08/12/2019 11:34 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Sau 20 năm, kể từ ngày được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Hội An được bảo tồn, phát huy hiệu quả, là nguồn lực đưa kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, trước sức ép của đô thị hoá, biến đổi khí hậu, tác động của môi trường, việc tìm hướng phát triển bền vững cho Hội An trở thành vấn đề cấp bách.
Được xem như một bảo tàng sống về lịch sử, kiến trúc, dân cư đô thị, những năm qua, Hội An luôn là điểm đến hấp dẫn hàng đầu thế giới. Lượng khách du lịch đến Hội An ngày một tăng nhanh, từ gần 100 nghìn lượt khách năm 1999, đã tăng lên hơn 2,5 triệu lượt trong năm 2019.
Hội An hiện có trên 600 cơ sở với hơn 10 nghìn phòng, sẵn sàng đón hơn 21 nghìn khách lưu trú/ngày. Du lịch, dịch vụ đóng góp hơn 70% GDP của thành phố, đời sống người dân không ngừng nâng cao. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh đang tạo áp lực lên không gian phố cổ, đòi hỏi sự mở rộng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu đối với Di sản văn hóa Hội An.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho hay, từ nhiều năm nay, Hội An đã chuẩn bị tâm thế để đón chào ngày càng nhiều du khách đến tham quan. Tuy nhiên, Hội An đang đứng trước thực tế trở nên quá tải, nhất là ở khu vực vùng lõi của Di sản. Vì vậy, một trong những giải pháp đang được Hội An thực hiện là kéo giãn lượng khách vào trung tâm phố cổ, thay vào đó là phát triển thêm các sản phẩm ở vùng ngoại ô để phục vụ khách tham quan nhưng đây cũng chưa phải là giải pháp căn cơ bền vững lâu dài.
Phó Giáo sư. Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung, Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, với sự hấp dẫn, Hội An đang đối mặt với tình trạng quá tải lượng khách tham quan. Hội An không chỉ có các di tích, kiến trúc, còn có lối sống rất riêng, vẫn chưa khai phá hết. Với một tư duy mở, Hội An sẽ tìm ra hướng đi cho mình trong việc xây dựng chương trình phát triển đô thị, kết nối đô thị với đô thị theo định hướng phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới đô thị xanh, đô thị thông minh. Đây là một trong những hướng tiếp cận cần được chính quyền thành phố lưu tâm.
Tại hội thảo" Quy hoạch phát triển các đô thị ven sông, ven biển và quản lý môi trường các đô thị, khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam" được tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua, Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích nhận định: Từ nhận thức đúng về giá trị Di sản, giá trị lịch sử, Hội An đang đi đúng hướng phát triển đô thị theo cách riêng, theo hướng phát triển du lịch sinh thái, không phải đô thị hành chính hay đô thị công nghiệp. Đây là một giải pháp lâu dài để giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Tuy nhiên đứng trước những tác động kể cả chủ quan lẫn khách quan lên phố cổ Hội An, Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đề xuất: Đã đến lúc cần hướng đến một chiến lược phát triển lâu dài cho thành phố này. Chiến lược đó nằm ở các chủ trương, đường lối phải được thực hiện một cách kiên trì, có tầm vóc về định hướng phát triển cho thành phố theo định hướng: Phát triển thành phố Hội An trong sự tiếp nối quá khứ, hiện tại, tương lai. Nếu định hướng này được thực hiện đầy đủ, xuyên suốt, Hội An hoàn toàn có cơ hội trở thành mô hình cho thành phố tương lai.
Vẫn còn nhiều thử thách, song cân bằng hài hòa giữa bảo tồn, phát triển, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những mâu thuẫn giữa phát triển đô thị với gìn giữ bản sắc văn hóa, cảnh quan sinh thái, lối sống vốn có của cư dân đô thị sẽ là chìa khoá để Hội An phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu lâu dài là xây dựng thành phố sinh thái – văn hoá – du lịch./.
Đoàn Hữu Trung
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất