Dương Văn Sáu, chiến lược phát triển du lịch của bất kỳ quốc gia nào cũng lấy chính người dân sở trị làm gốc. Nước ta có hơn 90 triệu dân. Thu nhập bình quân đầu người tăng hàng năm. Đời sống tinh thần ngày càng được chú trọng, dẫn tới nhu cầu du lịch ngày càng cao. Tâm lý người Việt lại trọng tín ngưỡng. Hoạt động du lịch tâm linh vừa đáp ứng nhu cầu thư giãn, vừa tìm hiểu các trang lịch sử, phong tục, tập quán, tín ngưỡng thông qua các di tích và lễ hội. Vì vậy, đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh chính là đánh trúng tâm lý du khách nội địa.

Tâm linh và các giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng gắn bó và tồn tại song hành cùng dân tộc từ hàng ngàn năm nay. Còn con người thì còn tôn giáo tín ngưỡng. Các di sản văn hóa, tín ngưỡng thuần Việt không chỉ được thể hiện qua các loại hình nghệ thuật, lễ hội dân gian, bài học lịch sử, mà còn ăn sâu vào đời sống dân gian của người Việt. “Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ”, “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba” chính là những lời nhắc nhở các thế hệ về công ơn của Đức thánh Trần, thánh Mẫu Liễu Hạnh và các Vua Hùng.

Truyền thống và tín ngưỡng sẽ thổi hồn vào di sản văn hóa. Du lịch tâm linh hay bất cứ loại hình du lịch nào khác sẽ vững chắc hơn nếu lấy các giá trị cốt lõi, trong đó có di sản văn hóa và tín ngưỡng truyền thống làm bản lề, và dựa vào người dân của chính dân tộc mình, Ts Dương Văn Sáu đánh giá.

Thu hút khách quốc tế

Việt Nam có 11 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh là di sản thế giới, trong đó có 9 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 2 di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Những di sản văn hóa và tín ngưỡng này chính là những giá trị làm nên nét riêng biệt của du lịch Việt Nam.


Trình diễn công chiêng của dân tộc Jrai trong Lễ hội ăn trâu. (Ảnh: TTXVN)

Một du khách người Mỹ tại khu di tích chùa Hương nói: “Tôi đến Việt Nam không phải để các bạn chiều lòng chúng tôi. Tôi đến để xem văn hóa bản địa của các bạn, những điều chúng tôi không có. Cho nên, các bạn muốn lôi cuốn chúng tôi thì hãy làm những gì như các bạn vẫn làm hàng nghìn năm nay”.

Giá trị văn hóa tín ngưỡng truyền thống là thế mạnh, làm nên sức hấp dẫn cho du lịch Việt Nam. Ngành du lịch cần giới thiệu du khách đến với giá trị đích thực của các di sản văn hóa và tín ngưỡng truyền thống từng vùng miền. Mỗi tour du lịch tâm linh cần đọng lại trong tâm trí du khách, đặc biệt là du khách quốc tế một cách sâu sắc và riêng biệt và khi đó, số du khách đến Việt Nam sẽ không dừng lại ở 10 triệu lượt, Ts Dương Văn Sáu nói.

Các lễ hội lớn mang tầm quốc gia bao gồm Đền Hùng (Phú Thị), lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), lễ hội Đền Trần, Phủ Dày (Nam Định) Hội Lim (Bắc Ninh), lễ hội điện Hòn Chén (Huế), lễ hội Quán Thế Âm Bồ Tát (Đà Nẵng, Huế), lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang).

11 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh là di sản đại diên của nhân loại, gồm trò chơi kéo co, dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh, đờn ca tài tử Nam Bộ, tín ngưỡng thờ Vua Hùng, hát Xoan, hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng, ca Trù, dân ca quan họ, không gian văn hóa Cồng Chiêng, nhã nhạc cung đình Huế, và tín ngưỡng Thờ mẫu Tam phủ.


(Còn nữa)

Phương Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm