09/05/2019 07:47 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Sau vụ hỏa hoạn lớn thiêu rụi tháp nhà thờ Đức bà Paris 850 tuổi hồi giữa tháng 4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết nhà thờ nhất định được xây dựng lại “thậm chí đẹp hơn trước”. Dự án này càng được tích cực thúc đẩy sau khi nhận được hàng trăm triệu USD tiền ủng hộ từ khắp thế giới.
Tuy nhiên, công trình phục chế “linh hồn của Paris” đang là một trong những dự án quốc gia gây tranh cãi nhất nước pháp và nhiều người đã có ý kiến về cách nên tiến hành thế nào.
Tháp nhà thờ Đức bà Paris là một trong những nét đặc trưng dễ nhận biết nhất ở Paris, vươn thẳng lên bầu trời từ trung tâm thành phố. Nhưng nước Pháp đang trong tranh cãi gay gắt liệu tháp nhà thờ nên được tái tạo như một bản sao chính xác hay có thiết kế mới phù hợp với kỷ nguyên hiện đại.
Christophe Girard, Phó Thị trưởng phụ trách văn hóa ở Paris cho rằng kiệt tác kiến trúc Gothic này nhất thiết phải được tu sửa một cách cẩn thận để mang lại vẻ vinh quang vốn có.
“Nhà thờ Đức bà Paris giống như một quý bà mạnh mẽ, quý bà xinh đẹp, thuộc về thế giới. Quý bà đang hỏi chúng tôi, thế giới và đất nước chúng tôi, bạn có thể làm gì cho tôi và bạn có thể tu sửa tôi nhanh như thế nào?”, Girard nói.
Tổng thống Pháp Macron tin rằng dự án này có thể hoàn tất trong 5 năm, có lẽ đúng vào thời điểm diễn ra Olympic Paris. Song nhiều chuyên gia về phục chế cho rằng khung thời gian đó là quá tham vọng và “điên rồ”.
Tháp nhà thờ có niên đại từ thế kỷ 19, cao 90m nhưng đã bị thiêu và đổ sập trong trận hỏa hoạn, sẽ được thiết kế mới và Chính phủ Pháp tuyên bố sẽ chấp nhận các đề xuất từ các kiến trúc sư khắp thế giới.
Thiết kế mới - châm ngòi cho cuộc tranh cãi
Ngọn tháp được kiến trúc sư Pháp Eugene Viollet-le-Duc dựng trên nhà thờ vào giữa thế kỷ 19. Viollet-le-Duc đã dành nhiều thập kỷ để thiết kế một gác chuông mới thay thế cho gác chuông cũ, bị gỡ xuống hồi năm 1786.
Kiến trúc sư kiêm sử gia nghệ thuật Monique Barge cho biết, cấu trúc nhà thờ đã trải qua hỏa hoạn không có khả năng giữ trọng lượng của một thiết kế tương tự.
“Chúng ta không ở trong cùng những điều kiện như trước đây, vì giờ đây chúng ta có một công trình đã bị hư hại nhiều. Chúng ta phải xem các trụ nhà thờ có thể “cõng” được bao nhiêu sức nặng và chắc chắn chúng không thể chịu được trọng lượng như trước đây”, Barge nói.
Bà Barge cho rằng “có thể xảy ra tranh cãi giữa người hoài cổ và hiện đại” về thiết kế mới của nhà thờ Đức bà. Mặc dù chưa quyết định có tham gia cuộc thi thiết kế quốc tế hay không nhưng bà Barge thích ngọn tháp này được làm mới hoàn toàn.
“Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại xấu hổ với thời đại mình sống. Đây là một cơ hội”, bà Barge nói.
Kiến trúc sư Jean-Michel Wilmotte cũng đồng tình, rằng không nên làm một bản sao chính xác gác chuông cũ và nhấn mạnh với truyền thông Pháp rằng “sự mô phỏng” ngọn tháp cũ là vô cùng “kỳ cục”.
Nhưng ý tưởng tạo nên một diện mạo mới cho nhà thờ Đức bà đang khiến nhiều người Pháp khiếp sợ mặc dù thực tế là nước Pháp đã có những dự án bổ sung mang tính hiện đại cho các công trình cổ của mình.
Vẫn giữ được các bí kíp về mộc từ thời xa xưa
Hơn 70% trong số 35.000 người tham gia cuộc điều tra do tờ Le Figaro tiến hành đã phản đối dự án tu sửa nhà thờ Đức bà Paris mang tính đương đại.
Phó Thị trưởng Versailles, Francois-Xavier Bellamy, nói rằng công trình này nên được khôi phục một cách chính xác “với sự kiên nhẫn còn hơn cả khi xúc tiến một kiệt tác”.
Còn Claude Gauvard, một sử gia về thời Trung cổ đồng thời là tác giả một suốn sách về nhà thờ Đức bà Paris, nói rằng kiến trúc sư Viollet-le-Duc được yêu quý ở Pháp vì thiết kế “một biểu tượng quốc gia”.
“Tôi muốn những người xây dựng lại nhà thờ tôn trọng những gì Viollet-le-Duc đã làm bởi có lẽ chính ông hiểu được rõ nhất nghệ thuật Gothic là gì”, Claude Gauvard nói.
Khi các kiến trúc sư, kỹ sư và chuyên gia về kính và đá đã đánh giá được thiệt hại lớn đối với cấu trúc của nhà thờ Đức bà thì sẽ có một quyết định khác được đưa ra.
Nên sao chép các kỹ thuật của thế kỷ 19 để xây dựng trần và ngọn tháp đã đổ sụp? Chuyên gia về mộc người Paris Daniel Flachat hy vọng dự án sẽ được tiến hành theo hướng đó.
“Cho dù bạn là một thợ mộc làm việc tại các di chỉ cổ hay dự án mới thì các kỹ thuật cũng vẫn vậy thôi. Chúng ta vẫn giữ được các bí quyết từ thời xa xưa” , Flachat nói.
Khung rầm bằng gỗ sồi trong nhà thờ Đức bà đã được các kiến trúc sư ví là “khu rừng” và nó đã bị thiêu rụi cùng với 2/3 trần nhà. Hiện vẫn chưa rõ khung này sẽ được xây dựng lại với cấu trúc bằng gỗ hay được thay thế bằng thép.
Flachat hiện là Giám đốc điều hành của Paris Charpentes, công ty đã tái xây dựng và phục chế các nhà thờ bằng gỗ và công trình cổ ở Pháp trong hơn 100 năm qua.
Paris Charpentes vẫn đang dạy cho những người học việc các kỹ thuật tương tự mà công ty này đã sử dụng cách đây hơn 100 năm.
“Nhiều công ty Pháp có khả năng phục chế những công trình như vậy. Chúng tôi vẫn sử dụng kỹ thuật đó hàng ngày, kể cả với những dự án hiện đại”, Flachat cho biết.
Không thể hoàn tất trong 5 năm
Nhưng khi được hỏi nhà thờ Đức bà Paris có thể được phục dựng vào năm 2024, Flachat khẳng định: “Đúng là 5 năm là khoảng thời gian quá ngắn để thực hiện một dự án như vậy”.
Phó thị trưởng Paris phụ trách văn hóa Girard cho biết, Chính phủ vẫn lạc quan là công trình này có thể hoàn thành trong 5 năm, đặc biệt bởi dự án đã được hỗ trợ với những khoản đóng góp lớn.
“Bạn có một công trình đẹp ở Australia, đó là Nhà hát Opera Sydney do kiến trúc sư Đan Mạch Jorn Utzon thiết kế. Tôi không biết công trình này được xây dựng trong bao nhiêu năm nhưng nó không thể mất tới 1-2 thế kỷ như nhà thờ Đức bà Paris. Có điều chúng ta phải lắng nghe các kiến trúc sư”, Girard nói.
Tuy nhiên Caroline Shenton, cựu giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc hội, cho rằng công trình này “không nên vội vàng”. “Đây là một trong những công trình vĩ đại của Tây Âu, một trong những tòa nhà lớn của thế giới và công trình này cần phải có đủ thời gian, sức lực và tiền bạc để đưa nó trở lại thời vinh quang”.
Nhà thờ được bắt đầu xây dựng vào năm 1160 dưới thời Đức cha Maurice de Sully và phần lớn công trình được hoàn thành vào năm 1260, mặc dù nó đã được sửa đổi thường xuyên trong các thế kỷ sau. Năm 1804, nhà thờ là nơi đăng quang của Napoleon I với tư cách là Hoàng đế của Pháp, và chứng kiến lễ rửa tội của Henri, Bá tước Chambord vào năm 1821. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất